Đào tạo giáo viên theo kiểu mới
Các Website khác - 03/04/2006

(VietNamNet)- Đề án đổi mới quy trình đào tạo giáo viên của ĐH An Giang đã được ấp ủ nhiều năm nay. Tinh thần chính là “thử” tìm ra một cách đào tạo giáo viên hiện đại hơn, khác với cách đào tạo truyền thống".

Ông Hoàng Xuân Quảng: "Các trường phổ thông, khi đánh giá kết quả thực tập của SV thường rộng tay lắm. Nhưng SV tốt nghiệp, đưa về trường, lại không dám nhận"

Hiện tại, giáo dục Việt Nam đang tiến hành một cuộc cải cách ngược: đổi mới chương trình phổ thông, rồi mới tìm cách đào tạo lại giáo viên phù hợp với những đổi mới ấy.

VietNamNet đã trao đổi với Thạc sỹ Toán học Hoàng Xuân Quảng, Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang, về đề án.

Thưa ông, ngay trong hội nghị quốc gia về nâng cao chất lượng GD-ĐT vùng ĐBSCL được tổ chức gần đây tại Cần Thơ, nhiều đại biểu đã bất ngờ khi ĐH An Giang công bố Đề án cải tiến quy trình đào tạo giáo viên. Vì lẽ, ai cũng biết rằng, Bộ GD-ĐT cũng đang tiến hành một cuộc cải cách mạnh mẽ về chương trình sách Giáo khoa và chuẩn giáo viên. Liệu ĐH An Giang có giẫm lên chân của Bộ GD&ĐT ?

Không! Chúng tôi quan tâm đến cách đổi mới quy trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Nghĩa là căn cứ rất sát nội dung đổi mới của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi cố gắng nâng cao, cải tiến, sắp xếp, cập nhật, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá…để việc đào tạo nghiệm vụ sư phạm được hiệu quả hơn, sát hơn, so với yêu cầu mới. Mới đây, chúng tôi đã bắt đầu thay đổi nội dung kiến tập, thực tập cho SVngành sư phạm.

Cụ thể là...?
 

Chẳng hạn, việc kiến tập tại các trường phổ thông không hiệu quả và tiết kiệm bằng việc tổ chức các tiết dạy mẫu tại trường.

Chúng tôi mời các giáo viên phổ thông giỏi, cùng thiết kế, xây dựng, thực hiện những giờ lên lớp phổ thông ngay tại giảng đường ĐH. Có một thực tế, là khi đưa các đoàn SV thực tập về các trường phổ thông, kết quả đánh giá luôn rất cao. Nhiều khi không chính xác. Chúng tôi cho rằng, việc đánh giá kết quả thực tập phải do chúng tôi đảm nhiệm. Các trường phổ thông, khi đánh giá kết quả thực tập của SV thường rộng tay lắm. Nhưng SV tốt nghiệp, đưa về trường, lại không dám nhận.

"Nâng cấp" giảng viên

Cùng với chương trình đào tạo giáo viên, đầu tháng 4/2006 trường sẽ phối hợp với các trường ĐH nước ngoài để đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng tin học cho 123 giảng viên, thạc sĩ của trường. Kế hoạch này nhằm từng bước cải tiến chất lượng giảng dạy và quản lý giáo dục mà trường đang thực hiện.

Theo GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng ĐH An Giang, với điều kiện hợp tác quốc tế, hỗ trợ đào tạo tại chỗ, giảng viên nào không đạt tiêu chuẩn ngoại ngữ sẽ không được tham gia. Ngược lại các giảng viên trước nay không có khả năng nâng cao trình độ hoặc không tự rèn luyện nâng chất, đổi mới phương pháp giáo dục... sẽ là đối tượng sàng lọc đợt này.

Nhưng gửi SV về trường phổ thông, mà lại không đề giáo viên phổ thông đánh giá kết quả thực tập, như vậy cũng kẹt?

- Chúng tôi chỉ không khoán trắng mọi việc về chuyên môn cho giáo viên phổ thông nữa. Cũng không gửi SV thực tập một cách đại trà và chia đều như trước đây. Phải khảo sát lại thực lực các trường phổ thông, và gửi SV theo đúng điểm mạnh và nhu cầu thực tế. Và chúng tôi cử giảng viên xuống trực tiếp dự giờ thực tập cùng giáo viên phổ thông, cùng đánh giá luôn.

Ngoài thay đổi về nội dung kiến tập và thực tập, bước cao hơn của đề án này là gì?

Chúng tôi nhận thấy, cơ cấu hiện tại của khoa Sư phạm ĐH An Giang (và cả ĐH Cần Thơ nữa) vẫn không ổn, quá cồng kềnh.

Hiện tại, nguồn giáo viên chúng ta vẫn tồn tại 2 mô hình song song: từ SV sư phạm; thu hút nguồn chuyên môn từ các khoa khác, đào tạo nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn.

Tôi ví dụ, một SV khoa Ngữ Văn tốt nghiệp, học thêm một chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, có thể ra đi dạy. ĐH Sư phạm TP.HCM đã làm rất tốt việc này và thực tế, rất nhiều giáo viên cấp THPT của chúng ta hiện nay được tuyển dụng theo hình thức trên. Như vậy, taị sao chúng ta lại cồng kềnh, cứng nhắc, ép hết vào một khoa Sư phạm.

Hiện tại, giáo dục Việt Nam đang tiến hành một cuộc cải cách ngược: đổi mới chương trình phổ thông, rồi mới tìm cách đào tạo lại giáo viên phù hợp với những đổi mới ấy.

Chúng tôi muốn xây dựng một mô hình mà khoa Sư phạm chỉ hoàn thiện đầu ra, và chủ yếu trang bị nghiệp vụ sư phạm. Kiến thức nền, kiến thức phần cứng được đảm bảo từ các chuyên ngành khác. Có như vậy, may ra mới thay đổi cơ bản tình hình đào tạo giáo viên.

ĐH An Giang đã chuẩn bị gì cho bước kế tiếp này ?

Khi thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Vũ Hùng còn sống, ông đã ấp ủ một mô hình đào tạo sư phạm chất lượng cao như vậy cho ĐH Sư phạm Đồng Tháp.

Chúng tôi cũng đã tính tới kế hoạch trong năm 2006 sẽ tách khoa Sư phạm nhỏ ra, thành 3 khoa: Sư phạm, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

Chúng tôi cũng mới mở một khoa mới là khoa Văn hoá -Nghệ thuật, thực chất là nhập trường Trung học Văn hoá - Nghệ thuật An Giang về ĐH An Giang. SV khối cao đẳng sư phạm Nhạc hoạ cũng về đây. Thử hình dung, SV khoa Văn hoá - Nghệ thuật có chuyển sang học nghiệp vụ sư phạm tại khoa Sư phạm, và chúng ta sẽ có các giáo viên nhạc họa được đào tạo theo quy trình mới.

Xin cám ơn ông.

  • Nguyễn Bằng (thực hiện)

Học Sing...

Một buổi học thử của các giáo viên VN trong buổi tham quan mô hình đào tạo giáo viên của Viện Giáo dục Singapore (Ảnh: H.A)

"Chúng tôi học tập mô hình của Viện Giáo dục quốc gia Singapore - địa chỉ đào tạo giáo viên duy nhất của quốc đảo này.

Dự giờ những tiết dạy tại đây, chúng tôi bị thuyết phục về cách tiếp cận rất nghiêm túc đối với việc ứng dụng thiết bị dạy học vào trong bài giảng.

Tuy nhiên, cũng không thể bê nguyên xi mô hình này về Việt Nam"