Nếu các bậc phụ huynh thừa tiền nhưng thiếu thời gian trong khi các "thiếu gia" lại hư hỏng, rất cần người giám sát, quản lý thì chỉ cần ký hợp đồng, sẽ có một hay nhiều anh chàng điển trai, trẻ tuổi sẵn sàng trở thành "cái bóng" của các "thiếu gia", theo dõi sát sao ngày đêm - lúc đi học, khi đi chơi, kể cả cùng đi nước ngoài du học nếu cần thiết.
Trần Văn Thông tiếp tôi trong một căn phòng nhỏ, trụ sở của Công ty Cổ phần Cộng lực Bắc Nam trên đường Yên Phụ. Trước tôi chỉ nhìn thấy Thông trên truyền hình khi anh giành huy chương Vàng môn Karatedo tại SEA Games 17 và một vài lần khác phía sau sàn đấu khi Thông với vai trò là huấn luyện viên Đội tuyển quốc gia.
Nay Thông ngồi đối diện, tôi và tôi thực sự choáng váng trước gương mặt lạnh lùng và hình hài của một võ sĩ. Tôi nói vui, trông Thông thế này, đi làm "bảo mẫu", đố "thiếu gia" nào dám "bật" lại. Thông cười, đúng là công việc này cần sức khoẻ nhưng đó không phải là tất cả vì khi làm "bảo mẫu" cho các "thiếu gia" thì chủ yếu là giám sát và giảng giải, thuyết phục, ngăn chặn những hành vi xấu của các em chứ có phải đánh nhau đâu mà dùng võ.
Từ giã sàn đấu, Thông cùng với một nhóm bạn khoảng 30 người hầu hết là VĐV võ thuật và sinh viên trường thể thao lập ra công ty này. Thông thú nhận, anh không phải là người đầu tiên làm dịch vụ này mà trước đó đã có nhiều công ty khác nhưng thường là họ kiêm nhiệm các dịch vụ khác. Nhưng điểm khác biệt là công ty của Thông lại chỉ chuyên tâm với mảng này. Lý do ư? Đơn giản, trong con mắt của người kinh doanh đây là một mảnh đất màu mỡ.
![]() |
Nhiều bậc phụ huynh cậy nhờ đến "bảo mẫu" để giúp con dừng lại trước khi lao quá đà vào con đường sa đoạ (ảnh chỉ có tính chất minh hoạ) |
Ký hợp đồng uỷ thác chăm con
Thực tế cho thấy ở một thành phố phát triển như Hà Nội khi kinh tế thị trường len lỏi vào tận gia đình thì đã có nhiều bậc phụ huynh lâm vào cảnh thừa tiền để cung phung cho con nhưng vô cùng thiếu thời gian để chăm sóc giáo dục chúng. Từ đó làm nảy nòi ra một bộ phận cậu ấm cô chiêu sẵn có tiền của trong tay mặc sức tiêu sài, đua đòi, ăn chơi thả dàn dẫn đến sa đoạ, nghiện hút và cuối cùng là phạm tội.
Để cứu con không bị sa lầy vào cái thảm cảnh ấy, những bậc phụ huynh thừa tiền này sẵn sàng bỏ tiền ra thuê người làm "bảo mẫu", giám sát con thay mình. Và thế là dịch vụ "chăm sóc "thiếu gia" có một mảnh đất màu mỡ để phát triển. Công ty của Thông đã có nhiều, rất nhiều những hợp đồng làm "bảo mẫu" như thế và Thông bảo rằng mỗi hợp đồng là một chuyện bi hài.
Cách đây không lâu, một buổi sáng mưa tầm tã, có một cặp vợ chồng tìm đến công ty Thông. Cả hai đều trạc tuổi trung niên, đi xe hơi loại đắt tiền, vàng bạc trang sức đeo khắp người. Bà vợ vừa khóc vừa kể rằng, họ chỉ có độc một mụn con trai. Bà cho biết, thằng bé ngoan ngoãn hiền lành lắm. Mới học lớp 10 nhưng cao ráo, đẹp trai như minh tinh màn bạc. Ông bà cung phụng cho nó thừa mứa tất cả mọi nhu cầu về vật chất.
Sáng nào nó cũng kêu taxi đi học dù trường chỉ cách nhà có vài cây số, và trước khi đi ra khỏi nhà bao giờ bà cũng dúi cho nó 100 nghìn để nó ăn trưa và chơi điện tử cho thư giãn ngoài giờ học. Tất cả các môn học của nó - từ Toán, Văn, Ngoại ngữ... đến giáo dục công dân... bà đều mời gia sư đến nhà dạy riêng cho nó - chỉ trừ mỗi môn thể dục.
Sau này, tìm hiểu thêm, các nhân viên của Thông mới biết ông bà làm kinh doanh địa ốc, bận bịu tối ngày nên ký thác mọi việc liên quan đến thằng bé cho gia sư và nhờ cậy vào sự tự giác của nó. "Cung phụng đầy đủ thế, sống sung sướng như thế mà nó vẫn bỏ nhà ra đi" - bà vừa kể vừa khóc. Bà bảo, nó đã bỏ đi 3 ngày rồi, khi đi chỉ mang theo có... 10 triệu đồng trong tủ của ba mẹ thôi.
An ủi, động viên mãi, bà mới hé lộ rằng, nguyên nhân khiến nó "dạt vòm" là do nó đòi mua riêng cho nó một con Mẹc (Mercedes). Nó bảo khi nào thấy con Mẹc bóng nhẫy đỗ ở sân thì nó mới về nhà. Chỉ một ngày sau, các nhân viên của Thông đã có đầy đủ thông tin về nơi ăn và chốn chơi của thằng bé và theo yêu cầu của bà mẹ, chỉ hai ngày sau họ đã có đầy đủ trong tay cảnh quay video từ một chiếc camera nhỏ xíu về tất cả những trò ăn chơi phá trời của thằng bé trong một vài tụ điểm ăn chơi của Hà Nội.
Cả ông bố bà mẹ đến nước này thì hốt hoảng thực sự. Thì ra nó không ngoan như bà tưởng. Sự cung phụng theo kiểu ném tiền qua cửa sổ của bà cho nó cộng với sự bận rộn của ông bà đã làm hỏng thằng bé. Và bà, ngoài hợp đồng nhờ các nhân viên của Thông tìm được thằng bé về còn ký thêm một hợp đồng nữa - hợp đồng giám sát thằng bé trong thời hạn một năm.
Sau khi đừa được "thiếu gia" về nhà, 6 nhân viên của Thông đã thay nhau làm "bảo mẫu" cho nó với điều kiện bà mẹ không được cho "thiếu gia" tiền, dù chỉ một đồng tiêu vặt.
Sáng, họ đưa "thiếu gia" đến trường bằng xe máy. Lúc "thiếu gia" học ở lớp thì họ ngồi chờ ở một vị trí bất kỳ nào đó miễn là quan sát được nó. Trưa, họ đón "thiếu gia" về, cho "thiếu gia" ăn trưa và chiều, sau khi các gia sư kèm cặp việc học hành của "thiếu gia" xong thì nhân viên của Thông lại đưa "thiếu gia" đi thư giãn.
Đắt khách nhờ "cậu ấm, cô chiêu"
Thông bảo, thường thì các "bảo mẫu" hướng các em vào tập võ và các bảo mẫu sẽ kiêm luôn thày dạy vì hầu hết các nhân viên của Thông đều là các VĐV võ thuật có đẳng cấp. Còn đối với các "thiếu gia" không thích võ thuật thì các "bảo mẫu" sẽ đưa các em đi bơi, chơi cầu lông, bóng bàn... hoặc đi dạo phố.
Buổi tối, kể cả "thiếu gia" xin phép cha mẹ đi sinh nhật bạn thì các "bảo mẫu" cũng phải đi kèm. Có nghĩa là "bảo mẫu" luôn theo sát "thiếu gia" từng bước và vì thế các "thiếu gia" sẽ không có cơ hội giao lưu với đám bạn xấu.
Thông bảo bây giờ nhiều nhân viên của Thông đã trở thành bạn thân thiết với các "thiếu gia", cả khi các hợp đồng đã kết thúc. Hầu hết các em sau khi được cách ly với đám bạn xấu đã bớt hư hơn. Giang, một nhân viên của Thông, cười và nói, thấy các em có nhiều chuyển biến, bảo mẫu cũng thấy vui. Nhưng, không phải bao giờ cũng vui như thế. Làm bảo mẫu còn khối chuyện buồn mà câu chuyện Giang kể cho tôi nghe sau đây là một ví dụ.
Cô chiêu này là con gái cưng của một gia đình lắm tiền nhiều của nhà ở Cửa Bắc. Em đang học lớp 11, ngoan, hiền, học chưa giỏi nhưng lại khá xinh. Cha mẹ em làm ở một Tổng công ty lớn, kinh doanh phát đạt nên đi công tác triền miên. Cô bé thường xuyên ở nhà với một bà giúp việc cần mẫn và đầy nhẫn nhục.
Một lần đi công tác xa về, hỏi thăm tình hình con gái thông qua bà giúp việc, bố mẹ cô hoàn toàn yên tâm vì câu trả lời bao giờ cũng là "Ngoài thời gian học ở trường, cô suốt ngày ngồi trong phòng riêng, không giao du đàn đúm với ai cả".
Cho đến một ngày, tình cờ click vào hộp thư của con gái trên mạng, cả hai ông bà cùng tá hoả tam tinh khi đọc những email trao đổi với lời lẽ nồng nàn yêu đương của con với một người có nickname là concaonho (cồn cào nhớ). Nội dung các email này cho thấy không chỉ chat trên mạng, cô gái này và concaonho đã nhiều lần offline, bỏ học du ngoạn khắp nơi.
Cha mẹ cô bé sau khi biết chuyện đã bàn cách cùng nhau ngăn chặn tình yêu của con trước khi nó quá đà, nhưng vừa lúc ấy công ty của họ có một thương vụ ở nước ngoài và vì tiếc cái hợp đồng béo bở này, họ quyết định sẽ nhờ công ty của Thông thay họ làm "bảo mẫu" cho cô con gái cưng trong vòng 5 tháng.
Sau khi ký hợp đồng, Thông đã cử 2 nhân viên, trong đó có một cô gái từng là VĐV quốc gia môn võ thuật vào cuộc. Chỉ sau ít ngày, các nhân viên của Thông đã tìm ra hành tung bí ẩn của concaonho. Đó là một ông trẻ tóc nhuộm vàng hoe, nhà ở Hải Phòng. Ông trẻ này cũng là "thiếu gia" con nhà giàu ở đất Cảng nhưng hư hỏng: cờ bạc, hút xách.
Cha mẹ "thiếu gia" này bất lực đành bỏ tiền tống ông trẻ đi Australia dưới danh nghĩa du học. Mãi khi ôtô đưa ông trẻ ra tận sân bay Nội Bài để chuẩn bị xuất ngoại mà ông trẻ vẫn còn bị các chủ nợ từ Hải Phòng kéo lên túm áo đòi tiền.
Sang Australia ông trẻ chẳng chịu học hành gì mà vẫn chỉ chơi bời và kết quả là có con với một cô gái điếm. Thương con lại tiếc thằng cháu đích tôn bơ vơ nơi đất khách, cha mẹ "thiếu gia" đã làm thủ tục đưa con trai lẫn cháu nội về Việt Nam. Tình cờ một lần lang thang trên mạng, cô chiêu kia đã gặp ông trẻ này. Lúc đầu chỉ vì cái nick đầy ham muốn của hắn, rồi yêu nhau đắm say.
Ông trẻ bỏ nhà lên Hà Nội, suốt ngày cặp kè với cô chiêu này và đã có lần đưa cô ta vào cả một ổ cờ bạc lớn ở Thanh Trì.
Trở lại chuyện của cô chiêu với các nhân viên của Thông. Sau khi bị các bảo mẫu bất đắc dĩ kèm suốt ngày, không rời nửa bước, cô chiêu với ông trẻ tóc vàng kia đành phải đoạn tình. Nhưng, đáng tiếc rằng, khi hợp đồng còn dở dang, vừ mới thực hiện được 2 tháng, Thông đành phải điện thoại cho cha mẹ của cô chiêu về nước để thanh lý sớm. Lý do, cô chiêu đã có thai từ trước khi cha mẹ cô dâu cầu cứu đến dịch vụ của Thông. Bây giờ, cái thai đã lùm lùm, cô chiêu khó có thể đi học tiếp tục được nữa.
"Bảo mẫu" thanh niên xa mẹ
Không chỉ chăm sóc các "thiếu gia" ở Hà Nội, dịch vụ này còn có khá nhiều đơn đặt hàng chăm sóc cho các sinh vien con nhà giàu từ các tỉnh đang học đại học ở Hà Nội.
Các sinh viên này thường khi mới ở tỉnh lẻ lên Hà Nội học thì rất ngu ngơ nhưng sau đó bị đám bạn xấu rủ rê thành ra đua đòi.Một sinh viên quê Nam Định học tại một trường ĐH Thương Mại sau một năm học ở Hà Nội do không biết giữ mình nên đã trở thành con bạc khát nước. Em đã bán của gia đình hai chiếc xe máy, một bộ dàn máy vi tính và nhiều chiếc điện thoại di động.
Gia đình em lo lắng nên đã nhờ dịch vụ. Không biết là có người giám sát, chàng sinh viên này đã tự chế ra một tờ giấy biên nhận nợ với nội dung em đã bị nợ với số tiền 20 triệu đồng, nếu không trả được thì sẽ bị chủ nợ chặt tay rồi gửi về quê cho mẹ.
Với chiêu này, em định sẽ móc túi bố mẹ để thoả mãn cơn khát đỏ đen. Nhưng tất cả đã bị lật tẩy khi các bảo mẫu đã ghi lại được toàn bộ hình ảnh em đã viết giấy như thế nào, nhờ bạn đứng nhận là chủ nợ ra sao rồi gửi về cho bố mẹ em ở Nam Định. Sau cú này, chàng sinh viên phải tâm phục khẩu phục, chịu giám sát từng ngày, từng giờ của các bảo mẫu.
Những câu chuyện bi hài như thế còn nhiều, rất nhiều mà trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không thể kể được hết. Có em gái gia đình giàu có, bố mẹ nhiều tiền nhưng bận rộn suốt ngày không còn thời gian để mắt tới con. Em có bạn trai cặp kè suốt ngày mà bố mẹ không biết. Rồi một ngày, em bảo đi ra phố mua đĩa tấu hài về xme cho cười chảy nước mắt, thế mà em đi mãi chẳng thấy về. Bố mẹ hốt hoảng nhờ các nhân viên của Thông đi tìm.
Hàng chục người đã chia nhau đi khắp các nhà trọ, khách sạn cuối cùng cũng tìm thấy em. Hóa ra, em định đi mua đĩa tấu hài thật nhưng ra đường gặp bạn trai, bạn rủ em đi chơi, thư giãn... còn hơn cả tấu hài và em đi liền. Bạn trai đưa em dông tuốt xuống Hải Phòng, vào casino đánh bạc, chưa đầy một ngày thì đi toi con xe Dylan của em. Hai đứa lại dắt díu nhau về Hà Nội. Em sợ không dám về nhà nên thuê nhà trọ ở mãi dưới Thanh Trì ở với bạn trai cho đến khi các nhân viên của Thông tìm được.
Dịch vụ đặc biệt này, với mặt tích cực của nó đã phần nào bảo vệ được các bạn trẻ mới lớn trước những cám dỗ xấu của đời sống. Nhưng sự phát triển của nó cũng cho thấy một thực trạng đáng buồn về những tấn bi kịch đang mỗi ngày một dày lên trong những gia đình quá đầy đủ về vật chất nhưng thiếu sự quan tâm, giáo dục con em một cách chu toàn và cẩn thận.
Và đây là một thực trạng đáng báo động.
(Theo Đặng Huyền - ANTG)
▪ Những ngôi trường ẩn mình trong... chợ! (04/10/2005)
▪ Vì sao buổi học thứ hai trở thành buổi “dạy thêm”? (04/10/2005)
▪ Chuẩn quốc gia “trói tay”… phổ cập giáo dục (03/10/2005)
▪ Học bổng 25-50% trường Mander Portman Woodward (01/10/2005)
▪ Cậu bé nghèo đoạt vòng nguyệt quế Olympia (02/10/2005)
▪ Thái Lan: Mở trường đại học trực tuyến (01/10/2005)
▪ Môi giới chứng khoán 8X và những cuộc thử nghiệm bản thân (01/10/2005)
▪ Giao lưu với tân vô địch Olympia Lê Vũ Hoàng (02/10/2005)
▪ Tôi chọn đường về, dù lao đao… (01/10/2005)
▪ Tân vô địch Olympia - tự hào Quảng Bình (02/10/2005)