Ấn bản Bộ vũ khí của người chống tham nhũng (Fighters’ Corruption Tool Kit) của Tổ chức Minh bạch quốc tế đã coi giáo dục là biện pháp trọng tâm để ngăn chặn tham nhũng. Phương pháp này đã được thử nghiệm và minh chứng tính hiệu quả tại nhiều quốc gia và lãnh thổ như Ý, Colombia, Brazil, Macau...
![]() |
Học sinh tiểu học ở Macau được tham gia những trò chơi mang tính giáo dục |
Trò chơi giáo dục
Ủy ban chống tham nhũng ở Macau đã thiết kế và đưa vào cấp tiểu học những mô hình, trò chơi mang tính giáo dục về đạo đức.
Thông qua đó, họ chuyển tải ba thông điệp chính: thứ nhất, liêm khiết và trung thực là những đức tính tốt đẹp - những giá trị xã hội hết sức quan trọng; thứ hai, tham nhũng là không thể tha thứ và nó có hại đối với mọi người trong xã hội; thứ ba, mọi người, kể cả lớp trẻ, đều có thể góp phần xây dựng một xã hội không có tham nhũng bằng cách trở thành một công dân trung thực và có trách nhiệm.
Một trong các mô hình giáo dục là mô hình “Làng sen” (biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết). Một căn phòng được thiết kế đặc biệt, ở đó có các máy tính với những màn trình chiếu về bốn nhân vật.
Ông Pig, một thương gia, đã sử dụng bột mì thiu để sản xuất bánh mì, làm nhiều người trong làng bị ốm. Ông Big Tooth, một quan chức về vệ sinh an toàn thực phẩm, được phái đến kiểm tra, đã phát hiện sự thật, nhưng đã được ông Pig hối lộ để giữ kín chuyện.
Nhiều người trong làng tiếp tục bị ốm, chính phủ vẫn không tìm ra nguyên nhân. Cho tới một hôm, cô bé Clarina tình cờ phát hiện ông Pig đã hối lộ ngài Big Tooth để che giấu những gì ông ta đã làm.
Cô quyết định tố cáo với ngài William thuộc tổ chức chống tham nhũng. Cuối cùng ông Pig và ông Big Tooth bị đưa ra tòa, nhận những bản án thích đáng.
Câu chuyện được mô phỏng bằng các con rối rất sinh động và hấp dẫn đối với bọn trẻ. Kết thúc câu chuyện, các chuyên viên thảo luận, trao đổi với bọn trẻ về tình cảm của chúng đối với các nhân vật.
Phân tích tính cách và hành động của mỗi nhân vật, chỉ ra hậu quả nếu mỗi nhân vật hành động/không hành động giống trong chuyện... Kết thúc, bọn trẻ viết ra cảm nghĩ của chúng. Một bé viết: “Cháu muốn trở thành một phi công nhưng không muốn nhìn thấy bất kỳ kẻ tham nhũng nào trong chuyến bay của mình”...
Thuế của chúng ta đi đâu?
Ở Brazil, ủy ban chống tham nhũng chủ trương phổ cập kiến thức về tài chính cho công dân, đặc biệt là lớp trẻ (học sinh, sinh viên) với quan điểm “Những công dân được thông tin đầy đủ sẽ là yếu tố quan trọng để ngăn chặn tham nhũng và chống lãng phí trong sử dụng tài chính công”.
Công dân đóng thuế cho nhà nước để sử dụng cho các mục đích chung vì quyền lợi của quốc gia và của mỗi công dân. Chính vì vậy, họ có quyền và nghĩa vụ giám sát việc phân bổ sử dụng các khoản đóng góp đó nhằm đảm bảo đúng mục đích và có hiệu quả. Từ đó nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống tham nhũng cho công dân.
Từ năm 1997 đến nay, Tổ chức Minh bạch quốc tế ở Ý đã tổ chức hàng trăm buổi thảo luận ở các trường trung học và khoảng hơn 50 buổi tại các trường đại học. Diễn giả chính của các buổi hội thảo này là những người được xem là anh hùng trong chống tham nhũng.
Đó có thể là một chủ doanh nghiệp thành đạt mà không bao giờ phải sử dụng các hoạt động tham nhũng, cũng có thể là một luật gia, nhà báo, vận động viên thể thao hay công chức... Tất cả đều thuyết giảng miễn phí.
Ở Zambia có chương trình đào tạo các công chức tương lai với tên gọi “Một chính phủ tốt đẹp trong trường học” dành cho các học sinh trung học và đại học. Ở Georgia tổ chức các buổi hội thảo và cuộc thi viết luận hằng năm ở cấp quốc gia về chủ đề “Tuổi trẻ chống tham nhũng”...
Tuy chưa có một phương pháp, công cụ để đo lường tác động cũng như mức hiệu quả cụ thể của các chương trình trên, nhưng chí ít nó cũng đã tạo ra một sự thay đổi về nhận thức xã hội và áp lực về dư luận đối với cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng.
(Theo Lê Hoàng Tùng - Tuổi Trẻ)
▪ Phỏng vấn du học tại Tập đoàn Giáo dục Raffles (11/10/2005)
▪ Học bổng ĐH Nanyang Singapore (11/10/2005)
▪ Học phí cao nhất 150.000 đồng/tháng (12/10/2005)
▪ Nhiều sai sót phát hiện trong tuyển sinh sau ĐH (11/10/2005)
▪ Trung tâm "công nghệ lừa" (11/10/2005)
▪ Thành đạt hay thành tiền? (11/10/2005)
▪ Cơ hội tham quan các trường ĐH Singapore (11/10/2005)
▪ Hơn 2.000 người làm ngân hàng đề trắc nghiệm (11/10/2005)
▪ Nhật Bản: Trường tư "át" trường công (12/10/2005)
▪ "Đại lý" tuyển sinh (12/10/2005)