Tha "ết" lên rừng
Các Website khác - 21/08/2001

Tha "ết" lên rừng

Tản Viên

Lời giới thiệu:
Chúng ta ít nhiều đều đã biết đến HIV/AIDS. Bệnh "ết" là một đề tài thường xuyên, được khuyến khích của các phương tiện truyền thông đại chúng. Đỗ Doãn Hoàng (bút danh Tản Viên) chỉ kể một câu chuyện "ết" điển hình ở một vùng quê mà đọc đến đâu thấy trầm trọng tới đó. Tác giả dường như không đầu tư nhiều công sức vào bài viết. Với lối mô tả giản dị, trung thực, xúc tích, tác giả làm tất cả chúng ta như đang đứng trên đống lửa. Có thể là đã muộn với nhiều người nhưng vẫn là sớm để chúng ta tự bảo vệ cuộc sống của mình. "Cái quý nhất của con người là cuộc sống". Nhà văn Ôxtrôpxki (tác giả "Thép đã tôi thế đấy") đã nói như vậy. Bài phóng sự này là một tiếng trống mạnh, thúc đẩy chúng ta vào cuộc chống HIV/AIDS mạnh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn nữa! Trần Chinh Đức

Chị Nguyễn Thị Hậu - Trạm trưởng Y tế Văn Bán
người đỡ đẻ cho con của Sơn,
và chăm sóc Sơn trước khi chết -
đang giở "sổ tử" tìm tên Sơn và băn khoăn
"không biết có ai bị lây từ gia đình HIV/AIDS này không?".
Sơn nhiễm HIV từ năm 1996. 22 tuổi, Sơn chết vì AIDS. Vợ và con Sơn 3 tuổi cũng bị lây. Vậy là mấy năm trời nay mọi người trong vùng vẫn dùng chung một số dụng y tế đã từng dùng tiêm chủng, đỡ đẻ cho vợ Sơn, khám chữa bệnh, tiêm phòng dịch cho con Sơn mà không hề biết... sợ! Vậy, có ai đó bị lây nhiễm HIV từ gia đình Sơn? Nếu có, con số là bao nhiêu người...? Rất nhiều thắc mắc đã gây hoang mang trong dư luận, và gần đây, một số cán bộ hưu trí đã viết đơn kiến nghị lên tận T.Ư để tìm câu trả lời.

Cái chết bi thảm của một nạn nhân AIDS
Văn Bán là một xã nghèo, heo hút của huyện miền núi Sông Thao, tỉnh Phú Thọ. Vậy mà, vừa qua, cả vùng đất này xôn xao chứng kiến cái chết bi thảm của anh Phùng Văn Sơn, 22 tuổi, vì căn bệnh thế kỷ AIDS. Theo lời kể của bà con, Sơn đập đầu vào cột nhà tự vẫn, máu chảy lênh láng. Bà con sợ quá chạy hết, phải đợi đến lúc chính quyền địa phương vào vận động... mới dám đến tiễn đưa. Vôi bột rắc đầy nhà và đầy mồ Sơn giữa một khu đồi vắng. Đám tang hôm đó rất đông, vì sợ và vì đó là một sự kiện có sức chấn động - Sơn là người đầu tiên bị nhiễm HIV ở vùng đất xa xôi yên bình này. Cho đến khi Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh mời vợ con Sơn ra thử máu và phát hiện cả hai đều nhiễm HIV, cả làng cả huyện mới giật mình. Thì ra mấy năm nay họ vẫn sống chung với ít nhất 3 bệnh nhân nhiễm HIV ở xóm 7, xã Văn Bán này mà không hề biết.

Xã Văn Bán, cách thành phố Việt Trì hơn 60km đường đất đồi gò, chưa có đường điện. Nơi đây vẫn rừng cọ đồi chè muôn thuở. Ruộng đất ít, hơn 5.400 nhân khẩu ở Văn Bán không có bất cứ nghề phụ nào. Đây là lý do để nhiều thanh niên bỏ làng đi làm ăn xa. Phùng Văn Sơn cũng là một thanh niên nằm trong số đó. Sơn bỏ làng theo mối làm ăn của ông Ng.Th. về tận Quảng Ninh nhem nhuốc với than từ mùa hè năm 1996. Nhưng không giống như một số thanh niên khác, nhà Sơn khá giả hơn, Sơn đi làm ăn không phải vì miếng cơm manh áo. Bố Sơn từng làm Bí thư Xã đoàn, nay vẫn làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Ông Ng. đã phải nhiều lần xuống tận Quảng Ninh lôi Sơn về.

Song mải chơi và rất đua đòi, Sơn đã nhiều lần bán xe đạp của gia đình trốn đi. Chính trong những lần trác táng ở vùng mỏ, Sơn đã bị nhiễm HIV mà không hề biết. Đến độ không quản được Sơn, ông Ng. đã phải tính chuyện cưới vợ sớm, lập nhà cho ra ở riêng để Sơn đỡ quậy phá. Song vẫn chứng nào tật ấy. Lần cuối cùng đi vùng than, Sơn còn bán nốt cái xe đạp rách của người vợ nghèo. Vợ Sơn tên là N.T.M., cũng là con gái Văn Bán. Vốn chăm chỉ làm ăn, M. không thể ngờ rằng người chồng đẹp trai chưa đầy 20 tuổi của mình bị nhiễm căn bệnh vô phương cứu chữa ấy. Năm 1998, họ sinh được một bé trai nặng 3kg, đặt tên là Phùng Văn L.

Mấy năm trời Sơn đi đi về về, còn vợ con Sơn thì vẫn sống bình thường ở xóm. Khi Sơn bị bệnh đường ruột kéo dài, mọi người nghi là lao ruột, đưa Sơn đi khám ở trạm xá. Trạm xá khả nghi, báo lên huyện. Mấy cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sông Thao về tận nhà Sơn lấy mẫu máu thì cũng là lúc Sơn đã gầy yếu lắm, chân tay khô lại, nhìn không còn biết chỗ nào còn máu để mà lấy nữa. Phải vất vả lắm họ mới lấy được một mẫu. Khi Sơn ốm nặng, nằm quằn quại ruột rát như lửa đốt, cậu em Sơn sợ quá chạy ra báo với y tế xã. Mọi người vào thấy Sơn kêu: "Cô Hậu ơi, cháu nóng ruột quá, cháu thèm ăn dưa, ăn đá (nước đá)". Chị Nguyễn Thị Hậu là Trưởng trạm Y tế xã Văn Bán thở dài: "Thương lắm, mà cũng giận lắm kia, bảo mãi nó vẫn nước đổ lá khoai!"...

Bấy giờ, các xét nghiệm mới chỉ phát hiện thêm vợ và con Sơn bị lây nhiễm. Theo bà Xuân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Thao, người từng trực tiếp lặn lội vào theo dõi, xét nghiệm và quản lý trường hợp này, thì: "Đây là một ca điển hình, có đủ cả 3 con đường lây nhiễm chính của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS: Sơn bị là do tiêm chích ma tuý (có thể cả chơi bời trai gái ở Quảng Ninh); Sơn truyền bệnh sang vợ (tình dục); bé L. bị lây bằng con đường mẹ truyền sang con".

Sau đây là những ai?
Điều đáng nói nhất là việc Sơn, gia đình và xã hội không hề biết Sơn bị nhiễm HIV. Chính vì vậy, khi Sơn chết, dư luận mới xôn xao, đơn thư mới lo lắng gửi lên cấp trên để... thắc mắc. Quả thật, hàng ngày hàng giờ bà con sống với quả bom HIV mà không hề có bất cứ biện pháp đề phòng nào. Đó là một cháu bé thường xuyên sang bú nhờ M., vợ Sơn; đó là một cậu em suốt ngày mặc chung quần áo, cạo râu chung một bàn cạo với Sơn; bà mẹ và cô em gái sinh năm 1984 của Sơn, suốt ngày quấn quýt trông nom chăm sóc M., từ khi mang thai đến giờ... Liệu trong số các đối tượng gần gũi này có ai bị HIV nữa không?

Tại trạm Y tế xã Văn Bán, chúng tôi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hậu, chính là người đã trực tiếp đỡ đẻ cho bé L, con của Sơn. Chị Hậu cho biết: "Kể từ ngày vợ Sơn mang thai tới giờ, đã có 2 lần M. được tiêm phòng uốn ván, 5 lần đứa trẻ được tiêm phòng, tiêm chủng tại xã. Trước khi chết, Sơn cũng ra trạm một lần nữa, ông Hồng đã khám cho Sơn (bấy giờ chưa ai biết Sơn bị AIDS). Đặc biệt là hồi đó, cả xã chỉ có một bộ đồ đỡ đẻ tôi đỡ cho vợ Sơn bằng một bộ đồ đỡ ấy. Đem luộc nước sôi, rồi tiếp tục đỡ cho các cháu khác. Còn về tiêm chủng, mỗi lần tiêm (ví dụ) chúng tôi có chừng 30 bơm tiêm, mỗi bơm tiêm dùng cho một cháu. Nhưng dùng xong không đem vứt bỏ, mà đem luộc cất đi để tháng sau lại dùng tiếp! Tức là ngay hôm đó thì không dùng chung, nhưng lần sau thì có thể... em khác dùng lại. Không biết có bị làm sao không, nhưng bà con lo lắm...". Theo nhiều bà con, trong thời gian này, chính gia đình ông Ng. (bố đẻ của Sơn) còn có một chiếc bơm tiêm Tàu 5cc. Vì đây là xã miền núi khó khăn, ông Ng. là người biết tiêm, nên hễ ai cần tiêm là đều mượn bơm tiêm về tiêm.

Theo ông Nguyễn Hán Chuyên, Chủ tịch UBND xã Văn Bán thì: "Không loại trừ trường hợp nhiều thanh niên đi làm ăn cùng với Sơn cũng bị HIV rồi. Dư luận đồn rằng, chính Sơn trước khi chết đã tiết lộ: Nhiều bạn bè cùng ăn chơi với Sơn ở Quảng Ninh cũng đã bị nhiễm. Có một số anh trong số đó, nghe nói đã trở về bỏ vợ, vĩnh biệt vợ con để ra đi... không hẹn ngày về!".

Có một vấn đề mà những người địa phương bức xúc kiến nghị. Đó là tiến độ và trách nhiệm của người xét nghiệm cho bệnh nhân ết. Cán bộ y tế Sông Thao đã có kết luận về trường hợp của gia đình Sơn rất sớm, nhưng huyện không được quyền công bố. Đến khi Sơn chết được hàng tháng trời, "trên" mới gửi kết quả xét nghiệm của họ về. Sau vụ xét nghiệm nhầm gây ầm ĩ ở Quảng Ninh, có thể như con chim sợ cành cong, ngành y tế lại đi vào một bất cập khác là quá... thận trọng, thận trọng đến quan liêu.

Để giải quyết những hoang mang lo lắng của bà con Văn Bán và Sông Thao, cần có một cuộc xét nghiệm lại toàn bộ những đối tượng có xác suất lây nhiễm, đặc biệt là một số em nhỏ, một số bà mẹ có tiêm chủng tiêm phòng cùng đợt với Sơn và vợ con Sơn hồi đó. Thế mới biết, con đường HIV về vùng sâu vùng xa bất ngờ và đơn giản đến mức nào; và đấu pháp của chúng ta trước những diễn biến đáng sợ của bệnh ấy còn... chưa ổn ra sao.

CÁC TIN ĐÃ ĐƯA