Học sử minh hoạ hứng thú hơn?
Các Website khác - 13/08/2005

(VietNamNet) - "Đa số học sinh đều thích môn lịch sử, nhưng xã hội lại chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của môn này và giảng viên chưa có cách truyền đạt hấp dẫn". Đó là nhận định của GS. Đinh Xuân Lâm - một cây đại thụ của làng sử học Việt Nam. Theo ông, học lịch sử thông qua truyện tranh là một cách giúp các em hứng thú hơn với môn học này. Đây là chương trình do Bộ GD-ĐT và NXB Giáo dục phối hợp thực hiện.

Soạn: AM 515123 gửi đến 996 để nhận ảnh này
GS Đinh Xuân Lâm

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với 2 thành viên chương trình: GS Đinh Xuân Lâm, Chủ biên SGK Lịch sử lớp 9 mới cải cách, thành viên Ban chỉ đạo cuộc thi và hoạ sỹ Phạm Ngọc Tới, Trưởng ban Biên tập - Thiết kế Mỹ thuật NXB Giáo dục, uỷ viên Ban chung khảo cuộc thi.

Học sinh chán Sử không phải vì sách giáo khoa!

Trong kỳ thi ĐH vừa qua, kết quả điểm thi môn Sử của học sinh khối C rất thấp khiến nhiều người phải bàng hoàng về kiến thức lịch sử của học sinh phổ thông. Giáo sư có bình luận gì về sự kiện này?

GS Đinh Xuân Lâm: Tôi là người đã nhiều năm ra đề thi ĐH và chấm bài tuyển sinh ở ĐH Tổng hợp HN. Bài của thí sinh thi ĐH năm nào cũng có sự phân hoá giữa tỷ lệ bài tốt, khá, trung bình và những bài yếu kém.

Hồi tôi đi chấm gặp phải những bài thí sinh không viết được gì thì chỉ ngồi vẽ hươu vẽ vượn mà thôi chứ đâu có "bình loạn" như bây giờ. Tuy nhiên tỷ lệ bài kém không đến nỗi trầm trọng như năm nay. Nội dung bài viết thí sinh cũng không sai "bôi bác" như năm nay.

Mấy ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người đã phẫn nộ lên tiếng và nêu nguyên nhân. Với tư cách một người dạy Sử từ cấp phổ thông lên ĐH, tôi cho rằng nguyên nhân cơ bản không nằm trong SGK. Nội dung chương trình trong SGK đã được điều chỉnh và bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thời gian học, với trình độ tiếp nhận của học sinh rồi. Nói rằng học sinh chán môn Sử do SGK là "oan" cho SGK lắm.

Vậy theo GS, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh không ham thích môn Sử và có những thiếu hụt kiến thức về bộ môn này?

GS Đinh Xuân Lâm: Nguyên nhân chính là từ phía những người truyền đạt. SGK là bộ khung, giáo viên phải là những người sáng tạo theo tài năng riêng của mỗi người. Giáo viên phải truyền đạt sao cho phát huy được cá tính sáng tạo của học sinh, để những kiến thức lịch sử khắc nhập sâu vào tư tưởng người học chứ không đơn thuần là học thuộc lòng máy móc. Bởi dạy Sử là giáo dục lòng yêu nước và bồi dưỡng đạo đức, tình cảm. Người dạy mà hời hợt thì người học cũng sẽ thụ động đối phó.

Tôi tin chắc rằng đa số học sinh chúng ta đều rất yêu thích môn Lịch sử. Nhưng xã hội lại chỉ coi đó là môn phụ, trong nhà trường, giáo viên lại giảng chưa mấy nhiệt tình.

NXB Giáo dục đang tổ chức một cuộc thi sáng tác truyện tranh theo SGK Lịch sử hiện hành. Theo ông, loại sách này sẽ có tác động như thế nào tới việc học sử của học sinh trong nhà trường?

GS Đinh Xuân Lâm:  Tiêu chí của cuộc thi sáng tác truyện tranh lần này là bám sát theo chương trình SGK. Vì vậy, có thể xem đây như là một loại sách tham khảo, nó sẽ bổ sung cho những nội dung mà SGK chưa nói hết được. Học lịch sử thông qua truyện tranh sẽ giúp các em hứng thú hơn rất nhiều.

Kể sử qua tranh rất khó!

Soạn: AM 515119 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hoạ sĩ Phạm Ngọc Tới

Một hoạ sỹ khi phải "chuyển Sử sang tranh" thư gặp phải những khó khăn gì?

Hoạ sỹ Phạm Ngọc Tới: Có 2 dạng truyện tranh: Thứ nhất là loại dùng tranh minh họa cho truyện. Thứ 2 là loại truyện minh hoạ cho tranh. Để truyền tải nội dung lịch sử, loại thứ nhất phù hợp hơn. Tất nhiên các hoạ sỹ khi thể hiện nội dung phải có kiến thức lịch sử nhất định để tuỳ từng giai đoạn lịch sử mà có những minh họa phù hợp. Tuỳ theo những sự kiện và tình tiết lịch sử mà trang phục, ngoại hình nhân vật phải gần đúng với hiện thực lịch sử.

Cái khó nhất là chúng tôi chưa có nhiều tài  liệu lịch sử để tham khảo, mà tài liệu lịch sử ở ta cũng không đầy đủ cho lắm. Chúng tôi đành phải tìm đến bảo tàng lịch sử dân tộc. Hơn nữa, vẽ minh hoạ lịch sử lâu nay có những chi tiết về trang phục, về sinh hoạt đã thành quy ước trong giới họa sỹ, tất nhiên không thể chính xác như hiện thực mà chỉ mang tính tương đối.

Vậy những quy ước minh hoạ đó do ai đặt ra, các hoạ sỹ hay những nhà sử học? Làm thế nào để hình vẽ minh hoạ vừa chân thực, chính xác vừa đảm bảo tính thẩm mỹ?

Hoạ sỹ Phạm Ngọc Tới: Quy ước đó nếu làm riêng rẽ tự phát thì sẽ chồng chéo và thiếu chính xác. Ví dụ cũng là trang phục thời Lê mà hoạ sỹ này một kiểu hoạ sỹ kia một kiểu thì chưa thể thống nhất được.

Khi làm việc chúng tôi phải căn cứ vào các tư liệu lịch sử viết về các đời. Trước khi tiến hành công việc, chúng tôi phải tổ chức cuộc trao đổi giữa các nhà sử học và các hoạ sỹ, tất nhiên đây vẫn đang còn là một vấn đề nan giải để tìm được tiếng nói chung, đưa ra được những hình mẫu thống nhất.

- Cảm ơn ông.

  • Ngọc Nhung (thực hiện)