Ở nơi thầy trò không nhìn thấy nhau
Các Website khác - 10/06/2008

 

TP- Họ chỉ dùng thính giác để làm thay công việc của đôi mắt. Việc giảng dạy của những sinh viên trẻ yêu nghề, yêu các em bất hạnh thật không đơn giản.

Một tiết đứng lớp của cô giáo Nhung

Thuận, cậu bé lớp 3, khiếm thị đứng dậy rất khó khăn kể câu chuyện vì sao có ngày… 8/3. Giọng em run run cho đến hết câu chuyện. “Mời con ngồi xuống” -  Nhung, giáo sinh thực tập đứng lớp nhỏ nhẹ.

Nói đoạn, Nhung cho cả lớp chia thành 3 đội. Nhung cùng Loan, Phượng - là giáo sinh khác đang thực tập nhanh tay kéo các chiếc bàn ra để chơi trò chơi. “Nghe cô hỏi tiếp nè. Vì sao có ngày 8/3. Cô mời bạn Tri!”- Nhung hỏi.

Tri luống cuống đứng dậy: “Thưa cô, vì chúng con có ngày 1/6, còn mẹ thì chưa có ngày nào cô ạ!”. Đó là một giờ đứng lớp của các giáo sinh tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TPHCM, những người đã chọn cho mình nghề dạy học cao quý dành cho những mảnh đời bất hạnh.

40 sinh viên đầu tiên của khoa Giáo dục đặc biệt, trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo T.Ư 3 (TPHCM) với bộ trang phục dễ thương có cài nơ xinh xắn đã về ngôi trường cũng đặc biệt này để dự giờ và giảng dạy. Đoàn chia làm hai nhóm để giảng dạy cho hai khối lớp mẫu giáo và tiểu học.

Đây là lần đầu tiên, các sinh viên lớp thứ nhất của Khoa (niên khóa 2002-2006) được đi thực tập.  Loan, giáo sinh lớp 2, cho biết: “Nhờ đợt thực tập này mà em học hỏi được nhiều kinh nghiệm giáo viên chủ nhiệm cũng như ứng dụng kiến thức học được ở trường để mai này có thể  gắn bó với nghề”.

Ngoài những giáo sinh là sinh viên năm cuối lành lặn, xinh tươi thì đoàn còn có cựu học sinh của ngôi trường đặc biệt này, mà giờ đây đang đứng trên bục giảng dạy các em nhỏ có số phận không may như mình. Đó là Ngô Huy Hoàng, Lưu Văn Thành, Nguyễn Quang Phương… Ba thầy giáo tương lai này đều bị khiếm thị và ước muốn được về trường công tác.

Nhận xét về các giáo sinh và cả học trò cũ của mình ngày xưa giờ sắp thành đồng nghiệp, cô Xuân Quỳnh (Chủ nhiệm lớp 4, người hơn 12 năm gắn bó với các em) không giấu nổi xúc động khi nói về những hoàn cảnh vượt khó đi tìm cái chữ, cũng như các em lành lặn nhưng cũng chấp nhận công việc này bằng tất cả tấm lòng của một người yêu nghề, yêu trẻ.

Rời mái trường đặc biệt này vào buổi trưa nắng gay gắt, tôi vẫn bắt gặp những giáo sinh đang hỏi thăm nhẹ nhàng gia đình của các bé. Dưới sân,  Nhung đang nắm tay một bé gái mẫu giáo khiếm thính cùng tung tăng vui đùa.  

Hà Tiên