Khi Larry Summers từ chức, tờ Công báo của ĐH Harvard đã kết luận rằng việc ông bị “đánh bật” là biểu hiện của một cuộc cách mạng dân chủ của giới trí thức trong ĐH Harvard.
Xem phần 1: Cuộc chiến không cân sức giữa khối Tự nhiên và Xã hội
Ngày hiệu trưởng Larry Summers tuyên bố sẽ từ chức, các sinh viên tụ tập ở sân trường Harvard và nhất loạt hô lên: “5 năm nữa!” |
Có nhiều người khác không đồng tình với nhận định này. Giáo sư luật
Allen Dershowitz đã phát biểu trên tờ Boston Globe rằng, đúng là Larry Summers đã phạm một lỗi trầm trọng khi biểu hiện thái độ thiếu đúng đắn về những vấn đề giới, chủng tộc, tôn giáo, những lựa chọn về giới tính, và quân đội, vì thế động chạm sâu sắc đến giới trí thức cánh tả (của Mỹ). Tuy nhiên, ông lên án khoa Khoa học và Nghệ thuật đã tạo dựng nên một cuộc “đảo chính” bằng sức ép dư luận. Ông cũng nhấn mạnh căn nguyên của sự việc này không phải chỉ do ông Summers, mà còn do tính thiếu dân chủ trong hệ thống quản trị của trường ĐH Harvard.Hiện nay trường ĐH Harvard do một Ban quản trị gồm 6 người điều hành (tựa như một Hội đồng quản trị). Những người này chỉ làm công tác lên kế hoạch chiến lược, quyết định ngân sách và lựa chọn các trưởng khoa, mà không làm việc trực tiếp với giảng viên hay SV trong trường.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những quyết định trong phòng họp kín của ban quản trị này đã gây bất bình cho những người trực tiếp liên quan nhưng không được tham gia đóng góp ý kiến. Ông Dershowitz và các GS trong khoa luật khác đã rất thất vọng khi biết tin vào trung tuần tháng 3, ban quản trị đã gọi một số giáo sư đến bàn luận về hiệu trưởng Larry Summers mà không cho các giáo sư khác cơ hội đó.
Theo giáo sư môn Giáo dục của ĐH Harvard, ông Gary Orfield “Harvard cần phải tính đến một cơ chế quản lý minh bạch hơn. Phải có một đại diện của toàn bộ các khoa trong trường, một đại diện không chỉ cho các ngành Khoa học nghệ thuật mà cho toàn trường.”
Còn một giáo sư giấu tên thuộc khoa Nghệ thuật và Khoa học thì nói: “Một trong những vấn đề bất cập thấy được (từ vụ hiệu trưởng Summers buộc phải từ chức) là việc chúng tôi thật sự có quá ít thông tin về những việc trực tiếp liên quan đến mình: các vị trí trong khoa được phân cho ai, như thế nào, lên kế hoạch ra sao, và các vấn đề liên quan đến ngân sách khác nữa. Khi thiếu tính minh bạch, người ta có thể đặt ra rất nhiều giả thiết khác nhau.”
Bài liên quan |
Larry Summers có thể có những ý tưởng và mục đích tốt đẹp cho trường Harvard, nhưng phong cách quản lý quá “thẳng băng” của ông đã làm mất lòng không ít người và đẩy ông thành nạn nhân của các loại “giả thiết” này.
Ví dụ, khi trưởng khoa của khoa Nghệ thuật và Khoa học, ông William C. Kirby, tuyên bố từ chức vào tháng 2, không ít giáo sư đã đổ tại Summers gây sức ép tới Kirby. Tuy nhiên, cũng có những giáo sư không hài lòng với Kirby và cho rằng ông không có khả năng ra quyết định và truyền đạt thông tin tốt với khoa. Sự thật thế nào, khó kiểm chứng, nhưng dĩ nhiên, người ở lại là Summers sẽ phải chịu búa rìu dư luận.
Thêm vào đó, quy định về biên chế của Harvard cũng được nhìn nhận là thiếu dân chủ. Không có một hệ thống kiểm tra giám sát nào cho các giáo sư một khi họ đã được vào biên chế của trường. Dĩ nhiên mục đích của nó là để bảo vệ quyền tự do của các giáo sư trong tranh luận học thuật, nhưng hậu quả của nó là khiến cho các giáo sư tự do phát biểu và tạo dư luận mà không ngần ngại một chỉ trích nào, trừ khi chỉ trích đó quá nặng nề.
Thiếu minh bạch và thiếu dân chủ là vấn đề nổi cộm không chỉ của Harvard mà của các trường ĐH có đẳng cấp cao ở Mỹ nói chung.
Tuy nhiên, theo phân tích của phóng viên Brendan Ballou (tờ Columbia Spectator), lý do sâu xa của hệ thống thiếu hoàn hảo này cũng là vì một lý thuyết quản lý đã được mặc định là hợp lý và được áp dụng ở đây từ lâu: “Giữ một khoảng cách nhất định giữa bộ phận quản lý với các khoa, giúp cho các khoa tránh khỏi những phiền hà bàn giấy kìm hãm họ. Đưa các giáo sư vào biên chế là để giúp họ phát ngôn những gì mình muốn mà không sợ mất việc. Và để bộ phận hành chính độc lập với SV và giảng viên là để có thể dễ dàng thuê một người có nhiều ý tưởng tham vọng như Larry Summers làm hiệu trưởng”.
Hiển nhiên những bất cập của phương pháp quản lý này đang ngày càng lộ rõ trong thời đại mà tính cá nhân và nhu cầu minh bạch ngày càng lớn lên trong xã hội tri thức và thông tin Mỹ.
Như vậy, Larry Summers có thể đã làm một số việc sai lầm, nhưng những rắc rối mà ông gặp phải là do lỗi hệ thống trong cung cách quản lý mà một trường ĐH với bề dày lịch sử 350 năm như Harvard đang phải đau đầu tìm cách tháo gỡ.
Larry Summers –Nạn nhân của truyền thông?
Hiện tượng vị hiệu trưởng của trường ĐH Harvard buộc phải từ chức sau một thời gian đương nhiệm ngắn nhất trong lịch sử của trường ĐH này đã thu hút sự quan tâm không nhỏ của báo giới. Báo chí Mỹ vốn dĩ đã rất ưa thích khai thác những chi tiết li kỳ về vị hiệu trưởng thông minh nhưng bị coi là quá thẳng thắn và kiêu căng này.
Theo nhà báo James Traub, người viết bài hồ sơ về Summers trên tờ New York Times, “Những câu chuyện dẫn chứng nhỏ nhặt có thể có ảnh hưởng rất lớn. Với tính cách mạnh mẽ, Summers rất dễ bị rơi vào cái bẫy này -mọi câu chuyện về Larry đều nhằm hướng vào tô đậm những tính cách khác người của ông.”
Như vậy, Summers là con người của công chúng và cũng như những người nổi tiếng khác, tính cách của ông được truyền thông tạo dựng nên.
Theo ông Ballou, bằng việc đưa Larry Summers vào tầm ngắm của dư luận toàn quốc, giới truyền thông đã tiếp sức cho một nhóm nhỏ trong trường ĐH chống đối lại phong cách làm việc của ông. “Sự xâm nhập của báo giới vào môi trường ĐH là rất nguy hiểm, vì nó làm tăng sự chia rẽ trong quá trình ra quyết định và gây sức ép cho những phản ứng đáng lẽ có thể thể từ tốn và bình tĩnh hơn của các cấp quản lý trong trường,” Ballou viết.
Rất có thể, nếu không có sức ép của truyền thông thì Larry Summers đã không ra đi chóng vánh đến như vậy. Nhất là khi vị hiệu trưởng này vẫn được các sinh viên ĐH của Harvard rất mực yêu quý và ủng hộ.
Ngày Larry Summers tuyên bố sẽ từ chức, các sinh viên tụ tập ở sân trường Harvard và nhất loạt hô lên: “5 năm nữa!” .Khi ông thông báo với công chúng về quyết định của mình, các sinh viên ĐH đã đổ đến toà nhà Massachusetts. Ông không rõ sinh viên đang ở đó để ủng hộ hay biểu tình, nhưng từ những cái bắt tay thân tình của họ, ông hiểu rằng họ đang đứng về phía ông. Công báo Harvard nhận định: “SV trường Harvard tin vào tầm nhìn của ông.”
Nhiều người khác cũng khẳng định chắc chắn rằng, dù Larry Summers ra đi thì tầm nhìn và ảnh hưởng của ông vẫn còn ở lại ngôi trường này trong một thời gian dài.
▪ Larry Summers: Nạn nhân của những mâu thuẫn Harvard? (30/03/2006)
▪ Giả mạo bằng cấp: Một GS bị sa thải (30/03/2006)
▪ Sợ thực tập lắm rồi! (30/03/2006)
▪ Hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng: Lại làm khó thí sinh! (30/03/2006)
▪ Khám phá đường dây làm và bán chứng chỉ giả (29/03/2006)
▪ Chủ tịch Harvard "bật mí" 4 điều quan trọng (29/03/2006)
▪ Trắc nghiệm ngoại ngữ sẽ có 7-10 phiên bản đề thi (28/03/2006)
▪ Tiếng Anh ở bậc phổ thông: Học đi học lại (29/03/2006)
▪ "Đô thị đại học" Stanford (28/03/2006)
▪ Thiết bị dạy học:Tiếp tục thiếu, kém chất lượng, không phù hợp! (28/03/2006)