Phạm vi và yêu cầu của đề thi trắc nghiệm tương tự như đề tự luận
Các Website khác - 29/05/2006

 

Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2005
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có một nét khác biệt: TS dự thi môn Ngoại ngữ thi bằng hình thức trắc nghiệm. PGS-TS TRẦN VĂN NGHĨA - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết về hình thức câu hỏi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT này.

- Năm nay, cả 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đều sử dụng hình thức thi trắc nghiệm với môn Ngoại ngữ. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi sẽ sử dụng kiểu câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn có hai phần, phần đầu (được gọi là phần dẫn) nêu ra vấn đề, cung cấp thông tin cần thiết hoặc nêu một câu hỏi; phần sau là các phương án để chọn (được đánh dấu bằng các chữ cái A, B, C, D).

Trong các phương án để chọn chỉ có duy nhất một phương án đúng; các phương án khác được đưa vào có tác dụng “gây nhiễu” đối với thí sinh (TS). Không nắm vững kiến thức về vấn đề đã nêu, TS sẽ khó nhận biết được trong các phương án để chọn đâu là phương án đúng.

* Nhiều người hy vọng rằng hình thức thi trắc nghiệm sẽ đạt hiệu quả cao trong việc chống gian lận thi cử ở khâu coi thi. Theo ông thì thế nào? Đề thi trắc nghiệm có khó hơn so với đề thi tự luận?

- Mỗi đề thi có 50 câu trắc nghiệm (thời gian làm bài 60 phút). Tính ra bình quân thời gian lựa chọn phương án để trả lời câu hỏi cho mỗi câu chỉ hơn 1 phút. Vì vậy, muốn đạt điểm tốt, TS phải khẩn trương trong quá trình làm bài.

Lượng thời gian đó không đủ cho các em tìm cách quay cóp. Đề thi được in sẵn và có nhiều phiên bản, do máy tính tự động xáo trộn thứ tự câu cũng như thứ tự các phương án A, B, C, D.

Vì thế, trong một phòng thi sẽ có nhiều mã đề khác nhau. Trong túi đựng đề thi, các đề thi được xếp lần lượt theo mã số từ nhỏ đến lớn và không có chuyện 2 đề thi cùng một mã số nằm cạnh nhau.

Khi ghi số báo danh lên bàn TS trong phòng thi, giám thị chỉ có một cách làm duy nhất: ghi từ số nhỏ đến lớn (theo danh sách phòng thi), ghi theo hàng ngang và lần lượt từ trên xuống dưới phòng thi. Điều này đảm bảo cho các TS ngồi cạnh nhau không có mã đề thi giống nhau.

Để đề phòng việc TS có thể đánh tráo mã đề khác trong quá trình làm bài thi, sau khâu phát đề thi, giám thị 1 sẽ lần lượt đến từng TS (trong khi giám thị 2 bao quát trật tự phòng thi) để cho TS tự điền mã đề thi của mình vào 2 danh sách TS nộp bài.

Việc đáp ứng các yêu cầu của đề thi, phạm vi kiến thức, thang điểm cũng như yêu cầu về giám sát, bảo mật đối với đề thi trắc nghiệm được thực hiện theo quy định như đối với đề thi tự luận. Trong khâu chấm thi, các hội đồng chấm sẽ phải thực hiện quy đổi thang điểm 100 sang thang điểm 10 đối với đề thi trắc nghiệm.

Theo Tiền Phong