Đưa người qua mênh mông Có một con thuyền nhỏ tròng trành vượt qua mênh mông gian nan. Bến bờ xa là con người hoàn thiện. Đó là lớp học dành cho trẻ khuyết tật bẩm sinh lần đầu tiên được mở ở Trường Tiểu học Bình Thuận, thị xã Tuyên Quang. Lái con thuyền đó là cô giáo Kiều Tuyết Minh. Ngoài trình độ cao đẳng sư phạm (khoa Văn - Sử, Đại học Sư phạm Thái Nguyên) và một tấm lòng, cô chỉ có sự nghèo khó cùng cảnh độc thân nuôi hai con gái nhỏ.
Kiều Minh ở lại trường tiểu học này cũng là điều bất đắc dĩ. Tách trường, cô không thể theo dạy trung học cơ sở vì... sợ mất gian nhà tập thể mà ba mẹ con đang tá túc. Và thế là phải lụy con đò, khi có lớp dành cho trẻ khuyết tật mở ra, cô vui vẻ nhận trách nhiệm về mình trong biết bao nhiêu điều tiếng. Có người bảo, chắc người ta chọn giáo viên kém... phẩm chất để dạy lớp chuyên biệt. Có người còn độc địa bảo, bao giờ giáo viên chết hết thì tôi mới dạy lớp này (!)... Kiều Minh không để ý đến những gì nghe được. Cô giữ nguyên cho mình cảm xúc khi tới thăm lớp, dự giờ ở trường Xã Đàn, trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) để lên lớp giờ học đầu tiên. Đó là ngày 17.10.1994. Lớp học có 27 học sinh câm điếc, thiểu năng trí tuệ, hầu hết trên 10 tuổi, có em 18 tuổi. Người đến dự đông gấp nhiều lần học sinh, có cả lãnh đạo tỉnh, thị xã, lãnh đạo ngành giáo dục và đông đủ phụ huynh học sinh ngồi chật hội trường tranh tre nứa lá dài. Cả tiết học đầu chỉ có mấy từ: "Em - chào - cô - ạ !". Học sinh căng mắt, căng tai, ngoẹo đầu, ngoẹo cổ nhìn theo tay cô, nói theo cô từng tiếng một. Mọi người nín thở chờ đợi. Những giọt nước mắt tủi tủi, mừng mừng lăn trên gương mặt của những người bố, người mẹ, người thầy. Hết giờ học đầu tiên, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Suý - Phó Chủ tịch UBND thị xã, lao đến ôm lấy Kiều Minh: "Thành công rồi em ạ!"- bà nói trong nước mắt vui sướng cho một chủ trương lớn đã vào cuộc sống, đầy tính nhân văn. Có biết bao cuộc đời như thế đang đón đợi những con thuyền, trong đó có không ít người là con cháu những chiến sĩ đã từng chiến đấu trên các chiến trường đánh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam/doxin. Nhiều em có nghề may. Có bà mẹ gặp Kiều Minh khoe: "Nhờ cô, nay cháu nó biết may vá lành những đồng tiền rách, may lành lại chính cuộc đời của cháu!...". Có cháu làm nghề bán bánh giầy giò, bán sách giáo khoa, tạp phẩm. Kiều Minh kể có cháu còn sử dụng máy vi tính rất thành thạo... Giờ đây, trường có ba lớp dành cho trẻ khuyết tật, lớp câm điếc riêng, lớp thiểu năng trí tuệ riêng và có thêm những giáo viên tâm huyết với nghề. Những con thuyền vượt qua mênh mông đợt này đã vững chãi hơn, hiện đại hơn và những người chèo lái cũng vững vàng, tự tin hơn... Tội nhất là những học sinh thiểu năng trí tuệ, giờ đầu học được một chữ, giờ sau lại quên. Trang giấy to đùng chỉ đủ cho các cháu viết vài ba chữ nguệch ngoạc. Đã có cháu giờ ra chơi không biết chơi gì, cứ ôm gốc cây đập đầu mình vào đấy. Lại có cháu trong giờ học chọc ghẹo bạn một cách vô thức, nhưng khi bị cô giáo nhắc nhở thì tự ái, đùng đùng bỏ về nhà lấy dao đòi giết cô giáo. Các cháu có nhà ở ngay thị xã còn dễ đến để phối hợp với gia đình dạy bảo các cháu. Có cháu nhà ở huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên nhiều khi Kiều Minh và các thầy cô giáo cũng lặn lội tìm đến tận gia đình. Nguyễn Văn Tuấn là một cậu bé bị câm điếc, ở làng Hoàng Pháp, xã Chân Sơn, Yên Sơn. Mẹ cậu nói: "Cháu rất cục cằn, đi học về chưa có cơm ăn ngay là đập phá nồi niêu, bát đĩa. Thế mà cô giáo Minh đã "đổi tính, đổi nết" cho cháu. Nay về nhà, cháu đã biết giúp mẹ nấu cơm, quét tước nhà cửa, sân ngõ, thậm chí bây giờ chăm ngoan hơn cả mấy chị gái". Có đến lớp học mới thấy bọn trẻ yêu cô giáo Kiều Minh đến mức nào. Giữa giờ ra chơi, chúng túm tít quanh tôi đòi chụp ảnh, đòi xem ảnh. Những cháu câm điếc mạnh mẽ và cục cằn cứ choi choi lên giằng lấy cái máy ảnh. Những cháu thiểu năng trí tuệ, đứa toe toét, cuồng nhiệt, đứa lỳ lợm bất cần. Nhưng khi cô Minh múa múa những ngón tay trong không gian, chúng theo nhau xếp hàng chụp ảnh rất ngoan. Những ngày sau, ngày nào Minh cũng hỏi thăm xem nhà Tuyến thế nào. Mấy tháng sau, Tuyến chủ động mời cô giáo Minh vào thăm lại nhà mình. Cô giáo Minh đã khóc vì rõ ràng mình đang thấy một ngôi nhà khác lạ, rất sạch sẽ, gọn gàng. Giếng nước đã đúng với nghĩa giếng nước sạch và vườn nhà không chỉ có rau đậu, mà còn có cả hoa. Cô gái tật nguyền không biết nói, nhưng nụ cười thì rất tươi... Đó là bông hoa đời thường dành tặng cho cô giáo, người thầy dạy chữ, dạy làm người. Ngày nay, Kiều Minh nói, đi đâu cô cũng nhận được lời khen về học trò của mình. Ông lão coi xe ở Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề nói với cô: "Các con cô ngoan lắm, ra vào trường rất có nền nếp, để xe ngay ngắn thứ tự. Các cháu còn đáng yêu hơn những người không khuyết tật". Còn mấy bà bán hàng bách hoá, bán rau đậu ở chợ thì khen mấy cô cậu ngọng nghịu và i ơ thế mà mua hàng cũng biết mặc cả... Có lẽ, cả người dạy học và người sinh ra các cháu cũng chẳng mong gì hơn thế! Cô đặt mua trứng gà ở ỹ La về bỏ mối cho mấy nhà hàng bán bánh cuốn, bánh phở. Cô còn tìm mua gạo ngon trong làng về bán lại cho những gia đình quen, trong đó có nhiều người là phụ huynh học sinh của cô. Có lúc cô giật mình khi nghe khách hàng nói, họ đã thử cân lại xem có đủ không. Phẩm chất của cô giáo nghèo liên tục nhiều năm dạy giỏi lúc đó được đo bằng... lạng gạo! Kiều Minh nói với tôi như thế và vẫn vô tư cười. Bây giờ Minh đã có nhà xây khang trang ở ngoại thị xã và vẫn làm thêm việc bán sách giáo khoa, đồ dùng học tập và văn phòng phẩm. Minh nói, bày ra thế thôi chứ ngày dạy học hai buổi còn buôn bán vào lúc nào. Cô con gái lớn Nguyễn Lan Hương (sinh năm 1982) học rất giỏi. Có năm, cháu đang học ở một trường chuyên ở Hà Nội, mẹ không có đủ tiền nuôi ăn học, cháu phải về lại Tuyên Quang. Nay thì cháu đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, hiện đang là nghiên cứu sinh ở Liên bang Nga. Còn cháu thứ hai Nguyễn Hương Lan (sinh năm 1984) hết năm nay sẽ tốt nghiệp khoa Thiết kế thời trang, Đại học Mở Hà Nội. Con thuyền nhỏ gần như đã đến bờ hạnh phúc bất chấp lời "kỳ thị" xưa "hồng nhan bạc phận". Vui chuyện, Kiều Minh kể tôi nghe, có lần thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, những giám khảo đến từ Phú Thọ đã cho cô điểm tuyệt đối (20) cộng 1. Một giám khảo nói, đó là điểm cho... nhan sắc. Cái vui của cô không phải chỉ ở đấy, cái quan trọng là con thuyền đã vượt qua mênh mông... Quả thật, cuộc đời này, không có gì khó khăn mà con người không qua được. Và, hạnh phúc đều được xây bền vững trên những điều bình dị nhất... Nguyễn Trọng Hùng |
▪ Học tiếng Anh với "Tăng tốc" (29/12/2005)
▪ Tổng thống Bush chúc mừng hội nghị của NCS Việt Nam (29/12/2005)
▪ Trên 4.100 học sinh nhận học bổng Nguyễn Thái Bình (28/12/2005)
▪ Cầu truyền hình trực tiếp California-Hà Nội- TPHCM về giáo dục ĐH (29/12/2005)
▪ Hàng ngàn giáo viên chưa được nhận lương mới (29/12/2005)
▪ Giao lưu và tập huấn công tác khoa giáo khu vực phía nam (27/12/2005)
▪ Malaysia mạnh tay xử lý HS vô kỷ luật (27/12/2005)
▪ Nỗi khổ trường thuê (27/12/2005)
▪ Hội nghị California-Hà Nội- TPHCM về giáo dục ĐH (27/12/2005)
▪ "Ngân sách giáo dục tăng 33%, vẫn chưa đủ..." (28/12/2005)