Đã yêu thì sẵn sàng dấn thân
Báo Tiếng chuông - 30/05/2017
Sinh ra và lớn lên ở thôn Nà Khoang (xã Tú Nang, huyện Yên Châu, Sơn La), tuổi thơ của chàng trai người dân tộc Thái đen Hà Văn Phượng khá vất vả. Năm học lớp 10, bố mẹ không may bị tai nạn, mất sức lao động, để có thể theo học bán trú ở trung tâm huyện, anh Phượng phải tranh thủ mua mì tôm, bánh kẹo ở huyện về nhà cho mẹ và em gái bán để có thêm tiền trọ học.

“Quê tôi nghèo lắm, kinh tế chủ yếu trông vào cây ngô. Quanh năm làm cật lực cũng không đủ ăn”, anh Phượng kể.

Lớn lên trong điều kiện như vậy, nên khi đi nghĩa vụ quân sự, rồi đi học ở Trường Trung cấp Biên Phòng I và về công tác tại Đồn Biên phòng Lóng Sập (Sơn La), ở vị trí nào, anh Phượng cũng rất năng nổ, tích cực, không ngại khó, ngại khổ. Năm 2009, Hà Văn Phượng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và được đồng đội tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Bí thư đoàn Đoàn thanh niên Đồn Biên phòng Lóng Sập.

 

 

 

Gia đình nhỏ của Trung úy Hà Văn Phượng

Nhưng bước ngoặt thực sự đối với anh Phượng, đó là vào năm 2012, khi anh được Ban chỉ huy đơn vị điều động sang Đội Phòng chống tội phạm và ma túy. Với vị trí địa lý giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào), không quá xa vùng Tam giác vàng, nên tuyến biên giới huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được các đối tượng xem như địa bàn lý tưởng để vận chuyển ma túy từ Tam giác vàng, qua tỉnh Hủa Phăn thẩm lậu vào Việt Nam.

Quản lý địa bàn 3 xã (Chiềng Sơn, Lóng Sập, Chiềng Khừa) thường xuyên nóng về ma túy, nên những cán bộ, chiến sĩ Đội Phòng chống tội phạm và ma túy - Đồn Biên phòng Lóng Sập không khi nào hết việc. Là trinh sát viên năng nổ, dũng cảm, có khả năng phán đoán, xử lý tình huống khá nhanh nên Hà Văn Phượng mau chóng thích nghi và bộc lộ những tố chất cần có của người chiến sĩ phòng chống tội phạm và ma túy…

Thời gian công tác ở Đội trinh sát, sau đó là Đội Phòng chống tội phạm và ma túy (từ năm 2010 đến nay), trong số gần 130 vụ án do Đồn Biên phòng Lóng Sập thực hiện; và gần 150 chuyên án, vụ án do đơn vị phối hợp với Công an xã Lóng Sập, Phòng Phòng chống tội phạm và ma túy (Bộ Chỉ huy Biên phòng Sơn La) thực hiện…, cá nhân Hà Văn Phượng đã trực tiếp tham gia đánh bắt 136 vụ; cùng đồng đội thu giữ 130 bánh heroin, hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp, hàng chục kg thuốc phiện và ma túy đá…

Tham gia đánh án thường xuyên, liên tục nên với anh Phượng, việc băng rừng, vượt suối, leo đèo, thức đêm nằm phục trong rừng… là chuyện hàng ngày. “Có lần, tôi cùng anh em ngụy trang nằm trong rừng 1 tuần liền. Khi đó đúng vào mùa mưa, trời mưa triền miên, muỗi vắt nhiều vô kể, suốt đêm mấy anh em không chợp mắt. Việc ăn uống cũng phải hết sức mau lẹ, tuyệt đối không được để lại dấu vết, dù nhỏ nhất… Vất vả không sợ, đáng ngại hơn là đối tượng chúng tôi phải đối mặt chủ yếu là những kẻ buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy-những kẻ liều chết, sẵn sàng chống trả quyết liệt để giữ hàng, thoát thân”, anh Phượng nhớ lại.

Để tránh thương vong đến mức tối đa, bên cạnh việc thường xuyên luyện tập để có sức khỏe, anh Phượng và anh em trong đội phải thường xuyên rút kinh nghiệm, giả định những tình huống để chủ động xử lý. Theo anh Phượng, thực hiện một vụ án trải qua rất nhiều bước. Chuẩn bị cho quá trình đánh bắt (có thể chỉ diễn ra vài phút hoặc vài giờ), anh em trong đội phải mất thời gian dài trinh sát, khảo sát địa hình, nắm thủ đoạn của đối tượng, từ đó tham mưu cho chỉ huy áp dụng biện pháp chiến thuật về nghiệp vụ nhằm tạo yếu tố áp đảo, bất ngờ, để các đối tượng không có cơ hội chống trả… “Nhiều vụ, đối tượng buôn bán, vận chuyển từ vài bánh đến vài chục bánh, bị bắt đồng nghĩa với tội chết nên bọn chúng chúng sẵn sàng lao xe với tốc độ cao vào lực lượng chức năng, xả súng, đâm chém điên cuồng. Với những kẻ liều chết này, sự dũng cảm không chưa đủ, anh em còn phải hết sức bình tĩnh, linh hoạt để xử lý tình huống…”, anh Phượng chia sẻ.

Hà Văn Phượng kể về những vất vả, nguy hiểm trong nghề với thái độ rất bình thản-giống như đây là một phần tất yếu của công việc, nhưng vợ anh-chị Vi Thị Hồng, lại không giấu được những âu lo: “Ngày mới cưới, tôi thường xuyên rơi vào trạng thái buồn, tủi thân, nghi hoặc khi chồng mình có thể bỏ dở bữa cơm, thậm chí ra khỏi nhà giữa đêm sau một cú điện thoại”.

 

 

Mẹ ơi, bố đã về…

Giờ đã hiểu hơn về công việc của anh Phượng, chị Hồng cho biết đã bớt tủi thân hơn, nhưng không tránh được những bồn chồn, lo lắng bởi biết công việc mà chồng mình đang theo đuổi rất nguy hiểm. “Có lần trước khi đi, anh Phượng chỉ bảo đi công việc, sau đó mấy ngày liền không thấy anh liên lạc về, lo đến thắt ruột. Đêm khuya, hai mẹ con phải bật điện để ngủ. Có đêm anh Phượng đi đánh án còn chưa về, tội phạm đã ném đá vào nhà đe dọa… Nhà một mẹ một con, tôi chỉ biết ôm con mong anh bình an trở về…”- chị Hồng bày tỏ.

Rất ít tâm sự về công việc vừa để bảo đảm bí mật, vừa để vợ con đỡ lo, Hà Văn Phượng bù đắp cho gia đình bằng sự chăm chút, yêu thương, đỡ đần vợ con từ những việc nhỏ nhất mỗi khi có dịp về nhà. Yêu cô gái Thái trắng Vi Thị Hồng từ khi còn là chiến sĩ, 5 năm sau, anh Phượng và chị Hồng mới có điều kiện tổ chức đám cưới. “Yêu nhau, tin nhau nên dù thời gian thử thách khá dài, khó khăn cũng không ít…, nhưng chúng tôi hạnh phúc vì đã được về chung một nhà, có với nhau cậu con trai Hà Hải Anh đáng yêu”-anh Phượng xoa đầu con trai, nhìn vợ cười âu yếm.

Cùng với tình yêu gia đình, giờ đây Hà Văn Phượng có thêm một đam mê mới, đó là được tham gia vào những vụ án, chuyên án phòng chống tội phạm ma túy-công việc khá nguy hiểm và vất vả, nhưng theo anh Phượng, đó chính là môi trường tôi luyện, giúp anh thêm bản lĩnh, ý chí và luôn vững vàng trước những khó khăn, cám dỗ của cuộc sống.

Anh tâm sự: “3 xã do đơn vị chúng tôi quản lý có tới 476 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (con số thực có thể lớn hơn). Người nghiện khổ đã đành, gia đình, bản làng có người nghiện cũng khổ lây. Ma túy vận chuyển về xuôi cũng đang tiếp tục gây ra những hệ lụy khó lường. Chứng kiến những vấn đề nhức nhối này, tôi càng thấy rõ hơn giá trị, ý nghĩa của công việc mà tôi và đồng đội đang thực hiện”.

Nếu như 10 năm trước, vì tình yêu với cô gái Thái, Hà Văn Phượng đã vượt qua không ít trở ngại để thực hiện quyết tâm “yêu là cưới”. Thì hôm nay, với công việc Phòng chống tội phạm và ma túy, Hà Văn Phượng cũng tự tin khẳng định: Đã yêu thì sẵn sàng dấn thân, dù biết rõ những hiểm nguy vẫn luôn rình rập.

Và dù còn nhiều khó khăn, nhưng anh Phượng và đồng đội của mình có những thứ mạnh hơn, giá trị hơn, đó chính là ý chí, là nhiệt huyết của tuổi trẻ và hơn thế là quyết tâm phòng chống tội phạm ma túy, mang lại sự bình yên cho vùng phên dậu của Tổ quốc.

---

 “Mẹ ơi, bố về rồi, bắt được phạm rồi…”-tiếng reo của cậu bé Hà Hải Anh mỗi khi đón bố đi công tác về, cứ vang mãi trong tôi như tiếng reo mừng chiến thắng. Ngày mai, nơi biên giới, Hà Văn Phượng cùng đồng đội tiếp tục tham gia vào những cuộc chiến cam go phòng chống tội phạm ma túy. Trước lúc các anh lên đường, lại thêm một lần thầm mong: Cùng với chiến công, các anh sẽ bình an trở về-bởi đất nước này, cần lắm những người như các anh!

Nói về Hà Văn Phượng, Thiếu tá Đào Mạnh Tưởng- Chính trị viên Đồn Biên phòng Lóng Sập cho biết, bên cạnh việc thực hiện công tác chuyên môn xuất sắc, Trung úy Hà Văn Phượng còn giữ vai trò là Phó bí thư đoàn của Đoàn thanh niên Đồn Biên phòng Lóng Sập trong 2 nhiệm kỳ. Đây cũng là quãng thời gian Đoàn thanh niên Đồn Biên phòng Lóng Sập ghi dấu nhiều kết quả tích cực trong việc tham gia vào Chương trình “Nâng bước em đến trường”; giúp bà con trồng chanh leo thoát nghèo; tuyên truyền phổ biến pháp luật…