Dầm mình trong cơn mưa xối xả chiều 9/10, hàng trăm học viên cùng phụ huynh từ các tỉnh xa xôi phải nháo nhác đi tìm một chỗ trọ trong khu Văn Thánh, Bình Thạnh, TP.HCM. Họ là những người chuẩn bị trở thành học viên của Trung tâm dạy nghề tư thục Tri Thức (ITAC - 20 đường D2, Q.Bình Thạnh), bị trung tâm này thu lệ phí ký túc xá nhưng không bố trí chỗ ở. Nhưng chưa dừng lại ở đó, trung tâm này còn lừa học viên nhiều chuyện khác...
Mạo danh ĐH lớn để gây ngộ nhận
Trước một căn nhà trọ trên đường D5, Văn Thánh, bạn N.T.Đ. kể sau khi tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, Đ. nhận được thư mời nhập học hệ trung cấp. Nội dung thư cho thấy đó là một chương trình đào tạo trung cấp của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) do Trung tâm Kỹ thuật điện toán và ITAC thực hiện.
Vừa biết kết quả không trúng tuyển lại được một trường ĐH danh giá mời vào học hệ trung cấp với các chuyên ngành hấp dẫn (trung cấp kỹ thuật viên kế toán - tin học, mạng phần cứng, đồ họa ứng dụng và đồ họa thiết kế web), Đ. quyết định đến làm thủ tục nhập học và đã đóng 1.400.000 đồng học phí đợt 1 và 600.000 đồng lệ phí ký túc xá.
Ngày 9/10, Đ. quay lại TP.HCM để chuẩn bị cho buổi học đầu tiên vào buổi sáng hôm sau. Và Đ. đã bật ngửa khi trung tâm này thông báo không còn chỗ trong ký túc xá như cam kết.
Hàng trăm học sinh khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Họ phải tìm cách chen chúc trong các khu nhà trọ chật chội xung quanh trường để chờ ngày nhập học.
Tiếp xúc với chúng tôi, cả các học sinh và phụ huynh đều cho biết lý do họ chọn nơi này để học bởi vì nghĩ đây là trung tâm của Trường ĐH Bách khoa, bằng cấp do Trường ĐH Bách khoa cấp. Xem lại các tờ thông tin mà trung tâm này gửi về tận nhà cho học sinh, chúng tôi hiểu được lý do tại sao phụ huynh, học sinh lại tin chắc như vậy.
Chẳng những thế, thư mời nhập học còn khẳng định những học sinh đến học tại trung tâm sẽ là sinh viên, được làm thẻ sinh viên, được cấp giấy chứng nhận bổ túc hồ sơ nghĩa vụ quân sự, được tham gia chương trình lập trình viên quốc tế... Trên trang web của mình, trung tâm này cũng khẳng định: "Trung tâm ITAC là một trong những trung tâm trẻ thuộc Trung tâm Kỹ thuật điện toán Trường ĐH Bách khoa TP.HCM".
Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác. Ông Phan Đình Mãi, phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật điện toán - Trường ĐH Bách khoa, cho biết vào tháng 9/2004 hai trung tâm có ký một hợp đồng liên kết đào tạo.
Theo đó, Trung tâm Kỹ thuật điện toán sẽ kiểm tra chặt chẽ về mặt chương trình, kế hoạch đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, ITAC đã có nhiều hành vi vi phạm hợp đồng liên kết như tự ý chiêu sinh, mở lớp mà không thông qua Trung tâm Kỹ thuật điện toán; cố tình dùng tên Trường ĐH Bách khoa để gây ngộ nhận; quảng cáo sai nội dung đào tạo.
Chính vì thế, từ ngày 16/8, Trung tâm Kỹ thuật điện toán đã quyết định chấm dứt hợp đồng liên kết.
Xài con dấu giả... cho oai?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung tâm dạy nghề này vẫn tiếp tục dùng danh nghĩa của Trường ĐH Bách khoa để gửi thư báo nhập học đi khắp các tỉnh thành. Đáng lưu ý là trung tâm này không dùng một tên nào thống nhất. Trên bảng hiệu đó là Trường Tin học, trên thư mời là Trung tâm đào tạo công nghệ Tri Thức, còn trên biên lai thu lệ phí thì lại là Trung tâm tin học ứng dụng công nghệ Tri Thức.
Đến tìm hiểu tại Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, chúng tôi được biết trong số các tên đó không có tên nào có đăng ký hoạt động. Trong hồ sơ đăng ký, ở tại địa chỉ 20 đường D2, Q.Bình Thạnh chỉ có một trung tâm là Trung tâm dạy nghề tư thục Tri Thức. Nhưng xem kỹ lại con dấu tròn được đóng trên thư mời nhập học, tên của trung tâm là "Trung tâm đào tạo công nghệ Tri Thức".
So sánh hai con dấu tròn được đóng trên cùng chữ ký của giám đốc trung tâm này - ông Nguyễn Thanh Tùng - thì thấy hoàn toàn khác nhau. Sở Lao động - thương binh và xã hội khẳng định chỉ có con dấu trung tâm dạy nghề là con dấu thật; con dấu còn lại với nội dung Trung tâm đào tạo công nghệ Tri Thức là con dấu giả. Không biết trung tâm này đã làm giả nội dung "dạy nghề tư thục" bằng "đào tạo công nghệ" chỉ để cho oai hay còn mục đích gì?
Chúng tôi dự định tìm câu trả lời từ các vị lãnh đạo của trung tâm này nhưng khi đến theo đúng giờ hẹn với giám đốc Nguyễn Thanh Tùng thì ông này tắt điện thoại di động. Nhân viên của ông sau khi... nói chuyện điện thoại với ông rồi trả lời với chúng tôi rằng ông đã đi công tác đột xuất vài ngày mới về, tất cả các phó giám đốc khác đều không có ai ở trung tâm (!?).
Trong khi đó, chưa tính số học sinh bị lừa chỗ ở vừa mới nhập học, trung tâm này có hơn 1.000 học viên thuộc các chuyên ngành. Số phận của họ sẽ ra sao khi phát hiện mình bị lừa? Chẳng có một bằng cấp nào của Trường ĐH Bách khoa được cấp ngoại trừ khoảng 240 học viên khóa 1.
(Theo Tuổi trẻ)
▪ Phỏng vấn du học tại Tập đoàn Giáo dục Raffles (11/10/2005)
▪ Nhiều sai sót phát hiện trong tuyển sinh sau ĐH (11/10/2005)
▪ Trường học trang bị hệ thống theo dõi di chuyển của HS (10/10/2005)
▪ Nhà giáo hưởng phụ cấp ưu đãi cao nhất là 50% lương (10/10/2005)
▪ SGK Vật lý THCS: Chỗ nào cũng sai (!?) (11/10/2005)
▪ Trí thức và chất luợng cuộc sống... (10/10/2005)
▪ Trung tâm chữa bệnh Phú Văn: Khai giảng lớp đại học từ xa (08/10/2005)
▪ 'Em muốn góp ý kiến của mình cho giáo dục nước nhà' (07/10/2005)
▪ Trân trọng chữ nghĩa (08/10/2005)
▪ Thêm 3 trường công bố điểm chuẩn NV3 (07/10/2005)