(VietNamNet) - Châu Thanh Tâm, cô sinh viên VN vừa nhận học bổng dành cho nhà nghiên cứu trẻ của bang Victoria (Australia). Trong câu chuyện với chúng tôi, xen lẫn niềm vui khi khoác chiếc áo dài đỏ nổi bật giữa hội trường 500 đại biểu trong buổi lễ nhận học bổng là nỗi băn khoăn về một câu chuyện đã cũ mà chưa bao giờ nguôi tính "thời sự": Du học trời Tây, về hay ở?
Tâm và các cộng sự đã tìm ra phương pháp sử dựng công nghê cao nano để đo lực bề mặt giữa nước và dầu. Nghiên cứu này được ứng dụng trong tất cả những ngành công nghiệp sản xuất, từ thực phẩm, sơn, dược phẩm đến thuốc nổ...
Hiện nay, trên thế giới chỉ có 2 nhóm nghiên cứu làm được thí nghiệm trên (nhóm của Tâm ở trường Melbourne và một nhóm ở Anh), số người thực hiện được thí nghiệm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Để trộn nước và dầu, người ta phải có thêm phụ gia. Đó là chất nhũ tương để giữ dầu tan trong nước lâu hơn, không bị phân lớp. Nghiên cứu này còn ứng dụng khi làm son môi không khô. Son ít tiền thường làm da môi bị khô, lý do là dầu trong đó dễ bị phân thành giọt trên bề mặt của thỏi son.
Ví dụ khác là sự bám dính của dầu và nước vào bề mặt sợi tóc. Hiện, công ty Uniliver, có đội ngũ nghiên cứu hùng hậu về lĩnh vực này, cũng đang quan tâm tới nghiên cứu của Tâm.
Về: Đâu là chỗ trống?
Trong câu chuyện với chúng tôi, Tâm vẫn còn háo hức với niềm vui khi khoác chiếc áo dài đỏ nổi bật giữa hội trường 500 đại biểu trong buổi lễ nhận học bổng.
Thiết bị mà Tâm và các cộng sự sử dụng khi nghiên cứu khá đắt tiền. Trường ĐH nơi cô đang học, có tới 4 máy như thế; nhiều người đã từng mày mò với thí nghiệm này.
"Cuối cùng, những cố gắng và nỗ lực của em cũng được nhìn nhận". Nhiều cơ quan nghiên cứu ở Úc cũng gửi thư chúc mừng. Trước đó, đã từng có người Việt ở Victoria nhận giải thưởng này, nhưng đều là những người đã định cư ở Australia. Thế nên, cảm giác vui sướng của một cô sinh viên Việt Nam dân đồng bằng sông Cửu Long chính hiệu có cái gì đó khó diễn tả lắm.
- Vậy phương châm sống trong đời thường của Tâm như thế nào? "Không giống ai" hay "ẩn mình sau mọi người"?
-Khó nói quá! Lúc trước thì em "ẩn mình sau mọi người lắm, nhút nhát, ít nói. Nhưng sau khi sang Úc học, tự lập, rồi quen xa nhà, được một chút tự tin. Em muốn nói điều này, không biết có sao không. Em có ý định tốt nghiệp xong sẽ về Việt Nam làm, không biết có nơi nào tiếp nhận?
- Tâm băn khoăn điều gì nếu trở về?
-Thực ra, họ đầu tư cho mình một học bổng thế này, không phải để mình 'bỏ chạy" (cười). Em ở đây lâu rồi, nhớ nhà lắm, và muốn về Việt Nam làm một cái gì đó cho quê hương.
- Nói vậy có "sáo rỗng" không?
Em không "nổ" đâu, nhưng em rất đau lòng với hiện trạng chảy máu chất xám. Em thấy, rất nhiều người ra đi không quay về. Nên em nghĩ, nếu mọi người một tay, quay về, áp dụng những kiến thức hay và mới đã học ở trời Tây để góp phần cho đất nước, chắc có lẽ đất nước sẽ mau tiến hơn. Đây cũng là tâm tư của nhiều du học sinh em gặp và có điều kiện trao đổi.
Điều em mong muốn nếu về làm việc ở Việt Nam?
Tụi em, những người muốn trở về, nếu muốn góp phần thay đổi gì đó, thì ít nhất, cũng cần những người ủng hộ và tạo điều kiện cho mình. Sẽ có những người lại không thích cái mới, mà quen nếp mọi cái diễn ra đều đều mỗi ngày...
- Tại sao không phải là tụi em mang lại sinh khí mới cho nơi làm việc cũ?
- Cũng mong muốn điều đó lắm, nhưng sẽ có bao nhiêu người ủng hộ, bao nhiêu người có tư tưởng cách tân? Nhiều người trở về, công việc nhàm chán hoăc nhàn rỗi trong một nơi nho nhỏ nào đó, không có việc làm cụ thể, không có cơ hội để phát huy năng lực. Thậm chí, em cũng đã gặp nhiều người, được học bổng, sang đây tiếp tục học sau ĐH, nhưng bị bắt buộc trở về, lại tìm đường...đi tiếp.
- Có vẻ như, cụm từ "nhiệt huyết với đất nước" khá xa lạ với nhiều du học sinh bây giờ?
- Em e rằng là thế. Không phải họ không có nhiệt huyết, mà là nỗi băn khoăn có thực. Chúng em đã nghe, đã thấy những trường hợp một số người đi trước, khi trở về, không phải nơi nào cũng có môi trường tốt cho mọi người làm việc. Những hoài bão dở dang, những nghiên cứu không đầu, không cuối. Và sự bình yên trong nhịp sống, thiếu một cái gì đó, như là lực đẩy đi về phía trước...
Hiện nay, ngoài thời gian nghiên cứu, Tâm còn tham gia giảng dạy cho sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ ba của trường. Cô em gái của Tâm, Châu Thanh Trúc, hiện cũng đang theo học tại trường ĐH Swinburne. Ở Việt Nam, ngoài ba mẹ là giáo viên đã nghỉ hưu sống tại An Giang, còn một chị gái đang công tác tại TP.HCM.
Sang Úc từ năm 1999, quen nhịp làm việc mỗi ngày làm việc không dưới 14 tiếng, làm liên tục, không nghỉ trưa, chỉ có 15 phút ăn trưa, rồi làm tiếp. Thành ra, mỗi lần trở về An Giang thăm ba má, thỉnh thoảng xách giỏ đi chợ, nấu cơm, cái càm giác tiêng tiếc thời gian lãng phí lại bùng lên trong cô gái say việc này. Gặp bạn bè cũ, thấy nhịp sống bình yên, cứ thấy như thiếu đi sự bận rộn cần thiết cho sự tiến về phía trước.
Với giải thưởng Victoria, Tâm sẽ tới trường ĐH Bristol (Anh) phát triển thêm công nghệ mới về nhũ tương. Tâm cũng sẽ giới thiệu nghiên cứu của mình trong hội nghị hóa học Thái Bình Dương vào tháng 12 tới tại Mỹ. Năm tới, lại tiếp tục sang Pháp cũng với 1 học bổng khác nữa, cơ hội làm khoa học cơ bản rộng mở trước mắt Tâm.
Trong thâm tâm, cô gái An Giang vẫn có mơ ước được về Việt Nam dạy học, truyền lại tất cả những gì học được ở đây. "Và cụ thể là muốn góp phần để thay đổi phương pháp giáo dục đỡ cứng nhắc đi một chút, thoát khỏi sách vở đi một chút..."
Hạ Anh
Ý kiến của bạn:
▪ "Học tiến sĩ không tốn tiền" (30/09/2005)
▪ Cho thôi chức hiệu trưởng đối với bà Lê Thị Hoa (30/09/2005)
▪ Chất lượng thiết bị dạy học còn hạn chế (30/09/2005)
▪ Thay đổi đề thi TOEFL: Thách thức mới! (29/09/2005)
▪ Không cho giáo viên sử dụng giáo án in vi tính (29/09/2005)
▪ Trượt ĐH, thành "nhà tạo mẫu 8X" (30/09/2005)
▪ Một SV Việt Nam đạt giải thưởng lớn của Australia (30/09/2005)
▪ "Việt Nam sẽ có trường ĐH cạnh tranh với thế giới!" (29/09/2005)
▪ Học bổng du học ĐH NUS và PSB (28/09/2005)
▪ Từ 2008: Phát triển mạnh các hình thức học qua mạng (28/09/2005)