Du học giao lưu văn hóa của EF: Thất tín
Các Website khác - 21/03/2006

Gần đây, nhiều HS sang Canada du học theo Chương trình Trung học công lập giao lưu văn hóa của Tổ chức Giáo dục E.F (sau đây được gọi tắt là EF) đã thật sự phẫn nộ khi con của họ phải học tập ở những vùng khí hậu khắc nghiệt, trường học quá thiếu thốn… dù họ đã phải đóng cho EF từ 10.000 đến 15.000USD.

Trụ sở EF tại số 236 Điện Biên Phủ, quận 3. Ảnh: Đ.V.D.

Điều đáng nói là dù mất một khoản tiền khá lớn nhưng phụ huynh không được quyền chọn trường cho con, đồng thời, cũng không có cơ sở khiếu kiện, bởi EF làm dịch vụ du học bằng giấy… biên nhận.

Ăn nhờ ở đậu

T. được EF chọn cho một trường thuộc tỉnh Manitoba và đưa về ở với một gia đình nông dân, nơi ở cách trường học đến trên 20km. Vùng này ít dân cư, cả ngày chỉ có một chuyến xe buýt duy nhất nên dù nhiệt độ buổi sáng khá lạnh, T. cũng phải thức dậy thật sớm để đến trường.

Vùng Manitoba nổi tiếng dân cư thưa thớt, nhà này cách nhà kia cả chục cây số nên hầu như T. chẳng giao tiếp được với ai ngoài những người trong gia đình nơi T. sống. Đã vậy, trường của T. dù được EF gọi là trường trung học công lập nhưng thực ra có từ mẫu giáo đến lớp 12, mỗi cấp chỉ một lớp. Toàn trường chỉ có 29 học sinh (HS). Điều kiện học tập như vậy khác biệt quá xa so với Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai của TP.HCM bề thế mà em vừa tạm thời rời bỏ. Mỗi lần muốn liên hệ với cha mẹ, T. chỉ còn cách gọi bằng điện thoại di động do em mang theo.

Không chỉ có T., nhóm HS đăng ký du học tại Canada theo chương trình của EF đều bị đặt vào môi trường sống và học tập rất thiếu thốn so với ở Việt Nam, trái ngược với điều mà EF đã quảng bá trong cẩm nang “Chương trình Trung học công lập”. Cùng về vùng Manitoba, nhưng H. thì được hai vợ chồng già trên 70 tuổi nhận nuôi. Tình cảm của họ dành cho H. rất tốt, nhưng ông bà đều sống bằng tiền hưu trí nên điều kiện sinh hoạt khá thấp: không có Internet, không có phòng riêng để ở. Vì thế H. cảm thấy hụt hẫng so với những gì mà EF đã đưa ra trong cẩm nang “Gia đình người bản xứ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái như sống ở nhà mình... Gia đình người Canada thích hoạt động dã ngoại và các môn thể thao như câu cá, leo núi, cắm trại...”.

Cùng tình cảnh trên, gia đình nhận nuôi A. chỉ vì lòng tốt và không nhận bất kỳ thù lao nào kể cả tiền ăn, nên A. đành chịu cảnh “ăn nhờ ở đậu”. Chịu không nổi khí hậu khắc nghiệt ở Saskatchewan, môi trường học và sinh hoạt khác xa với điều mà những nhân viên tư vấn của EF Việt Nam đã “vẽ”, mỗi ngày A. đều gọi điện về cho mẹ thổn thức. Dù đã liên hệ với EF nhiều lần để xin chuyển trường nhưng bị từ chối, mẹ của A. phải tức tốc bay sang, bỏ ra thêm 10.000 USD nữa để đóng học phí chuyển cho A sang một trường công lập khác chỉ sau một tháng sang du học tại Canada.

Hành động có tính toán

Sau khi HS qua sơ tuyển Anh văn, dù chưa biết HS sẽ được học trong những điều kiện như thế nào, nhưng EF đã ràng buộc phụ huynh HS phải ký vào mẫu cam kết tham gia vào chương trình với nội dung và điều khoản không khác gì một hợp đồng dịch vụ du học.

Cụ thể mẫu đăng ký này EF quy định: phụ huynh HS phải đóng phí cho chương trình này lên đến 9.990 USD bao gồm: phí đăng ký 100 USD, tiền ký quỹ đợt đầu 700 USD, ký quỹ đợt hai 2.000 USD (trước ngày nộp hồ sơ xin visa), phần chi phí còn lại đóng ngay sau khi được cấp visa; toàn bộ tiền ký quỹ sẽ không được hoàn lại nếu HS tự ý hủy không tham gia chương trình vì bất kỳ lý do gì. Thông tin trong mẫu này cũng nêu rõ trách nhiệm của EF là “toàn quyền tuyển chọn trường trung học, gia đình người bản xứ và người giám hộ”.

Oái oăm hơn, EF chỉ thông báo cho biết trường học cho HS vào thời điểm cận kề ngày lên đường. Một số du HS được EF đưa sang trễ hơn thời gian nhập học hơn một tháng dù đã đăng ký đóng tiền cho EF từ rất sớm.

Đến lúc ấy, phụ huynh chỉ còn cập rập chuẩn bị cho con lên đường chứ không kịp tìm hiểu thông tin về trường và các điều kiện sinh hoạt tại địa phương nơi con mình sẽ đến. Chị C. phụ huynh của một du HS còn cho biết: “EF cho chúng tôi biết trường học khá trễ, chỉ ngay trước ngày cấp visa. Lúc ấy nếu bỏ, chúng tôi sẽ bị mất toàn bộ số tiền 2.800 USD đã đóng cho EF”.

Điều đáng nói là tất cả những ràng buộc về trách nhiệm giữa EF với phụ huynh trong chương trình này, trong đó có khoản thu lên đến gần 10.000 USD đã được thỏa thuận trong một văn bản có tên gọi “Đăng ký xin đi du học” do phụ huynh ký với Trưởng văn phòng đại diện EF tại Việt Nam.

  • Lâm Vy - Hồng Liên (Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng)