Nguyện vọng 2: ai cũng... hồi hộp!
Các Website khác - 19/08/2005

Cán bộ phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) chuẩn bị phiếu báo kết quả thi để gửi cho thí sinh đăng ký xét tuyển NV2 (nếu không trúng tuyển NV1) - Ảnh: Như Hùng
TT - Tin Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được Bộ GD-ĐT cho phép không tuyển NV2 đã khiến nhiều trường ĐHDL, các trường có xét tuyển phía Nam thở phào nhẹ nhõm. Bởi lẽ, nếu dành 15-20% chỉ tiêu như “đề nghị” của bộ thì con số thí sinh (TS) đủ điểm vào NV2 của trường này có thể lên đến... 1.000 chỉ tiêu.

Do đó đến thời điểm này cơ hội NV2 vẫn còn là một “ẩn số” đối với TS lẫn các trường...

Thí sinh: ít cơ hội, nhiều rủi ro

Đối với nhiều trường tốp trên, phải tuyển thêm NV2 cũng đồng nghĩa với việc chuốc thêm phiền phức, kéo dài thời gian tuyển sinh. Nhưng vì đã là “lệnh” nên buộc nhiều trường vẫn phải dành số lượng chỉ tiêu ít ỏi của mình để tuyển thêm NV2. Trường ĐH Y dược TP.HCM thông báo tuyển NV2 đối với ba ngành y tế công cộng, vật lý trị liệu và xét nghiệm, mỗi ngành không quá 30 chỉ tiêu, thậm chí có ngành chỉ tuyển 10 chỉ tiêu. Tất nhiên NV2 dành cho các ngành khối B vốn đã ít ỏi, chỉ tiêu tuyển không nhiều, nếu không cẩn thận TS sẽ vuột ngay cơ hội.

Lời cảnh báo này càng có giá trị nếu nhìn vào chỉ tiêu tuyển NV2 của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM): ngành kỹ thuật nhiệt điện lạnh tuyển 15 chỉ tiêu, kỹ thuật hệ thống công nghiệp tuyển 20 chỉ tiêu. Trong khi đó, ngành kỹ thuật công nghiệp của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật cũng chỉ tuyển 23 chỉ tiêu, ngành công nghệ môi trường 17 chỉ tiêu.

Khiêm tốn hơn, như ngành Anh văn của Trường ĐH Công nghiệp chỉ tuyển... bốn chỉ tiêu. Riêng Trường ĐH Nông lâm có vẻ khá hơn, nhưng như ngành cơ khí nông lâm chỉ có 15 chỉ tiêu, trong khi 10 ngành khác của trường này cũng chỉ tuyển với 20 chỉ tiêu/ngành, trong đó nhiều ngành tuyển cả hai khối... Rõ ràng, nếu TS không có sự chọn lựa cân nhắc kỹ lưỡng sẽ rất dễ bị mất cơ hội NV2 một cách oan uổng.

Đành rằng năm nay cơ hội NV2 cho TS dự thi ở khối C, D có vẻ mở ra nhiều hơn, nhưng khả năng chen chân vào ĐH bằng chiếc “vé” này xem ra cũng không dễ. Ngành báo chí của Trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG TP.HCM) thông báo tuyển NV2 cho cả hai khối C, D nhưng chỉ tiêu cho mỗi khối chỉ dừng ở mức... năm TS, trong khi ngành lịch sử có 20 chỉ tiêu chia đều cho hai khối C, D. Ngay như ngành địa lý khối C cũng chỉ tuyển tám TS, khối D tuyển bảy chỉ tiêu. Các ngành đông phương học và xã hội học chỉ tuyển 15 chỉ tiêu cho mỗi khối.

Trong khi đó tại Trường ĐH Luật TP.HCM, với mức sàn 17 điểm và mặc dù tuyển đến 100 chỉ tiêu cho khối C cũng không phải đã dễ dàng đối với TS vì có rất nhiều trường hợp nộp đơn vào trường này.

Trường xét tuyển: lo lắng!

Nếu như các trường ĐH công lập càng tuyển nhiều TS cho NV2 bao nhiêu thì các trường ĐHDL có xét tuyển lại càng lo lắng bấy nhiêu. Việc bộ đề nghị các trường có điểm chuẩn dưới 20 phải dành chỉ tiêu xét tuyển NV2 khiến cơ hội để tuyển TS có chất lượng vào các trường ĐHDL càng xa vời hơn bao giờ hết. Dĩ nhiên, không TS nào có điểm thi bằng điểm sàn xét tuyển NV2 của các trường ĐH công lập lại không nộp đơn vào để tìm cho mình một cơ may trúng tuyển.

Trong bối cảnh đó, có trường như ĐHDL Văn Hiến đã không ngại ngần quảng cáo “dự kiến điểm trúng tuyển bằng với điểm sàn”. Nhiều trường khác tuy không nói ra nhưng cũng dự trù phương án bằng điểm sàn bằng cách cấp luôn giấy báo trúng tuyển cho TS, vì nếu không làm như vậy thì nguy cơ tuyển thiếu so với chỉ tiêu rất dễ xảy ra.

Thậm chí có trường còn dùng nhiều “chiêu thức” để tuyển thêm TS như đưa ra phương án nhân hệ số cho các môn năng khiếu, ngoại ngữ... để đầu vào thoáng hơn và dễ thu hút TS hơn.

Và mùa tuyển sinh 2005 này còn dự báo một tình huống rất dễ xảy ra nữa, đó là các trường ĐHDL xét tuyển sẽ tuyển thêm nhiều chỉ tiêu cho NV3, vì nguồn tuyển này xem ra lại rất... chất lượng. Lý do là nhiều TS khi nộp NV2 vào các trường ĐH công lập, không trúng tuyển sẽ phải chọn một trường ĐHDL để gửi gắm thân phận. Và thời gian để các trường dân lập tiến hành khai giảng năm học mới cứ thế ngày một xa dần với dự kiến ban đầu...

NGUYỄN PHAN