Căng thẳng như một trận đấu!
Các Website khác - 10/06/2006

 

Thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi bước vào phòng thi môn văn tại HĐT Lê Lợi, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

TT - Sau gần 10 năm, TP.HCM quay trở lại tuyển sinh vào lớp 10 bằng kỳ thi tuyển. Hình thức khác trước (trước đây HS đăng ký thi một trường hệ A) nhưng tính chất căng thẳng của “trận đấu loại trực tiếp” không hề giảm...

Mẹ, con đều căng thẳng

Trước cổng các hội đồng thi (HĐT) đều có công an bảo vệ. 7g30 mới bắt đầu thi nhưng ở buổi thi đầu sáng 9-6, ở các HĐT HS đã phải có mặt từ 6g sáng để nghe phổ biến nội qui. Có mặt tại HĐT Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, chúng tôi cảm nhận một không khí căng thẳng bao trùm.

Gần như tất cả thí sinh (TS) đều một tư thế “cắm đầu” vào tài liệu tranh thủ ôn vét. H.A., khuôn mặt vẫn còn lộ vẻ mệt mỏi, cho biết: “Đêm qua em không tài nào ngủ được, học bài đến 11g khuya mới lên giường nhưng cũng trằn trọc mãi. Thế là 3g sáng lại thức dậy học tiếp. Thầy cô đã luyện cho em hơn một tháng rồi, học cũng nhuyễn nhưng vẫn lo. Kỳ thi tuyển chứ đâu phải thi tốt nghiệp nên không dám coi thường”.

TS căng thẳng nhưng phụ huynh cũng không thể không lo lắng. Con đã vào phòng thi nhưng trước cổng HĐT Trường THCS Lê Lợi (Q.3) vẫn còn 6-7 phụ huynh đứng chờ. Thậm chí một phụ huynh có con học lớp 9/5 Trường THCS Colette (Q.3) mặc dù bụng cồn cào vì chưa ăn sáng nhưng vẫn không dám bỏ vị trí đối diện cổng trường.

Bà kể: “Tôi đã cho con luyện thi môn toán ở Trung tâm bồi dưỡng Nguyễn Du cả tháng nay, còn môn Anh văn thì có bố là một giảng viên ngoại ngữ luyện thi, vậy mà cháu không yên tâm. Tối nào cũng thức học đến 12g”.

Phụ huynh lo lắng hỏi han con sau giờ thi môn văn tại HĐT Ba Đình, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Còn chị P.H. có con học lớp 9/8 cùng Trường Colette thì xin nghỉ làm hẳn hai ngày để lo chuyện thi cử của con. Con chị được “luyện” đủ ba môn từ khá sớm, lại là HS giỏi nhưng chị vẫn cứ lo vì đã đăng ký cho con vào những trường khá “nặng ký” (Nguyễn Thị Minh Khai, Gia Định), hơn nữa “tâm lý cháu cũng không ổn định. Gặp những kỳ thi thế này không biết cháu sẽ làm thế nào” - chị kể.

Tâm trạng lo lắng của phụ huynh có lẽ không thừa khi ở HĐT Ba Đình, trong khi các TS khác đã ra về thì  một nữ TS vẫn còn đứng khóc giữa sân trường. Cô bé năn nỉ bất kỳ thầy cô nào gặp được để xin... được chép tiếp bài nháp vào giấy thi mà trước đó do say sưa làm nháp, đến khi gần hết giờ thì trở tay không kịp! 

Trong khi đó, ở HĐT Trường Đoàn Thị Điểm, một nhóm phụ huynh có con đăng ký nguyện vọng 1, 2 vào các trường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quí Đôn, Gia Định lại lo lắng theo kiểu khác. Một phụ huynh tâm sự: “Mấy đứa nhỏ lo không bằng mình lo. Đầu năm nghe bỏ thi tốt nghiệp, tụi nhỏ thấy thoải mái cứ học chơi chơi, đến khi nghe tin thi tuyển lớp 10 thì sợ, nhiều đứa trở tay không kịp. Còn nhà trường tuy ôn tập nhưng họ chỉ có trách nhiệm với tỉ lệ tốt nghiệp, còn thi vào lớp 10 đậu bao nhiêu không ảnh hưởng đến thành tích của trường nên ý thức dạy dỗ cho HS không cao”.

Đề thi không dễ

9g30 chấm dứt giờ thi văn. Hầu như tất cả HS chúng tôi hỏi ở hai HĐT Đoàn Thị Điểm và Lê Lợi đều cho rằng đề thi không khó, đã được giáo viên ôn tập cuối năm trước đó. Thế nhưng một số giáo viên khi được hỏi đã cho rằng đề không đơn giản như các em nghĩ.

Một giáo viên THCS ở quận 3 cho biết: “Đề thi đúng như tuyên bố của sở, nằm trong chương trình, không đánh đố. Tuy nhiên bài tập làm văn chiếm 7 điểm yêu cầu HS cảm nhận một đoạn thơ. HS thường ngán thơ, nội dung đề lại khá rộng, vì vậy những HS nghèo ý không nắm được mạch cảm xúc bài thơ hoặc không hiểu hết tính triết lý trong hai câu thơ cuối... sẽ viết sơ sài.

Dạng đề này những HS trung bình khá khó làm tốt được”. Tương tự, sau buổi thi chiều môn tiếng Anh, thầy Huy Thảo, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, nhận xét: “Đề thể hiện tính phân loại HS khá tốt và không hề dễ chút nào vì đòi hỏi HS phải nắm vững cách phát âm, trọng âm của từ, vốn từ vựng nhiều, khả năng đọc hiểu, nắm vững ngữ pháp và cấu trúc câu”.

Tỉ lệ HS vắng thi ở các HĐT cũng khá nhiều. Môn ngữ văn có đến 412 TS bỏ thi, còn môn tiếng Anh buổi chiều có đến 419 TS bỏ thi, trong đó có những trường hợp TS có tên nhưng không nộp đơn thi từ đầu.

Điều này được một chủ tịch HĐT lý giải: “Khác với kỳ thi tốt nghiệp HS cần phải thi để lấy bằng. Ở đây là thi tuyển vào lớp 10, thay vì phải “đấu” để vào các trường công lập, bán công thì còn rất nhiều trường dân lập tư thục đang dần lấy uy tín của phụ huynh mà không cần phải thi, nên nhiều phụ huynh xác định cho con họ vào con đường nhẹ nhàng hơn...”. Nhiều trường dân lập nhạy bén cũng đã tranh thủ phát tờ rơi giới thiệu ngay sau khi HS rời khỏi HĐT.

KIM LIÊN - HOÀNG HƯƠNG