Có thể hôm nay bạn còn ngồi tán dóc bên bàn cà phê với họ, nhưng ngày mai cuộc chuyện trò có thể chỉ qua chat qua mail vì họ đã chu du đâu đó. Đó là một thế giới “ta balô”, rất tự tin và cũng rất... quyến rũ.
Những cô gái trẻ này dường như có cùng quan niệm sống: làm việc cật lực, làm cả ngày nghỉ tết để rồi dành hết tiền bạc và thời gian rảnh rỗi đi chu du khắp nơi trên thế giới. Họ thích lang thang đó đây để rồi... thấy mình quá nhỏ bé trong thế giới đầy màu sắc này. Những khám phá mới, những hiểu biết mới lại buộc họ gói ghém balô và tiền bạc lên đường để chơi cho hết, đến tận cùng của đam mê.
Một ngày ở Ấn chỉ 15.000 đồng!
![]() |
Hạnh Dung sau chuyến đi để đời suốt chín tháng cũng đã tạm yên vị với chức danh giám đốc chi nhánh Công ty Thiên Ngân tại TP.HCM |
Thoạt nhìn Hạnh Dung, người ta sẽ khó thể tin được thành tích đáng nể của cô gái còm nhom này: chín tháng rong chơi sáu nước châu Á không về nhà. Cô gái Sài Gòn này thích đi đúng kiểu bụi của mấy tay du lịch balô chuyên nghiệp.
Mà hình như cô còn “độc chiêu” hơn cả những tay chuyên nghiệp: lang thang một mình ở Ấn Độ gần sáu tháng, qua gần hết các bang để cảm nhận được “thứ bản sắc đặc sệt, nguyên chất của văn hóa Ấn”, ngủ “đom” (chỉ thuê giường, khoảng 1-1,5 USD/đêm), balô khóa vào chân giường, đi tàu hạng bét, ngồi trên nóc xe buýt, ăn cơm bình dân với người bản địa...
Đi du lịch mà có ngày chi tiêu chỉ... 1USD (nếu không phải di chuyển hay mua vé vào tham quan).
Phải “ở thật lâu, xem thật kỹ” và “dân balô rất dư dả thời gian nên phải tiết kiệm để đi được nhiều nhất” là hai bảo bối xài hoài trên đường chu du của cô gái họ Trần. Trong lần “lang bạt” ở Campuchia một tháng, Dung từng chọn cách thức dậy lúc 3g sáng suốt ba ngày liên tiếp để lục sạo bằng hết, tỉ mỉ từng ngóc ngách Angkor Wat mà không tốn một xu (tiền vé vào cửa 20 USD/ngày). Dân ta balô thứ thiệt còn phải lắc đầu chào thua “đến thế là cùng”.
Trạc 30 tuổi nhưng gần mười năm trước, Dung từng là một trong số ít cô gái tham gia nhóm đạp xe vượt Trường Sơn, trèo đèo lội suối khắp các bản làng Tây Bắc bằng xe máy... Năm 1996, khi con đường Tả Van chưa băng ngang sườn núi như bây giờ, cô là người phụ nữ VN trẻ tuổi đầu tiên đặt chân tới “nóc nhà Đông Dương” Phanxipăng trong giá rét, đói, bệnh tật tưởng chừng như “nằm lại luôn Phan rồi”.
Du lịch kiểu “con cò”
Minh Lý là con gái Hà Nội chính gốc nên có chút “đanh đá” với cái nick Toét. Vài năm trước Lý khuấy động trên các diễn đàn của thanh niên với lời kêu gọi rất sốc: “Hỡi các thanh niên chỉ biết tập thể dục bằng mười đầu ngón tay trên keyboard, hãy shutdown máy tính, gói ghém ít đồ đạc và lên đường thôi”.
Những chuyến đi đầu tiên của “những người chưa bao giờ biết mặt nhau” được tổ chức như thế, càng về sau càng chuyên nghiệp và đến giờ thì đã trở thành phong trào khá rầm rộ trên mạng. Nhiều bạn trẻ sững người đứng trước một miền đất mới, “đẹp mỹ mãn luôn” đã quay sang nói với Lý rất ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: “Cảm ơn chị”.
Lý có kinh nghiệm mười năm làm du lịch và đi du lịch. Bắt đầu từ chuyến “đi bụi” đầu tiên chiêm ngưỡng thiên nhiên Sa Pa với vé “con cò” (chỉ đứng được một chân vì quá chật), Lý đã đi qua biết bao nước châu Âu, Đông Nam Á... Lúc thì ở khách sạn năm sao, nằm phơi nắng ở một resort sang trọng, hoặc lúc thì mò mẫm tận hang cùng ngõ hẹp ở những nơi heo hút, núi cao hay khí hậu khắc nghiệt nhất.
“Cao nhân” du lịch
![]() |
Tịnh Minh, kế toán Công ty Sân Golf Đà Lạt và Phan Thiết: Làm hùng hục để cuối năm đi ngắm quê hương |
Gia nhập làng “ta balô” hơn hai năm gần đây nhưng Bùi Ngọc Linh (biệt hiệu Linh ”Evil”) mau chóng thăng cấp “cao nhân”. Bước chân cô đã đi qua 15 nước từ Âu đến Á. “Mỗi nước mình qua lại nhiều lần vì còn nhiều nơi chưa khám phá hết. Riêng Thái Lan thì nhiều lắm không đếm xuể, cộng lại chắc phải hơn một năm”, Linh cười toe toét cho biết. Máu du lịch bắt đầu nổi lên từ chuyến công tác Thái Lan năm 2003, “thích quá, thấy nhiều cái mới lạ hơn trong sách”. Thế là cắm đầu cắm cổ làm việc, ki ca ki cóp chẳng dám mua sắm gì để “hễ được kha khá là đi ngay”.
Có lần Linh ngã bệnh khi đang leo núi ở Hi Lạp, về VN bác sĩ kê toa “không được nhúc nhích” suốt mấy tháng. Nhưng với Linh, “đi nhiều hình như đã ăn vào máu, ở nhà chịu không nổi”. Chỉ trong sáu tháng “dưỡng thương”, Linh đã làm vài chuyến gần gần như Văn Chấn, Yên Bái, Sa Pa, Philippines, Singapore, Thái Lan.
“Tôi luôn giàu có với những gì tôi đã nhận được từ các chuyến đi”. Cái dáng vẻ ngang tàng mạnh mẽ, nổi tiếng “i-vồ” (evil) của Linh chợt mềm ra khi nhắc đến những khoảnh khắc “rất chi là ghê” trên con đường độc hành khắp thế giới (giờ đã thành niềm tự hào). Du hành gần như khắp thế giới vậy mà chuyến đi ấn tượng, “để đời” nhất lại là lần leo Phanxipăng, ngắm cảnh VN hồi tháng 10-2005.
“Mình bệnh nằm một chỗ suốt, khi quyết định đi Phan mọi người rất lo nhưng không hiểu sao càng đi lại càng khỏe. Thật sự mừng nhất là khi chinh phục được đỉnh Phanxipăng, mình cảm thấy như chiến thắng bệnh tật, sẵn sàng làm bất cứ việc gì trong tương lai”.
Một mình chụp bàn tay
Cô gái Đà Nẵng Nguyễn Hoàng Tịnh Minh có bề ngoài gầy gò nhỏ thó. Vì thế khó ai tin được cô vừa hoàn thành chuyến xuyên Việt bằng “con ngựa đua” NSR 150cc nặng gấp ba lần trọng lượng của cô.
Khi biết “cô út” Minh có ý định “làm một chuyến đi hoành tráng”, mấy ông anh trong nhóm “ngựa đua” muốn ủng hộ lắm vì chưa có cô gái nào dám lập kỷ lục như thế nhưng trong lòng rất lo. “Cưỡi xe thì sướng rồi nhưng lỡ bị ngã, bị xe đè thì biết làm sao vì không cách nào cô nàng có thể nhấc xe lên nổi”.
Đi. Minh vẫn hạ quyết tâm: “Mình đã cẩn thận hết sức mà vẫn bị làm sao thì biết làm sao!”. Lần đầu tiên “cầm tài” qua đèo Hải Vân, đèo Ngang, vượt qua những chặng đường “đẹp như tranh” nhưng hoang vắng không một bóng người, Minh không dám dừng mà cứ thế tăng tốc độ trên 100km/g vì sợ.
Hành trình TP.HCM - Nha Trang - Đà Nẵng - Huế - Vinh - Hà Nội mất bốn ngày, sau đó lại quay ngược xe làm luôn chuyến về cho kịp sáng thứ hai tới cơ quan làm việc.
Minh cũng đã quần nát mấy tỉnh Tây Bắc. Một mình lên Sa Pa leo “nóc nhà Đông Dương” trong cái giá lạnh khắc nghiệt. Cô nàng chỉ còn biết “tự sướng” bằng cách nhảy múa, la hét rồi chụp hình... một bàn tay của mình đang xòe ra trước ống kính.
▪ "Không có thần đồng, mà là khổ luyện!" (26/01/2006)
▪ Đầu năm gặp những bạn trẻ...tụt hậu (30/01/2006)
▪ Tiến sỹ Oxford và ước mơ tiêu diệt hoàn toàn muỗi bệnh (31/01/2006)
▪ Chủ tịch Apollo được bộ Giáo dục tặng thưởng (25/01/2006)
▪ 200 cơ sở dạy tiếng Việt cho người VN ở nước ngoài (26/01/2006)
▪ Vụ SITC: Bộ Giáo dục nói gì? (25/01/2006)
▪ Gần 600 cơ sở dạy ngoại ngữ không ai quản lý! (25/01/2006)
▪ Sẽ thanh tra việc liên kết giảng dạy của SITC (25/01/2006)
▪ Từ Tân Thiên Niên Kỷ đến SITC (25/01/2006)
▪ Thầy Tây ăn Tết ta (25/01/2006)