Những câu hỏi nóng quanh đề nghị thu học phí cao
Với nhiều lo lắng thắc mắc, các PHHS đang trao đổi về các kế hoạch học tập của trường THPT Lê Quý Đôn. |
Hầu hết ý kiến PHHS cho rằng chủ trương này không khả thi, vì nếu gọi đây là trường bán quốc tế thì cũng không đúng mà gọi là trường THPT chất lượng cao cũng không được!
Ngày 28-8, các phụ huynh có con học lớp 10 của Trường THPT Lê Quý Đôn đều nhận được thông báo “Xây dựng trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ” do hiệu trưởng ký tên.
Mô hình 3 lĩnh vực
Theo thông báo này, trường chỉ cho phép phụ huynh 3 ngày để cân nhắc chọn lựa giữa 3 lĩnh vực. Đó là, lĩnh vực 1: Hoàn tất tốt nhất chương trình THPT hiện hành, bảo đảm chắc chắn thi đậu tốt nghiệp và đạt được kết quả tốt trong kỳ thi ĐH trong nước. Giá học phí 650.000 đồng/tháng (lớp 10), 820.000 đồng/tháng (lớp 11) và 930.000 đồng/tháng (lớp 12); lĩnh vực 2: Ngoài các yêu cầu đã đạt nói trên, các em học sinh còn được khả năng để học các trường ĐH sử dụng tiếng Anh trong và ngoài nước.
Giá học phí 890.000 đồng/tháng (lớp 10), 1.100.000 đồng/tháng (lớp 11) và 1.200.000 đồng/tháng (lớp 12); lĩnh vực khác là các em học theo chế độ lâu nay giống như học sinh lớp 11, 12 đang thực hiện cho đến khi ra trường (có văn bản cụ thể của hiệu trưởng ký). Giá học phí: công lập 30.000 đồng/tháng (lớp 10, 11, 12) và bán công 120.000 đồng/tháng (lớp 10, 11, 12) chưa tính các khoản đóng góp khác về cơ sở vật chất, chương trình kích cầu, học thêm...
Nhiều thắc mắc chưa có lời đáp
Ngày 29-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến trường này tìm hiểu thêm thông tin. Đa số PHHS có con trúng tuyển công lập đã không đồng tình với chủ trương này. PHHS Kim Hoa (nhà ở quận 3) nói thẳng: “Tôi thật sự không tin tưởng vào những gì hứa hẹn của nhà trường. Bà hiệu trưởng ký văn bản hứa bảo đảm đỗ tốt nghiệp THPT và thi ĐH đạt kết quả tốt, lấy gì làm bằng chứng? Còn chất lượng học ngoại ngữ thì nhà trường hứa rằng sẽ đủ để thi vào ĐH quốc tế tại các nước nói tiếng Anh hay ĐH quốc tế trong nước, nhưng lời hứa ấy dựa trên cơ sở nào? Lấy gì để chúng tôi tin tưởng?”.
Nhiều phụ huynh còn thắc mắc về các khoản đóng góp chưa rõ ràng, như tiền kích cầu, tiền bán trú, tiền ăn trưa... Những khoản thu này có nằm trong quy định được phép không?... Một PHHS sau khi cầm trên tay hàng chục tờ giấy tham khảo về các lĩnh vực, đơn xin đăng ký học... của nhà trường phát, bức xúc: “Hôm qua họp phụ huynh, chúng tôi cầm thông báo trên tay mà giận run vì cảm thấy nhà trường thiếu tôn trọng PHHS chúng tôi, mãi đến sát ngày này mới thông báo, dù trên danh nghĩa nói là tự nguyện, nhưng chẳng khác nào là áp đặt chúng tôi. Nếu biết trước chúng tôi sẽ không đăng ký vào trường này, và đến giờ này thì chắc rằng chúng tôi không còn đường nào chuyển trường. Ngay cả giáo viên chủ nhiệm của con tôi cũng nói là mô hình thí điểm nên không dám hứa gì với PHHS”.
Kết nghĩa khác với liên kết?
Còn về phương thức đào tạo mà nhà trường thông báo là thực hiện theo “mô hình của trường kết nghĩa” (với Trường Quốc tế)” thì “kết nghĩa” được hiểu như thế nào? Có phải là liên kết đào tạo? Nếu liên kết thì trường nào cấp bằng? Có giá trị quốc tế không?
Nhiều phụ huynh nói: Hiện nay, TPHCM có rất nhiều trường tư thục, dân lập giảng dạy theo mô hình quốc tế dành cho đối tượng PHHS có thu nhập cao. PHHS nào có tiền thì cứ chọn những ngôi trường theo mô hình đó, chứ sao lại đem trường công lập chuyển sang mô hình không rõ ràng như vậy?
Tại sao lại vội vã như thế? Báo Người Lao Động đã nhận được thắc mắc của PHHS về nhiều vấn đề của năm học mới. Chúng tôi trích đăng và mong nhận được ý kiến phản hồi từ ngành giáo dục. Vì lý do tế nhị, chúng tôi không nêu tên, địa chỉ của PHHS. Ngày 28-8, trường triệu tập họp PHHS khối 10, chúng tôi cứ tưởng là một cuộc họp PHHS bình thường vào đầu năm, hóa ra đây là một cuộc họp vội vã để thông báo về việc chuyển đổi Trường THPT Lê Quý Đôn thành trường thu học phí cao. Lẽ ra, nếu muốn chuyển trường thành một loại hình trường bán quốc tế hay chất lượng cao thế nào đó thì phải có chủ trương sớm ngay từ khi thi tốt nghiệp THCS hay thậm chí khi HS chọn nguyện vọng. Nếu biết trước Trường Lê Quý Đôn chuyển đổi như vậy, chúng tôi đã khuyên HS chọn trường khác chỉ có loại hình công lập và bán công mà thôi. Còn bây giờ chúng tôi đã lâm vào thế bất lợi vì cháu không đăng ký vào lớp thu tiền cao (lĩnh vực 1, 2) thì chúng tôi không thể nào yên tâm được vì có nguy cơ các cháu bị đối xử như công dân hạng 3. Các thầy cô dĩ nhiên thích dạy các lớp thu tiền cao hơn và những thầy cô dạy giỏi hơn sẽ dồn sang các lớp đó. Thiết nghĩ, trình độ các cháu đã đủ vào Lê Quý Đôn thì dĩ nhiên là đủ sức học và thi tốt nghiệp THPT, lý gì mà phải mời chào là đóng tiền cao thì chắc chắn đậu tốt nghiệp THPT... Chúng tôi đề nghị sở thu hồi lại chủ trương quá đột xuất này, chưa thực hiện trong năm học 2005-2006. Cần xem lại chủ trương “xã hội hóa” trong trường hợp của Trường THPT Lê Quý Đôn, vì nếu “xã hội hóa” thì phải xây trường khác bằng tiền của xã hội đóng góp chứ như hiện nay, trường công đâu có nhiều để mà chuyển thành trường thu học phí cao? Con em những người lao động, công chức sẽ bị đẩy ra khỏi Trường Lê Quý Đôn sao? Bà Trần Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn: Giáo viên phải ký hợp đồng trách nhiệm Đăng ký lĩnh vực 1, HS sẽ được học chương trình bình thường của Bộ GD-ĐT, buổi chiều được tăng thêm giờ thực hành, rèn phương pháp tự học để các em nắm chắc chương trình hơn và có định hướng thi vào ĐH ngay từ lớp 10. Lĩnh vực 2, tăng cường thêm tiếng Anh để HS có thể tham gia thi vào các trường quốc tế trong nước hoặc đi du học. Đội ngũ giáo viên sẽ được trường chọn lựa từ những giáo viên giỏi nhất có nhiều kinh nghiệm và các giáo viên này phải ký với hiệu trưởng một bản hợp đồng trách nhiệm, yêu cầu giáo viên phải bảo đảm luyện tập cho HS đỗ tốt nghiệp THPT và thi ĐH. Vấn đề cào bằng giữa hệ công lập, bán công hay không thì nhà trường sẽ sắp xếp HS theo hướng cùng trình độ học chung một lớp thông qua việc kiểm tra học bạ, học lực (sau khi PHHS đã đăng ký). Trường Quốc tế là trường kết nghĩa với Trường Lê Quý Đôn, có nghĩa là sẽ trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, tài liệu, tham quan giữa giáo viên Trường Quốc tế với Trường Lê Quý Đôn. |
Theo Người lao động
▪ Học bổng tại ĐH Dundee, Scotland (30/08/2005)
▪ Học bổng sau đại học ngành điện tử tại ĐH Glamorgan, Anh (30/08/2005)
▪ ĐH Bath, Anh cấp học bổng sau đại học (30/08/2005)
▪ ĐH Queensland cấp học bổng tiến sĩ quản trị kinh doanh (30/08/2005)
▪ Trượt ĐH, CĐ có thể vào trung cấp? (30/08/2005)
▪ Nguy cơ trượt oan từ khát vọng trường điểm (30/08/2005)
▪ TP.HCM: giữ nguyên mức học phí (30/08/2005)
▪ "Tình nguyện 5.000 đồng"? (30/08/2005)
▪ Học bổng tiến sĩ công nghệ thông tin tại ĐH Twente, Hà Lan (29/08/2005)
▪ Năm suất học bổng sau đại học tại ĐH New England, Úc (29/08/2005)