Tiêu chí trường ĐH “chuẩn” - vẫn còn nhiều bối rối
Các Website khác - 30/10/2007
Ảnh minh họa.

Nỗi lo này đã được ông Hùng trình bày tại hội nghị chuẩn bị triển khai cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”.

Cần phân biệt chuẩn trong các trường

Theo tiêu chí đào tạo chuẩn của Bộ GD-ĐT thì đối với người học, không đạt chuẩn là không tích hợp đủ khối lượng kiến thức tối thiểu theo yêu cầu của chương trình đào tạo, không đủ năng lực chuyên môn để hành nghề, thiếu năng động, thiếu kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu kỹ năng giao tiếp, khó thích nghi với môi trường lao động.

Còn đối với cơ sở đào tạo, không đạt chuẩn là điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, về giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, phương pháp  quản lý, đánh giá sinh viên, nghiên cứu khoa học, và các hoạt động hợp tác quốc tế... đào tạo không đúng nhu cầu xã hội.

Để đạt các tiêu chí trên, hiện các trường đại học, cao đẳng đang rất lo lắng vì làm thế nào để đạt chuẩn. Ông Nguyễn Văn Lê, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Bộ GD-ĐT giao các trường có uy tín xây dựng các chuẩn để các trường khác lấy đó làm cơ sở đào tạo. Như thế thì làm sao mà các trường theo được, mỗi trường có một đặc thù riêng chứ”.

Ngược lại với ý kiến trên, ông Phạm Ngọc Quý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, lại thắc mắc nếu để “chuẩn” do từng trường tự xác định thì mỗi trường có ngành đào tạo, cấp học khác nhau, làm sao để sinh viên ra trường bảo đảm chất lượng như nhau.

Đặc biệt, GS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐH Quốc gia đã đưa ra ý kiến đề nghị: Bộ GD-ĐT cần phải phân biệt được các “chuẩn” trong các trường, ngành học và mỗi bộ môn, là chuẩn quốc tế, khu vực hay quốc gia, từ đó mới có thể nói là có đào tạo được theo “chuẩn” hay không?

Cứng nhắc theo chương trình khung của Bộ

Vấn đề lớn tồn tại hiện nay trong giáo dục đào tạo của nước ta là sinh viên ra trường không có việc làm, làm không đúng ngành nghề, thất nghiệp… mà theo nhiều vị hiệu trưởng một phần lỗi là do phía Bộ GD-ĐT quy định khung chương trình quá cứng nhắc.

Ông Nguyễn Hiếu, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm Huế cho biết: “Bộ muốn trường đào tạo theo nhu cầu xã hội nhưng các trường vẫn phải sử dụng chương trình khung của bộ ban hành là rất khó bởi trong đó có những nội dung đã không còn cần thiết. Để đáp ứng được nhu cầu xã hội, bộ phải cho các trường tự xây dựng chương trình đào tạo”.

Ông Phạm Ngọc Quý, Hiệu phó ĐH Thủy lợi than rằng: “Với các trường thuộc quản lý của Bộ như chúng tôi thì chỉ đào tạo cán bộ cho ngành là được. Còn để đào tạo đáp ứng nhu cầu cho xã hội và các vùng miền cũng được nhưng với mức thu học phí tối đa ở các trường ĐH công lập mà Bộ GD-ĐT quy định là 180.000đ/tháng thì rất khó cho trường”.

GS.TS Mai Trọng Nhuận kiến nghị với Bộ: “Phải có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ở tầm quốc gia để các cơ sở đào tạo từ đó dựa vào, nếu để các trường tự làm sẽ thiếu chính xác. Việc dự báo nhân lực theo nhu cầu xã hội nên phân theo ngành, khối để công việc điều tra đỡ tốn kém”.

Tuy nhiên, theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long: “Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường hệ thống số liệu thống kê, dự báo, phân tích về thực trạng, nhu cầu nhân lực, ngành nghề trên cơ sở đó các trường xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho hoạt động đào tạo.

Khuyến khích các trường có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất  phục vụ đào tạo, được phối hợp với người sử dụng lao động. Thiết kế chương trình đào tạo, tạo điều kiện để tăng cường thực hành.

Các trường xây dựng đề án về giáo trình, có khảo sát cơ bản, về công tác xây dựng giáo trình của các trường, các phương pháp để bảo đảm đủ giáo trình. Tạo khung chính sách phù hợp để các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp có cam kết hoặc tham gia trực tiếp, gián tiếp vào quá trình đào tạo, huy động nguồn lực cho giáo dục”.

Hồng Hạnh