Rớt, đậu và đường đời
Thí sinh dự thi vào Trường CĐ Công nghiệp 2 |
TT - Rớt và đậu (đỗ) ĐH: hai nội dung chiếm hơn một nửa số 300 thư, email gửi về diễn đàn trong bốn ngày qua. Đặc biệt khi năm ý kiến trên diễn đàn hôm qua 23-9 đặt ra câu hỏi: bằng cấp hay nghề nghiệp?
Những ý kiến hôm nay từ chính những bạn trẻ trong cuộc nói về đường đời của mình.
Sáu năm sau ngày rớt ĐH của tôi
Trường ngoại thành, nhà cũng ở ngoại thành, không có điều kiện đi luyện thi nhưng tôi hết sức tự tin với ước mơ trở thành SV.
Thế nhưng sự đời có mấy ai ngờ. Hôm coi danh sách thí sinh trúng tuyển vào ĐH Bách khoa năm ấy, xem đến lần thứ tư không thấy tên mình. Những ngày sau đó tôi mặc cảm, không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai - kể cả những người thân trong gia đình. Tôi chẳng thiết ăn uống, sống như một cái bóng trong nhà và không bước ra khỏi cửa. Bố mẹ tôi không la mắng, chỉ nói: “Học tài thi phận con à”.
Rồi bố mẹ khuyên tôi nên đi học Trường trung học Kỹ thuật Cao Thắng (bây giờ là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) với nhiều lý do chính đáng: học phí rẻ hơn ở trường ĐH; học hơn hai năm đã có thể ra trường đi làm, có thu nhập ổn định rồi học tiếp ĐH cũng được; hoàn cảnh gia đình...
Một đứa giỏi toán, lý, hóa như tôi mà học trung cấp ư? Đám bạn cùng lớp tuy học dở hơn tôi nhưng tất cả đều quyết định ôn để năm sau thi lại. Tôi miễn cưỡng đi làm thủ tục nhập học vào Trường CĐ Cao Thắng cho vui lòng bố mẹ.
Năm tốt nghiệp, nhà trường giới thiệu tôi và chín bạn khác dự phỏng vấn ở một nhà máy sữa nổi tiếng (cứ đến mùa tốt nghiệp, trường tôi nhận được khá nhiều đơn đặt hàng về nhân sự của các doanh nghiệp). Song song đó tôi vẫn nộp đơn xin việc ở hai công ty khác. Và kết quả tôi được ba đơn vị cùng kêu đi làm ngay. Chọn nhà máy sữa và gắn bó từ bấy đến nay - đã bốn năm trôi qua, mức lương công nhân điện công nghiệp của tôi hơn 4 triệu đồng/tháng.
Bây giờ tôi đã không ngại ngần khi gặp lại bạn bè cũ nữa. Bởi tuy không được gọi là kỹ sư hay cử nhân nhưng kiến thức xã hội của tôi không thua kém các bạn (tôi vẫn tự bổ sung hằng ngày qua sách, báo). Đồng thời, tuy chỉ là công nhân nhưng mức lương của tôi cao hơn một số bạn là cử nhân (chưa nói một vài bạn đến giờ này vẫn chưa ra trường hoặc mới ra trường và đang lao đao tìm việc)...
Hiện nay, sau khi thoải mái về công việc, cuộc sống, tôi đang nỗ lực ôn lại bài để năm sau thi ĐH. Cơ quan đã hứa sẽ tạo điều kiện cho tôi học hành thuận tiện nhất. Viết những dòng này, tôi thầm “cảm ơn” cái sự rớt ĐH của mình, nếu không biết đâu bây giờ tôi vẫn đang bôn ba tìm việc như các bạn tôi, tiền đâu phụ giúp gia đình trong những lần bố tôi đau bệnh...
CẨM VŨ
(Q.7, TP.HCM)
Học để làm việc
Thư từ, bài vở tham gia gửi về: Diễn đàn “Đại học có phải là con đường duy nhất?” Báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Bạn có thể gửi qua ba địa chỉ e-mail sau: tto@tuoitre.com.vn Hoặc bạn có thể bấm vào đây để tham gia tại diễn dàn của Tuổi Trẻ Online |
Bước vào giảng đường rồi thì thấy ĐH cũng không ghê gớm như mình tưởng tượng! Đồng thời phần lớn bạn bè tốt nghiệp ĐH ra trường đã thú thật những gì học trong trường ĐH chưa thật sự đáp ứng ngay cho công việc.
Ít nhất với thực tế khả năng đào tạo của các trường ĐH chúng ta hiện nay, tôi hoàn toàn có thể khẳng định nếu cơ hội vào ĐH qua đi thì còn nhiều cơ hội khác dành cho bạn. Tôi lấy ví dụ từ chính ngành tôi đang theo học: tin học.
Tôi có nhiều bạn không vào ĐH đã chọn cho mình các trung tâm tin học để theo học. Mức học phí cao hơn chút đỉnh so với học ĐH nhưng các bạn đó có thể làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.
Dĩ nhiên cũng có những bạn kết quả không như mong muốn, nhưng tôi nghĩ chắc các bạn không phản đối rằng vấn đề chúng ta cần quan tâm là học để làm việc chứ không phải để có tấm bằng tốt nghiệp! Mà học thì có nhiều con đường để lựa chọn, trong đó có ĐH - vốn được nhiều bạn trẻ lựa chọn hiện nay có lẽ vì... gọn nhất, đỡ phải lăn lộn với cuộc sống để có bài học từ thực tế nhất mà thôi.
cinfongese@...
Đại học chúng ta chưa là trường nghề chất lượng cao
Tôi hoàn toàn không đồng tình với những y kiến cho rằng ĐH là con đường duy nhất. Nếu cho rằng ĐH là con đường duy nhất, vậy hàng triệu bạn trẻ không đỗ đại học sẽ sống như thế nào? Chẳng nhẽ họ đều là những người bỏ đi sao?
Chúng ta cần phải nhìn nhận một thực trạng: nền giáo dục của chúng ta hiện nay còn rất nhiều tồn tại. Một trong những tồn tại lớn nhất, theo tôi, đó là việc đào tạo tràn lan, chất lượng chưa đi đôi với số lượng. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như một cử nhân luật ra trường không nắm rõ tuổi được phép kết hôn được qui định trong Luật hôn nhân và gia đình là bao nhiêu.
Thực tế thì số sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường chúng ta không có việc làm ngày càng nhiều, trở thành gánh nặng cho xã hội. Xã hội chúng ta đang rất cần lao động nhưng phải là lao động có trình độ thật sự chứ không phải là lao động có bằng ĐH. Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng này là do ngành đào tạo ĐH của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng nổi nhu cầu đào tạo tay nghề có trình độ; về cả cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên.
Đồng thời nước ta hiện nay đang thiếu rất nhiều công nhân tay nghề bậc cao. Trong khi chúng ta cứ mải mê chạy theo cái danh ĐH mà nhiều bạn còn không hiểu ở đó đào tạo cái gì, không cần biết ra trường có việc làm hay không. Theo tôi, ĐH chỉ thật sự là nơi vào đời tốt khi ở đó đào tạo những con người lao động có trình độ cao.
Với chất lượng nguồn (học sinh) như hiện nay, theo tôi, chúng ta chưa thể xã hội hóa đào tạo ĐH. Và như vậy đương nhiên ĐH không phải là con đường duy nhất.
V.DŨNG
(Học viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội)
▪ Phạm vi kiến thức thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ tương đương như thi tự luận (23/09/2005)
▪ Thành lập Trường CĐ Điện lực TP.HCM (23/09/2005)
▪ 80.000 USD hỗ trợ thiết bị công nghệ cao cho trường ĐH (23/09/2005)
▪ Tráo bài thi tại Học viện Ngân hàng (23/09/2005)
▪ Lần đầu tiên, Hà Nội “chấm điểm” trường học (23/09/2005)
▪ Chưa thi đã thu học phí! (23/09/2005)
▪ Học bổng tiến sĩ vật liệu tại ĐH Công nghệ Eindhoven, Hà Lan (22/09/2005)
▪ Học bổng tiến sĩ CNTT tại ĐH Twente, Hà Lan (22/09/2005)
▪ Học bổng sau đại học tại ĐH Công Nghệ Luleå, Thụy Điển (22/09/2005)
▪ 25 học bổng sau ĐH lĩnh vực khoa học công nghệ môi trường (22/09/2005)