Những ngôi trường ẩn mình trong... chợ!
Các Website khác - 04/10/2005

Cảnh buôn bán diễn ra tấp nập ngay trước cổng Trường THCS Lê Anh Xuân - Ảnh: M.G.
TT - Chuyện xưa kể rằng mẹ của thầy Mạnh Tử phải chuyển nhà đến ba lần vì nơi ở không thuận lợi cho việc học của con mình. Một trong những lần ấy là vì nhà gần chợ, người mẹ lo sợ đứa con bị ảnh hưởng những điều không hay từ chốn chợ búa xô bồ.

Chuyện xưa là vậy, nhưng ngày nay nhiều trường học ở TP.HCM cũng đang phải “sống chung” với những khu chợ với đủ thứ hỗn tạp. Tiếng kỳ kèo chửi bới, tiếng chửi thề văng tục rồi cảnh sình lầy, mùi tanh tưởi đặc trưng của chợ cứ đeo bám học sinh từ đường tới trường vào đến lớp học...

Chợ ấp ôm trường…

Trường THCS Lê Anh Xuân (Q.11) có lịch sử hơn 30 năm và cũng ngần ấy thời gian biết bao thế hệ HS ở đây phải sống chung với chợ Bình Thới án ngữ ngay đường ra vào ngôi trường.

Từ mặt tiền đường Minh Phụng vào trường khoảng 40m, cả hai con hẻm dẫn vào trường đều trở thành lòng chợ, ngay đi bộ cũng phải chen lấn khá vất vả. Đầu buổi sáng, để thuận tiện cho HS vào trường, phường đã phải cử một nhóm dân phòng đứng dọc đường ra vào trước cổng trường để “mở đường” cho HS. Tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp tình thế bởi nhóm dân phòng này chỉ làm nhiệm vụ “mở đường” từ 7 - 8 giờ, lúc có lúc không nên “vắng mợ chợ lại đông”.

Muốn “xuất” hay “nhập”, HS đều phải chen lấn, luồn lách qua những hàng rau, hàng thịt, hàng cá… bày ra đến giữa lòng đường. Rồi thì đủ thứ loại nước thải, rác rến cũng mặc nhiên được vứt vung vãi xuống đường đi, tạo nên một mùi đặc trưng đến khó chịu. Chưa kể lớp học lại thường xuyên bị "tra tấn" bởi nhiều tiếng ồn, trong đó những kiểu hành xử, những ngôn ngữ “chợ búa” cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc ứng xử, nói năng của HS.

Tương tự, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Q.Bình Thạnh, cơ sở nằm trên đường Hoàng Hoa Thám) cũng bị chợ búa vây hãm từ nhiều năm nay. Trong khi cơ sở chính của trường khá khang trang thì cơ sở này lại lọt thỏm giữa chợ Cây Quéo, các phòng học nằm ngay sát đường - sát các quầy hàng tôm cá. Buổi sáng, lời bàn tán trò chuyện, tiếng ngã giá, kỳ kèo, tiếng chửi thề văng tục... rôm rả cả khu vực.

Buổi chiều, chợ vắng nhưng bao nhiêu thứ rác rến, chất thải của phiên chợ buổi sáng tập trung lại thành đống ngay trước cổng trường, tanh tưởi và hôi thối. Một thầy giáo cho biết mùi hôi thối và tiếng ồn ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học. Thậm chí những người buôn bán còn tự ý chiếm luôn cổng trường làm nơi mua bán, cản trở việc đưa đón con em của phụ huynh.

Trong khi đó, Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (Q.Bình Thạnh) còn “cám cảnh” hơn khi nằm ngay trong khu buôn bán “phát sinh” của khu chợ sầm uất bậc nhất thành phố - chợ Bà Chiểu. Điều đáng nói là dãy phòng học phía đường Vũ Tùng không có cả tường ngăn cách, các phòng học nằm ngay sát mặt đường, HS ngồi trong phòng cách nơi mua bán chỉ vài bước chân!

Cô hiệu trưởng cho biết trước đây việc buôn bán còn diễn ra ngay sát vách phòng học, bây giờ nhờ phường can thiệp nên có đỡ hơn trước. Tuy nhiên, vì không có vách ngăn, lại quá sát mặt đường nên ngồi trong phòng có thể nghe rõ mồn một tiếng trả treo, chửi bới và vô số thanh âm huyên náo đặc trưng khác mà những lúc “cao điểm”, cô hiệu trưởng vẫn gọi vui là “đại nhạc hội”! Cổng chính của trường rất ít khi được sử dụng, việc ra vào trường chủ yếu bằng cổng phụ ở hẻm bên hông.

Và nhiều ngôi trường khác cũng lặng lẽ sống chung với các khu chợ từ nhiều năm nay. Trường tiểu học Hùng Vương (Q.5) là “hàng xóm” với chợ sắt Hà Tôn Quyền, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.6 thì “làm bạn” với chợ Mai Xuân Thưởng (hay chợ Cải), Trường tiểu học Lam Sơn (Q.Bình Thạnh) là “láng giềng” với chợ Bà Chiểu, Trường THPT DL Đăng Khoa (Q.1) “sống chung” với chợ Cầu Muối, Trường Mầm non 10 (Q.Tân Bình) là “hàng xóm” với chợ Nhỏ, Trường THCS Cửu Long (Q.Bình Thạnh) “chung vách” với chợ Chiều...

Dời trường khỏi chợ?

Việc Trường THCS Lê Anh Xuân bị bao bọc bởi một khu chợ đã là nỗi bức xúc của nhà trường, người dân và ngay cả những người làm công tác quản lý ở quận 11 bấy lâu nay. Ông Lê Văn Cuộc, trưởng Phòng GD-ĐT quận 11, thừa nhận việc trường và chợ gần nhau như vậy có những ảnh hưởng không tốt và hoàn toàn không nên.

Để giảm thiểu ảnh hưởng, nhà trường và địa phương cũng đã có nhiều kế hoạch như cử đội dân phòng làm nhiệm vụ giữ trật tự, cấm xả rác gần trường… tuy nhiên đó vẫn chỉ là biện pháp tình thế. Về lâu dài, ông Cuộc cho biết hiện quận đã có kế hoạch di dời trường đến một địa điểm khác. Đề án thiết kế trường đã hoàn tất, mặt bằng 6.000m2 đang khẩn trương thu hồi để đến giữa năm 2006 là có thể khởi công xây dựng.

Mới đây, đoàn kiểm tra của Phòng GD-ĐT Bình Thạnh cũng đã tiến hành kiểm tra và đo độ ồn tại Trường Tô Vĩnh Diện. Kết quả độ ồn ở đây cao hơn nhiều những khu vực khác. Để hạn chế tác động của chợ đến việc dạy và học, trường đã cho lắp máy lạnh và cửa kính khu vực lầu phía đường Vũ Tùng, nhằm hạn chế phần nào tác động của những âm thanh xô bồ bên ngoài.

Riêng hai phòng học phía dưới thì “cố chịu đựng” vì theo lời cô hiệu trưởng, dãy phòng học này sắp xây mới nên không đầu tư cải tạo. Việc trường nằm trong chợ không chỉ ảnh hưởng đến việc dạy và học mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh cũng như thi đua của nhà trường.

Cô hiệu trưởng cho biết trước đây vì ngại trường “chợ” nên việc chiêu sinh khá khó khăn, việc xét khen thưởng cho trường cũng bị ảnh hưởng vì cổng trường chưa “sạch, đẹp”! Mặc dù phường 1 đã tích cực giải tỏa những người bán hàng ở đây nhưng cũng như nhiều khu chợ tự phát khác, khi lực lượng trật tự rút đi thì chợ lại nhộn nhịp trở lại như cũ!

Trường tiểu học Đinh Công Tráng (Q.8) lại là “hàng xóm chung vách” bất đắc dĩ với chợ Xóm Củi. Một cán bộ của trường cho biết trước đây việc buôn bán diễn ra ngay trước cổng trường, tiếng ồn ào, rác rến bên ngoài tấp vào trường khiến việc dạy và học bị ảnh hưởng không ít. Và để hạn chế sự “tấn công” của những thứ ấy, trường đã được hỗ trợ kinh phí mua tôn vây tứ phía (chỉ chừa một ít khoảng trống thông gió), khiến ngôi trường bỗng chốc như một cái... lô cốt!

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các trường và chợ “sống chung” với nhau đều có lịch sử từ rất lâu. Ảnh hưởng là rất lớn, từ việc dạy và học đến những chuyện cư xử, nói năng của HS ngoài xã hội. Địa phương và nhà trường đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng, nhưng đó cũng chỉ là những biện pháp nhất thời. Rõ ràng cần có những tính toán cần thiết để tách bạch trường - chợ, bởi những tác động của chợ đến môi trường giáo dục, trước mắt cũng như lâu dài là hết sức đáng lo ngại.

MINH GIẢNG