1. Nên chọn khoa học tư duy và giáo dục từ xa để đuổi kịp các nước phát triển hơn ta
Dự thảo Báo cáo Chính trị đặt vấn đề:
"Khắc phục những mặt yếu kém và những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục thực hiện những giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm chấn hưng nền giáo dục Việt Nam... Huy động nguồn vật chất và trí tuệ của xã hội tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục".
Dự thảo Báo cáo Chính trị không thể đi vào chi tiết cụ thể nhưng cần chỉ ra phương hướng. Tôi nghĩ rằng, cơ sở khoa học thì cũng đã có, chẳng hạn khi dân đồng tình thì "khó vạn lần dân liệu cũng xong", một quy luật thuộc tư tưởng Hồ Chí Minh. Dự thảo chưa nêu rõ chiến lược đuổi kịp các nước phát triển hơn ta. Bài toán "đuổi kịp" là một bài toán khó vì không ai đứng yên cho mình đuổi kịp.
Tôi băn khoăn khi dự thảo chỉ nêu "khoa học xã hội" , "khoa học tự nhiên" mà chưa đề cập "khoa học tư duy". Ai cũng tư duy trước khi hành động nhưng lại dễ bằng lòng với việc "tư duy một cách tự nhiên", chả bận tâm tìm hiểu xem tư duy của mình tuân theo những quy luật nào để tận dụng mà nâng cao hiệu quả tư duy. Trong khoa học tư duy ngày nay có "sáng tạo học" (creatology) là khoa học về tư duy sáng tạo. Nếu không kể thời gian thai nghén, chỉ tính từ khi nó có giấy khai sinh chính thức với cái tên quốc tế "creatology" trong một hội nghị quốc tế năm 1990, thì sáng tạo học mới có 15 tuổi. Chọn "khoa học tư duy" làm mũi nhọn là một cách độc đáo để "đuổi kịp" vì tư duy hướng dẫn hành động. Dân tộc ta vốn thông minh, nay nếu có "khoa học tư duy" thì sẽ như hổ mọc thêm cánh. Khoa học tư duy không cần trang thiết bị nên nước nghèo cũng như nước giàu, hơn thua là ở bộ óc; cơ sở triết học của sáng tạo học là triết học duy vật biện chứng, triết học Mác - Lê-nin.
Vấn đề số lượng và chất lượng cũng là một vấn đề then chốt. Ta đã từng hạn chế số lượng tuyển sinh vào đại học cho nên nhiều thí sinh đạt điểm "học được" nhưng vẫn không "được học". Chính sự hạn chế số lượng này đã làm cho "cổng trường đại học cao vời vợi" và đẻ ra nạn luyện thi, dạy thêm, học thêm tràn lan, cho đến nay chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.
Thế mạnh cơ bản của giáo dục từ xa là ở chỗ khó khăn "xa thầy" chuyển hóa thành mặt tích cực là "khó ỷ lại vào thầy", cho nên buộc phải phát huy mạnh nội lực tự học. Quy luật chất lượng giáo dục là "nội lực tự học quyết định chất lượng giáo dục, ngoại lực là quan trọng và có tác dụng đến chất lượng trong chừng mức nó kích thích được nội lực".
2. Nên đề cập khoa học hóa giáo dục
Nghị quyết 2 của BCH T.Ư khóa VIII nói nhiều và đề rất cao vấn đề "tự học", nhưng ở dự thảo này chưa đề cập đến "tự học" mà chỉ nói "chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa". Ba cái "hóa" này chưa đủ để nâng cao chất lượng dạy và học. Phải thêm "khoa học hóa" vì chúng ta đã từng vấp những chuyện như "hiện đại mà không hài hòa với tâm lý người học nên thất bại".
Trên kia đã nói về quy luật: "nội lực quyết định chất lượng". Chúng tôi coi đó là quy luật vàng vì nó đã giúp cho nền giáo dục cách mạng của chúng ta đi từ chỗ 95% dân số mù chữ đến chỗ có đầy đủ các bậc học từ nhà trẻ, mẫu giáo cho đến đào tạo tiến sĩ, mặc dù phải trải qua 30 năm chiến tranh ác liệt. Ta đã từng trải qua những giai đoạn mà các thầy đều dạy ép, "cơm chấm cơm", mà chất lượng giáo dục được xã hội chấp nhận, giáo dục được khen là bông hoa của chế độ. Tại sao vậy? Nhân dân và con em họ có ý thức về "chữ cụ Hồ phải cố lo mà giữ" (trích một câu thơ hồi 1945) cho nên, như đứa con ngoan trong gia đình nghèo, biết rõ cha mẹ còn rất nhiều khó khăn cho nên không dám đòi hỏi gì, cố hết sức chăm ngoan, đỡ đần cha mẹ. Cho nên thầy "cơm chấm cơm" nhưng được học là quý rồi, tự thấy mình phải cố lo mà phát huy nội lực tự học. Hồi đó, người ta đến với việc phát huy nội lực tự học chưa phải bằng lý luận mà bằng con tim biết lo giữ "chữ cụ Hồ". Các thầy, tự biết là "cơm chấm cơm" nên cũng rất lo tự học, dù cho Nhà nước chưa có cơ quan lo việc đó, mỗi giáo viên tự lo từ A đến Z. Việc lo tự học ở thầy cộng hưởng với việc lo tự học ở trò, môi trường xã hội kháng chiến lại lành mạnh, hầu như không có tiêu cực trong đời sống và trong thi cử, thi đỗ đều là thực chất, ra ngõ gặp anh hùng, ra ngõ gặp toàn tấm gương hy sinh cứu nước, điều đó đã làm nên chất lượng.
3. Về việc lập các trường đại học đẳng cấp quốc tế và các hội đồng phong học hàm học vị, các giải thưởng lớn
Chúng tôi cảm thấy hình như, do đại học của ta kém chất lượng mà đương có hội chứng "trọng ngoại, khinh nội". Có phải ta kém đến mức phải phủ định sạch trơn rồi lập nên một trường mới toanh, không dính líu gì đến những nền nếp bị coi là lạc hậu của các trường hiện có? Tôi cho là chúng ta phải tổng kết sâu sắc cái ta hiện đương có để kế thừa những mặt tích cực, phủ định những mặt tiêu cực. Phải bắt mạch đúng bệnh đã trước khi bốc thuốc. Tại sao người Việt Nam có các học sinh đi thi quốc tế đoạt nhiều huy chương như vậy mà không làm nổi một trường đại học ngang với đại học Chulaloncon của Thái-lan? Theo tôi, nguyên nhân chính là tiêu cực đã nhiễm vào một bộ phận không nhỏ những trí thức bậc cao của đất nước. Có một điều đáng suy nghĩ là các Hội đồng khoa học của chúng ta đương mất dần uy tín vì đã bầu chọn ra các giáo sư, tiến sĩ, giải thưởng không ngang tầm. Dĩ nhiên ta không vơ đũa cả nắm, nhưng con sâu làm rầu nồi canh. Ngày nay, chúng ta muốn có một nền giáo dục đại học, một nền khoa học vững vàng thì vấn đề cốt tử là làm sao có được những Hội đồng khoa học gồm toàn những người giỏi và rất công tâm, luôn luôn chọn cho đất nước những giáo sư, tiến sĩ xứng đáng cả về tài và đức. Cái khó nhất là ở đó và nếu cần sự giúp đỡ của nước ngoài thì nên tìm sự giúp đỡ về mặt này, theo gương của Piotr đại đế nhưng vận dụng sao cho thích hợp với yêu cầu và hoàn cảnh nước ta. Những vấn đề khác, tưởng khó nhưng thật ra không khó lắm, chẳng hạn như, dù ta còn nghèo, nhưng kinh tế đã khởi sắc, đã có đồng ra, đồng vào thì việc trang bị cho ba trường đại học (ở bắc, trung, nam) ngang tầm quốc tế là việc ở trong tầm tay nếu có quyết tâm lớn. Việc có được những thầy đại học giỏi không khó lắm, chỉ việc chọn những thanh niên ưu tú (cỡ được huy chương trong các kỳ thi quốc tế) cho đi học ở các nước phát triển trong độ mươi năm thì có, nhưng những người giỏi này có hợp tác được với nhau để cùng nhau đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và khoa học lên không khi mà trong xã hội còn nhiều tiêu cực, thì đó là một câu hỏi khó trả lời. Ðể giải quyết tình hình phải làm sao phát huy dân chủ nội bộ, loại trừ được nạn trù dập, vô hiệu hóa những người trung thực, thẳng thắn.
4. Về vấn đề học phí ở bậc đại học
Tôi không tán thành ý kiến: Người giàu đóng học phí nhiều, người nghèo đóng học phí ít. Ðối với các trường công lập, Nhà nước thu thuế nhiều ở người giàu (thuế thu nhập, thuế bất động sản, thuế về sử dụng người lao động), còn sự phân biệt chỉ nên ẩn trong thuế, không nên bộc lộ ra ở học phí. Học sinh nghèo học giỏi thì nhận học bổng rồi đem học bổng đó ra mà trả học phí như mọi học sinh khác. Nếu một xã hội mà đi đâu cũng thấy những dịch vụ với hai chế độ "phí" thì chả hay tí nào, lại là kẽ hở cho những tiêu cực phát sinh. Còn đối với các trường dân lập, tư thục thì nên theo cơ chế thị trường có điều tiết, Nhà nước có luật để hạn chế mức thu nhập của bộ phận lãnh đạo, buộc họ phải có quỹ để phát triển nhà trường.
Dự thảo bao trùm hết mọi vấn đề của đất nước, nhưng chúng tôi chỉ am hiểu nhiều trong hai lĩnh vực giáo dục và khoa học. Trong hai lĩnh vực này, chúng tôi cũng chỉ hạn chế trong những vấn đề mà chúng tôi cho là then chốt. Tôi mong Dự thảo Báo cáo Chính trị sẽ chú trọng mấy điểm sau đây:
1. Nên coi quy luật: "Nội lực tự học quyết định chất lượng học tập, ngoại lực là quan trọng" là một quy luật vàng để chỉ đạo. Nếu như có nước phát triển, do đã có một mạng lưới dày đặc các trường đại học tập trung, mà họ không coi trọng giáo dục từ xa lắm thì ta nên có suy nghĩ độc lập của mình: nghèo thì phải lo mài sắc thứ vũ khí giáo dục rẻ tiền là giáo dục từ xa. Mong Báo cáo Chính trị ghi: "Giáo dục từ xa là một mũi nhọn trong chiến lược giáo dục".
2. Nên mạnh dạn đưa nghiên cứu khoa học vào trường phổ thông để qua công tác ngoại khóa và lao động sản xuất của trường, mà thực hiện liên kết đại học - phổ thông, phục vụ nhanh việc CNH, HÐH nông thôn.
3. Nên coi trọng "khoa học tư duy" trong đó đặc biệt chú ý đến "sáng tạo học", sớm đưa sáng tạo học vào nhà trường song song với việc dùng con đường không chính quy để phổ biến trong xã hội.
GS NGUYỄN CẢNH TOÀN (NGUYỄN ĐÌNH CÁT ghi)
------------------------------------
Về quy trình giới thiệu để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo
Ðọc bản Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng, tôi thấy viết đầy đủ nội dung cô đọng. Tôi xin có một vài ý kiến như sau:
Về kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội IX, phần nói về những khuyết điểm và yếu kém ở điểm 5 ghi: "Chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thiếu trung thực và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng".
Tôi xin đề nghị bổ sung: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thiếu trung thực và tệ bè phái chia rẽ nội bộ cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên công chức diễn ra nghiêm trọng".
Ở phần XIII - Phát huy dân chủ XHCN hoàn thiện pháp quyền XHCN có đoạn viết: "Thực hiện chế độ trách nhiệm trong đề cử, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo theo hướng cấp trưởng giới thiệu cấp phó, cấp sử dụng trực tiếp giới thiệu để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định". Nếu để như trong Dự thảo mà cấp trưởng thiếu khách quan hoặc bè phái, thành kiến, sẽ không thể không giới thiệu người xứng đáng có khả năng thay thế mà lại giới thiệu đề cử người cùng phe cánh nhưng phẩm chất năng lực yếu.
Như vậy vừa không dân chủ, vừa bỏ sót người tốt, có năng lực.
Tôi đề nghị nên đề ra nguyên tắc là người giới thiệu cán bộ để bổ nhiệm có thể là thủ trưởng nhưng nhất thiết phải dựa vào ý kiến của tập thể cán bộ, công nhân viên bằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm để giới thiệu cho cấp trên xem xét. Tập thể hiểu rõ cán bộ hơn, khách quan hơn và như thế sẽ dân chủ hơn.
TRẦN THỊ TÍCH (Phường Cửa Ðông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
|