Độc quyền hay không là chuyện của... Bộ GD-ĐT!?
Các Website khác - 22/03/2006

(VietNamNet) – Sách giáo khoa thay liên miên, giá sách làm cho người đi học khổ, còn người làm sách thì... "bổ". Chất xám làm sách giáo khoa độc quyền được trả rẻ hơn chất xám làm sách tham khảo. Sách giáo khoa hôm nay màu mè hơn nhưng chưa chắc hiện đại hơn. Và còn nữa chuyện thương hiệu lớn liệu có cho ra hàng phẩm chất tốt. Hàng loạt bức xúc của công luận được đặt ra với Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Ngô Trần Ái.

Soạn: AM 732257 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phó TBT VietNamNet Thẩm Tuyên đặt một loạt vấn đề dư luận bức xúc với Tổng Giám đốc Ngô Trần Ái.

- Phó TBT VietNamNet Thẩm Tuyên: Tại Hội nghị xuất bản toàn quốc vừa qua, chắc hẳn ông đã nghe lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị: “Hãy thực sự vì lợi ích của nhân dân, hãy dũng cảm đổi mới cơ chế độc quyền đã không còn phù hợp”. Ông có suy nghĩ gì không?

- Tổng Giám đốc Ngô Trần Ái: Việc gì làm có lợi cho dân, tôi sẽ thay đổi. Song sách giáo khoa là vấn đề rất nhạy cảm và cần sự chính xác. Do đó, với một cơ chế xuất bản tồn tại đã 50 năm, muốn thay đổi phải có sự nghiên cứu nghiêm túc và một lộ trình hẳn hoi. Không thể ngày một, ngày hai mà đổi ngay được.

- Tức là ông đồng ý xóa bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa mà NXB đang được hưởng?

- Tôi không muốn độc quyền xuất bản sách giáo khoa. Và thật ra tôi đã chuẩn bị cho việc này từ nhiều năm nay: nhiều hoạt động của công ty đã được cổ phần hóa, ngoại trừ mảng sách giáo khoa. Một phần rất lớn lợi nhuận đến từ sách tham khảo, hơn 10 triệu bản đồ các loại và hơn 20 triệu tập vở học sinh hàng năm.

- Vì sao ông lại có ý định “từ bỏ” vai trò độc quyền khá “béo bở” mà NXB đang được hưởng? Do ông là "người trong ruột" của chính cơ chế độc quyền, ông thực sự thấy cần phải thay đổi? Hay xu thế thời đại đang đặt để ông vào trạng thái buộc phải từ bỏ?

- Tôi thực sự cũng muốn phá bỏ thế độc quyền... Nhưng chính là “người trong ruột” - hiểu rõ nguồn cơn như nhà báo nói - nên tôi chỉ đề nghị mọi chuyện phá dỡ cần cẩn trọng và có lộ trình cụ thể.

- Xin phép ông, chúng tôi muốn hỏi về lợi nhuận của NXB GD?

- Không phải loại sách nào chúng tôi cũng có lãi. Mặt khác NXB còn phải đảm nhận mảng lớn sách cho miền núi, sách chính trị, nghiên cứu... phải bù lỗ.

Ai dám tham gia soạn sách khi thiếu chương trình chuẩn?

- Nguồn cơn nào đã khiến chuyện dừng cơ chế độc quyền lại trở nên khó khăn như vậy?

- Rất đơn giản song cũng rất quan trọng, đó là hiện nay ngành giáo dục vẫn chưa có một chương trình chuẩn hóa kiến thức, được chi tiết đến từng bài học, như vậy làm sao các nhóm tác giả có chỗ dựa để biên soạn thành sách giáo khoa được.

- Trước nay, ngành GD không có hệ thống chương trình căn bản sao?

- Có, nhưng khá chung chung. Với tình trạng chung chung như vậy, nếu để nhiều nhóm soạn sách giáo khoa, họ sẽ diễn giải một đơn vị kiến thức theo nhiều kiểu khác nhau và hệ quả sẽ khó lường khi tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp.

- Và tình trạng này cứ kéo dài nhiều năm, và vô hình trung biến thành cái phao cho NXBGD kéo dài sự độc quyền của mình?

- Các tác giả biên soạn và NXB đã nhiều lần góp ý cho Bộ, và Bộ trả lời: đang nghiên cứu. Có lẽ việc xây dựng chương trình chuẩn không đơn giản, vả lại có thể cũng còn nhiều điểm bất cập, vì vậy mà kết quả của việc biên soạn chương trình chuẩn phải chờ đợi. các đồng chí lãnh đạo BộGD-ĐT cũng quan tâm đến việc này.

- Theo ông, phải chờ đến bao giờ?

- Có lẽ đến 2008, khi đó thay xong SGK lớp 12, đồng thời với việc cụ thể hóa tương đối chi tiết chuẩn kiến thức.

- Tức là "sinh con rồi mới sinh cha"? Và NXB GD trở thành "ngư ông đắc lợi"?

- Chúng tôi nói thêm cho rõ: Việc độc quyền xuất bản sách giáo khoa không phải do NXB tự quyết định được mà do sự phân công của Bộ GD-ĐT trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội.

Độc quyền đang nằm ở khâu biên soạn

- Bộ trưởng Phạm Quang Nghị còn có đề nghị cụ thể: NXB Giáo dục cần tập trung vào việc tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn và ổn định cho nhiều năm, còn việc in và phát hành sách giáo khoa nên mở rộng cho nhiều pháp nhân cùng tham dự. Ông nghĩ sao?

- Tôi cho rằng việc xóa độc quyền nên tập trung ở khâu biên soạn để con em chúng ta có nhiều bộ sách hay, chứ còn khâu in ấn và phát hành hiện nay chúng tôi đâu có độc quyền. Mỗi năm, hơn 100 nhà in trong cả nước in sách giáo khoa cho chúng tôi thông qua phương thức đấu thầu. Còn phát hành sách đươc giao về các công ty sách và thiết bị của từng địa phương. Chứ xem SGK là mảnh đất béo bở, mỗi chỗ chia nhau một tí để in, để bán, tôi nghĩ không phải là yêu cầu xóa độc quyền mà nhân dân mong muốn.

- Nhưng, dư luận vẫn kêu ca : giá sách giáo khoa còn cao?

- Bộ SGK lớp 1 có 30.000 đồng/bộ, lên lớp 3-4, khoảng 40.000 đến 50.000 đồng/ bộ, tôi nghĩ không đắt. Bằng cớ là trong vòng 4 năm nay, các đầu nậu in lậu sách nào khác chứ SGK thì không.

Thay sách, cũng là chủ trương của Bộ đấy chứ ...

- Và dư luận cũng băn khoăn: SGK năm nào cũng thay mang lại lợi nhuận khổng lồ cho NXB, chỉ khổ dân nghèo?

- Việc thay sách hoàn toàn nằm ngoài thẩm quyền của NXB GD. Chúng ta thấy hàng năm đều có chuyện thay sách, vì ngành GD đang trong chương trình thay SGK kéo dài từ năm 2001-2008. Tức là, theo phương thức cuốn chiếu, mà nhà trường phổ thông sẽ thay SGK cuốn chiếu lần lượt từ lớp 1 đến lớp 9. Còn những SGK đã được thay trong vòng 4 năm nay, vẫn giữ ổn định, chúng tôi đâu sửa chữa gì thêm.

- Còn sách tham khảo?

- NXBGD đâu có độc quyền xuất bản loại sách này. Hiện nay, trên thị trường có khoảng 20 nhà xuất bản tham gia vào thị trường sách tham khảo.

- Nhưng, với thương hiệu NXBGD, với loại sách tham khảo NXB cũng chiếm thị phần không nhỏ.

- Vì sách chúng tôi làm hay hơn.

Soạn: AM 732255 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Ngô Trần Ái giải đáp những thắc mắc của dư luận.

- Ông có quá tự tin?

- Ít ra, thương hiệu của chúng tôi cũng được tin cậy hơn.

- Có một nghiên cứu về vấn đề thương hiệu, đã khẳng định: thương hiệu lớn nhất, chưa chắc làm ra hàng tốt nhất!

- Dù sao chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm 50 năm làm SGK, chúng tôi có một đội ngũ nhân lực tới 400 biên tập viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có từng ban biên tập cho từng môn học, với 40 họa sĩ...

Độc quyền cũng có cái... khổ sở và oan ức!

- Và phải chăng đây chính là cơ sở để ông mạnh dạn chuẩn bị cho NXB của mình bước vào cuộc cạnh tranh sắp tới .

- Vâng, có lẽ vậy. Vì một khi đã xóa bỏ cơ chế độc quyền, tôi không bị không chế về giá cả và nhiều khống chế khác mà cơ chế độc quyền đang trói buộc chúng tôi. Chẳng hạn, hiện nay NXB không được tự quyền chọn tác giả biên soạn, không được chọn Tổng Chủ biên, không được chọn Hội đồng Thẩm định sách... Do đó, chúng tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự hay - dở của SGK quả là hơi bị oan!!!

- Nhưng, ngay lúc này đây, nhiều ý kiến cũng cho rằng ngay cả đến hình thức trình bày trong sách của chúng ta vẫn không thoát khỏi cái bóng cũ kỹ của vài chục năm về trước. Màu mè hơn giấy tốt hơn, không có nghĩa là hiện đại hơn.

- Đúng là, bao năm chúng tôi đã bơi trong dòng sông êm ả, nay chuẩn bị ra biển lớn, với những con sóng lớn của cuộc cạnh tranh, đến lúc chúng tôi cũng phải xốc lại đội ngũ của mình, đào tạo lại họ trong cơ chế thị trường đầy khốc liệt. Chúng tôi biết rằng, mỗi NXB đều có những thuận lợi riêng, những khó khăn riêng, có những nhược điểm nhất định và có những thế mạnh tiềm ẩn.

- "Có thực mới vực được đạo". Theo chúng tôi biết, hiện nay mức nhuận bút cho các tác giả soạn sách khá thấp. Một khi đời sống không đủ, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, đội ngũ giỏi của ông sẽ bị hút bởi những NXB làm ăn hiệu quả hơn và dĩ nhiên lương bổng cũng cao hơn. Chúng ta không thể trách họ được, bởi ai cũng có một gia đình sau lưng để lo lắng. Đâu là bài toán giữ người của ông?

- Ai làm công tác xuất bản cũng phải thừa nhận: nguồn sống của NXB là chất xám, là dựa vào đội ngũ tác giả và dịch giả. Hiện nay, với mảng sách tham khảo, có những quyển sách chúng tôi trả nhuận bút cho tác giả lên đến 100-150 triệu đồng/ quyển. Còn với SGK , quy định của nhà nước là 300.000 đồng cho nội dung một tiết giảng, NXB cũng cố gắng trả lên 350.000 đồng, và hang năm, nếu sách tái bản, tác giả vẫn được nhận thêm tiền.

- Là "người trong cuộc", ông có nghĩ rằng, một khi cơ chế độc quyền xuất bản sách giáo khoa được dỡ bỏ - NXB của ông cũng tháo dỡ được "vòng kim cô" mà cơ chế độc quyền khoác vào – ông và đội ngũ cộng sự sẽ mang lại cho các em học sinh thân yêu những quyển SGK tốt, đẹp và rẻ hơn hiện nay không?

- Khi nhiều NXB thi đua, cạnh tranh nhau làm sách, NXB nào muốn chiếm lĩnh thị trường thì phải đảm bảo được yếu tố tốt, đẹp , rẻ khi làm sách. Đó là quy luật của thị trường.

- Một câu hỏi cuối, nếu thật sự cạnh tranh, thật sự "thị trường" ông cần lượng nhân sự là bao nhiêu?

- Hiện Nhà xuất bản Giáo dục có 1.600 CBCNV, chỉ cần 800 đến 1000 CBCNV là đủ. Chúng tôi còn phải thực hiện "chính sách"...

- Xin cám ơn ông.

  • Thẩm Tuyên (thực hiện)