Trên 1.500 cuốn sách về lĩnh vực văn học, chính trị, triết học tại Trường ĐH Sư phạm - mua mới từ năm 2002 - đã bị mờ, nhoè, thậm chí không rõ chữ. Kết quả thanh tra cho thấy, toàn bộ số sách này đều là dỏm. Bìa được nhái như sách thật, ruột lại là bản photocopy. Trong khi đó, giá của sách "dỏm" lại cao gấp 3 lần so với sách thật.
![]() |
Sách giả được phát hiện tại thư viện ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng |
Chủ ý hay bị nạn?
Năm 2002, thư viện ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) thiếu hụt các đầu sách nhất là sách của ngành học mới mở. Trước thực trạng trên, Ban giám hiệu (BGH) của trường quyết định chi 200 triệu đồng để mua sách, thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho sinh viên và giáo viên.
Trong thời gian này, ông Nguyễn Đức Hiệp - phụ trách thư viện - được lãnh đạo Phòng đào tạo và BGH giao trách nhiệm tìm nhà cung cấp đủ lượng sách mà các khoa yêu cầu.
Quy trình tìm nhà phân phối và nhập sách vào kho diễn ra đơn giản đến nỗi chỉ cần 2 - 3 công đoạn là ông Hiệp đã đưa 1.613 cuốn sách dỏm vào kho một cách an toàn, qua mặt được cả tập thể nhân viên thư viện và lãnh đạo của trường.
Khi vụ việc bị vỡ lở, ông Hiệp luôn khẳng định rằng mình đã bị nhà cung cấp "lừa". Thế nhưng, việc nhập sách được thực hiện bằng hợp đồng, có hoá đơn và cả địa chỉ mỗi nhà sách.
Trong bản tường trình, ông Hiệp cho biết, vào thời điểm đó, thư viện trong tình trạng chuyển đổi, sắp xếp, thiếu diện tích đã gây khó khăn trong việc kiểm nhập sách. Vả lại, nhà cung cấp cố tình xen các loại sách photocopy vào trong, đã khiến cán bộ thư viện không phát hiện được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quốc Hoè - Trưởng phòng Hành chính - khẳng định: "Mọi người khi nhìn vào trang sách có thể phân biệt được ngay sách in và sách photocopy huống hồ là những người có nghiệp vụ và thâm niên công tác tại thư viện".
Cũng theo ông Hoè, giá cả của nhiều đầu sách sách photocopy đều cao gấp 2 - 3 lần so với sách xuất bản. Cụ thể: Sách triết học Mác - Lênin với giá xuất bản 6.000 đồng thì sách photocopy là 15.300 đồng; năm bài giảng về thể loại văn học giá 5.000 đồng thì sách photocopy là 15.000 đồng...
Sau khi bị thanh tra, ông Hiệp chỉ thừa nhận mình photocopy 551 quyển sách, như: Lịch sử Đảng Cộng sản VN, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Lịch sử văn học Nga, Ngữ âm tiếng Việt, Lý luận văn học và cá tính sáng tạo phát triển văn học, với lý do nhu cầu quá cần thiết trong khi sách mới chưa tái bản.
Còn lại trên 1.000 cuốn, ông Hiệp khẳng định được các nhà sách Trung tâm sách báo Xưa và Nay, cửa hàng kinh doanh vật tư ngành in và in ronéo điện tử, nhà sách Chánh Trí đã bỏ sách "dỏm" vào.
Có khảo mới khai
Từ tháng 12/2004, nhiều phụ huynh, sinh viên đã có đơn phản ánh đến trường. Thế nhưng sau hơn một năm, tình trạng sách photocopy cứ tiếp tục tại vị trên giá và không được xử lý. Quá bất bình, các bậc phụ huynh và sinh viên liên tiếp gửi đơn đến các cơ quan chức năng.
Đến cuối năm 2005, giám đốc ĐH Đà Nẵng mới biết được sự việc và yêu cầu thanh tra nhanh chóng. Đến lúc này, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm mới tăng tốc làm rõ sự việc.
Số sách photocopy được ông Hiệp ghi trong bản tường trình chỉ cách 3 ngày đã có sự sai số, cụ thể ngày 16.12.2005 là 1.588 cuốn, đến ngày 19.12 là 1.613 cuốn và ông Hiệp nhanh chóng nhận tất cả trách nhiệm sai sót về phía mình(?!); nhưng lý do sai sót lại đổ cho yếu tố khách quan(!).
Vào thời điểm đó, dù biết được số sách dỏm do bị lừa, ông Hiệp vẫn không thông báo sự việc trên cho BGH. Thậm chí, ông cũng không phản kháng gì đối với các nhà cung cấp để yêu cầu bồi hoàn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trưởng ban Thanh tra ĐH Đà Nẵng cho rằng, trong thời điểm này, quy trình nhập sách của trường thiếu các bước cần thiết nên không phát hiện ra sự việc trên.
Trước mắt, nhà trường sẽ nghiên cứu phương án hạ bậc lương đối với nhân viên và yêu cầu bồi hoàn vật chất. Số sách photocopy trên theo cách xử lý của nhà trường là tập trung lại một chỗ và giao về cho khoa Văn để dùng làm tham khảo, chứ không tiếp tục cho sinh viên mượn.
Đến bao giờ sự việc trên được giải quyết dứt điểm? Ai chịu trách nhiệm trước hàng ngàn cuốn sách đã vi phạm trắng trợn về bản quyền? Đây là câu hỏi đang được dư luận quan tâm.
Võ Tuấn (Nguồn: Lao Động)
▪ Sách phân ban: Chỉ sửa chứ không làm mới! (11/01/2006)
▪ Ôi, luận án tiến sĩ! (11/01/2006)
▪ Một ngày "lê la" phòng giáo vụ (11/01/2006)
▪ Xóa bao cấp trong giáo dục (11/01/2006)
▪ Xóa cơ chế bộ chủ quản? Chỉ nghe đã thấy "sốc"! (09/01/2006)
▪ Bộ chủ quản thực chất là "1 cổ 2 tròng" (10/01/2006)
▪ Hôm nay quyết định phương án phân ban (09/01/2006)
▪ Sẽ thay thế phương án phân ban đang thí điểm (09/01/2006)
▪ ĐH đẳng cấp quốc tế: Đi lè tè sẽ khó thành công! (09/01/2006)
▪ TP.HCM dành hơn 1 tỷ đồng cho ngân sách thường xuyên GD (10/01/2006)