(VietNamNet) - "Nếu không đưa ra ý tưởng xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế thì chất lượng giáo dục (GD) ĐH rất trì trệ. Trong nhiều phát biểu tôi cũng nói chất lượng phải tiến kịp thời đại. Mục tiêu là vậy mà bước đi cứ lè tè thế này sẽ rất khó thành công".
Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải băn khoăn như vậy trong phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục (HĐQGGD) chiều 9/1.
Thủ tướng Phan Văn Khải:"Nếu không đưa ra ý tưởng xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế thì chất lượng giáo dục ĐH rất trì trệ" |
Một trong hai vấn đề mà Bộ GD-ĐT trình HĐQGGD vẫn còn nhiều tranh luận là "Xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản" và "Xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế".
Không phải xây mới hay nâng cấp, mà chủ yếu là bước đi cụ thể
"Bắn" phát súng đầu tiên về chủ trương xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Vũ Minh Giang hoàn toàn đồng ý với báo cáo có tiếp thu những ý kiến của thành viên các Tiểu ban chuyên môn của HĐ QGGD bàn thảo mới đây: "Xây mới hay phát triển trên cơ sở một trường ĐH đã có, chủ yếu vẫn là cách làm và bước đi cụ thể"
Nhiều đại biểu trong phiên thảo luận chiều nay cho rằng, khi xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế, cần xác định mục đích với một đề án có lộ trình triển khai cụ thể. Bên cạnh đó, cần phải có triết lý rõ ràng trong việc xác định huy động nguồn lực từ bên ngoại hay tập trung nguồn lực nội tại.
Theo GS Vũ Minh Giang, việc xây dựng trường quốc tế không chỉ dựa trên mong muốn mà phải căn cứ vào tiềm lực, trí lực...thực tế của Việt Nam. Cần phải xác định Việt Nam có tiềm năng đến đâu.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bành Tiến Long nhìn nhận, việc xây mới một trường ĐH thay vì nâng cấp từ cái sẵn có mang lợi thế rõ rệt vì thực hiện được các ý tưởng mới ngay từ đầu. Sẽ không mất nhiều công sức và tiền của trong việc nâng cấp, chỉnh sửa cơ sở vật chất vốn có mà có khi vẫn không đạt tiêu chuẩn cần thiết, trong việc cải tổ nề nếp thói quen cũ và những trì trệ của bộ máy kiểu cũ. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư ban đầu có thể sẽ rất lớn. Mặc dù vậy, hiệu quả cuối cùng sẽ cao hơn nhiều so với cách nâng cấp trên cơ sở một trường ĐH có sẵn.
Cũng có lo lắng, khi xây dựng trường mới, không thể thoát ly khỏi thực trạng của GDĐH Việt Nam hiện nay. Mặt khác, khó thoát khỏi những thiết chế hiện hữu của GDĐH Việt Nam.
"Tôi mới đọc bài của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt xung quanh vấn đề này. Trong đó có nói phía Mỹ sẽ giúp xây dựng trường là giúp như thế nào và giúp đến đâu", ông Giang cho hay.
Băn khoăn của ông Giang là, khi đặt vấn đề xây mới rõ ràng dễ hơn thì Việt Nam cần đặt bài toán như thế nào với phía Mỹ. Đặt vấn đề như thế nào thì Mỹ sẽ liên kết giúp đỡ xây dựng như vậy. Vấn đề là tiền do Việt Nam trả nên rất cần phải tính toán phù hợp. Chẳng hạn, ĐH Harvard có thế mạnh về đào tạo Quản trị kinh doanh, nếu dựng ĐH quốc tế ở Việt Nam, liệu có đào tạo ngành này không? Và nếu vậy thì có đào tạo "bốn môn bắt buộc" về triết học Mác - Lê nin ..hay không?
Ở góc nhìn quản lý vĩ mô, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhìn nhận: Lâu nay, chất lượng GDĐH Việt Nam khó nâng lên vì chưa xác định đúng yếu tố tham gia của quốc tế. Thực tế, một số mô hình áp dụng yếu tố quốc tế đã giúp nâng chất lượng rất nhanh. Mặt khác, đây là khâu đột phá của các trường trong việc nâng chất lượng.
Như vậy, khi đặt vấn đề dựng trường quốc tế cũng cần tận dụng yếu tố tư vấn của nước ngoài. Tuy nhiên, lộ trình triển khai như thế nào thì Chính phủ phải quyết định thành lập tổ nghiên cứu.
GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH An Giang nêu kinh nghiệm dựng trường ĐH Quản lý Singapore (SMU) với kinh phí 600 triệu USD. Bên cạnh đó, họ còn mạnh dạn mời 4 chuyên gia của Mỹ (1 làm hiệu trưởng và 3 trưởng khoa). Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam chưa làm được như vậy thì nên làm theo kiểu "con nhà nghèo".
"Chốt" lại vấn đề dựng trường ĐH quốc tế, Thủ tướng Phan Văn Khải nhắc lại "Xét thấy Việt Nam có nhu cầu, trong chuyến công tác tại Mỹ đã đề xuất ý tưởng và phía họ ủng hộ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, họ chê ta làm chậm. Phía Mỹ có vẻ ngán cách làm chuyển qua chuyển lại của bộ phận quản lý về giáo dục".
Xuất phát từ tinh thần hiếu học của người Việt Nam và "đối mặt" với tỷ lệ SV của Việt Nam sang các nước Singapore, Malaysia...học tập và lao động, không thể không có suy nghĩ "lôi" họ vào Việt Nam. Muốn vậy, phải dựng trường.
Muốn dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế nhanh, nên nhờ Mỹ giúp - Thủ tướng khẳng định. Bản thân Mỹ có nhiều trường ĐH được xếp hạng quốc tế. Hơn nữa, hiện nay Mỹ có nhiều công trình tầm cỡ quốc tế, nhiều GS giỏi và tiềm năng nghiên cứu của các trường rất tốt.
Ý tưởng dựng trường cũng là mong muốn "trình độ ĐH của Việt Nam phải tiến kịp khu vực và quốc tế". Từ mô hình đó, có thể nhân rộng hơn...Trước mắt, Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của các thành viên Thành lập tổ nghiên cứu. Tổ này dự kiến do GS Trần Xuân Giá làm tổ trưởng; có trách nhiệm làm việc với phía Mỹ trong việc xây dựng Đề án dựng trường ĐH Quốc tế tại Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh "Nếu chúng ta không đưa ra ý tưởng để phấn đấu thì chất lượng GDĐH sẽ rất trì trệ. Hơn nữa, trong nhiều phát biểu, tôi nói chất lượng phải tiến kịp thời đại. Mục tiêu là vậy mà bước đi cứ lè tè như thế này sẽ rất khó thành công".
Kiều Oanh (lược thuật)
Các nội dung của phiên họp Hội đồng quốc gia giáo dục hôm nay:
Ý kiến của bạn:
▪ Hôm nay quyết định phương án phân ban (09/01/2006)
▪ Sẽ thay thế phương án phân ban đang thí điểm (09/01/2006)
▪ Phải dạy làm người (08/01/2006)
▪ Chuyện kể về những kiểu...hành (09/01/2006)
▪ Hình như tôi không phải là SV báo chí (09/01/2006)
▪ Cơ hội học bổng trường ĐH Liverpool John Moores (Anh) (06/01/2006)
▪ Những quy định lạ lùng (06/01/2006)
▪ Thanh tra các cơ sở ngoại ngữ có yếu tố nước ngòai (06/01/2006)
▪ Tin học nhà trường: Chưa phát huy vai trò của máy và mạng (06/01/2006)
▪ Nhiều đại học lúng túng với dự thảo quy chế sau ĐH (04/01/2006)