Câu hỏi to lớn quá và gãi đúng chỗ ngứa của vấn đề không phải chỉ của hiện tại mà mãi mãi của mai sau, không phải của riêng một giới nào mà của toàn xã hội. Thủ tướng Phan Văn Khải tha thiết đề cập, diễn đàn lại rộng mở và hứng thú quá, những ai quan tâm không thể lần lữa được vì đó còn là trách nhiệm, trách nhiện bức xúc của chính những người Việt Nam chúng ta ngày hôm nay.
![]() |
Vấn đề giáo dục không hôm nay thì ngày mai cũng phải được đặt ra trừ phi chúng ta bằng lòng với hiện tại và chấp nhận dậm chân tại chỗ. |
Vấn đề giáo dục không hôm nay thì ngày mai cũng phải được đặt ra trừ phi chúng ta bằng lòng với hiện tại và chấp nhận dậm chân tại chỗ. Cùng với nỗ lực của chính chúng ta, sự giúp đỡ và đóng góp của bạn bè năm châu về vật chất và kinh nghiệm là rất đáng quí, rất đáng tham khảo và trân trọng. Nói cách khác nếu chưa tranh thủ được giúp đỡ này chúng ta cũng vẫn cứ phải làm.
Để phát triển xây dựng kinh tế chúng ta đã, đang và sẽ không ngừng thay đổi lề lối suy nghĩ của mình. Để xây dựng nền giáo dục vững vàng ở gốc, lành mạnh ở ngọn chúng ta cũng không thể nào làm khác hơn được. Nghĩa là phải thay đổi cái nề nếp suy nghĩ của mình về giáo dục. Bắt nguồn từ đâu? Xin thưa đây là chỗ bắt đầu.
Tại sao tôi đẩy từ “xây dựng trường đại học” lên thành “xây dựng nền giáo dục”? Chắc có bạn cho tôi ôm đồm quá trong lúc chúng ta còn vô vàn vấn đề khác. Như chúng ta biết đại học chỉ là một khâu, dù có quan trọng đến đâu, trong nền giáo dục. Quan trọng hơn là có thể nào chỉ có một trường đại học là có một nền giáo dục được. Trong lúc điều ngược lại là tuyệt đối và không cho phép chiết khấu. Hơn ai hết Thủ tướng hiểu vấn đề này nhưng chẳng lẽ lại đề nghị đại học Harvard Mỹ xây dựng cho chúng ta một nền giáo dục Việt Nam. Người nhiễm bịnh Aids vẫn có thể đi thẩm mỹ viện sửa sắc đẹp nhưng không thể cho mình là có thân thể lành mạnh được. Phải vậy không thưa quí vị?
Đại học đẳng cấp quốc tế. Tế nhị vô cùng, không mải mai khách sáo chút nào và rất lập trường. Dù người Mỹ luôn biết và tự hào về xã hội của mình họ vẫn sung sướng đến thỏa mãn khi được nghe chính Thủ tướng VN khen kín đáo như thế. Cùng một lúc thành thật và can đảm nói hàm ý cái phẩm chất của giáo dục mình không che dấu. Tôi cho đây là một biểu hiện của thay đổi tư duy đáng quí và đáng để chúng ta noi theo.
Bây giờ hãy bàn thẳng vào vấn đề - cái gì sai trong giáo dục của chúng ta, và cái gì chúng ta phải đổi từ cái sai cũ để hy vọng sẽ có cho nền giáo dục có cả gốc lẩn ngọn?
Lề lối cổ hủ của “giáo dục tam tự kinh” đã không đáp ứng được yêu cầu của giáo dục từ khi máy nổ của Thomas Newcomen ra đời và James Watt hoàn thiện mở đầu thời kỳ cơ khí hóa. Này nhé, cơ khí hóa, thực dân hóa, điện khí hóa, điện toán hóa, tự động hóa, thông tin hóa và toàn cầu hóa. Nhiều cái hóa quá phải không. Chưa hết còn XYZ hóa của tương lai nữa. Than ôi! Nhưng biết làm thế nào khác được. Hơn ba mươi năm trước tôi nào biết mình là nạn nhân của cái giáo dục này.
&
Xin kể chuyện của bản thân tôi để góp phần làm sáng tỏ cái giáo dục tam tự kinh và cái tác hại của nó. Ông Bố thân thương của tôi dạy Pháp văn (học pháp văn thời tôi đã là không hợp thời rồi) cho tôi như thế này:
Ông ngồi cạnh sát bên tôi và bắt phải lặp đi lặp lại “la maison là cái nhà” nhiều lần khi nào thuộc thì viết xuống giấy thật ngay hàng mà ông đã kẻ. Thành thực tôi rất hãi sợ những giờ học như vậy. Khi hiểu được có cách khác học hiệu quả và thoải mái hơn nhiều tôi đã không ở gần ông nữa.
Tôi thấy tội nghiệp cho các nho sinh ngày trước nhất loạt ca mãi một điệp khúc “nhân chi sơ tánh bản thiện”. Học một cách máy móc và khuôn phép hạn hẹp không tạo ra được đức tính mà chỉ tạo ra cái sơ cứng của trí thức con người trước đức tính mình muốn đào tạo. Ông sinh ra là trưởng tộc của cả một họ lời ông phán là lịnh, bất tuân là roi vọt. Làm sao một đứa bé hơn mười tuổi như tôi mà không sợ. Đã sợ thì khả năng tiếp thu bị ức chế có lúc đến tê dại còn đâu tỉnh táo để phê phán và sáng tạo.
Đáng trách hơn các cô các chú tôi cũng tôn vinh bác trưởng của họ và còn nói: nếp của nhà họ Nguyễn là như thế một cách đầy hãnh diện. Nếu ba thế kỷ trước Newton mà có ông Bố như ông Bố tôi ngồi cạnh bên khi Newton nhìn táo rơi thì nhân loại sẽ còn điêu linh lặn ngụp lắm. Năm 1981, Bố Mẹ tôi quyết định chấp nhận cảnh nhà không vườn trống gom đủ 3 cây vàng cho tôi đi vượt biên. Phải nói là may mắn tôi đã định cư ở Úc từ năm đó. Năm 1986 Bố Mẹ và 2 người em út sang sống với tôi ở Úc. Năm ấy tôi đang vừa học năm cuối của đại học và vừa đi làm đêm. Một hôm thấy tôi tất bật với cuộc sống và việc học hành ông thốt:
- Con có buồn Bố không?
- Nhà có chuyện gì hả Bố? Tôi ngờ ngợ điều gì đang xảy ra vội hỏi.
- Không. Bố thấy con vất vả quá. Giá mà gia đình mình còn ở VN, các chị cũng đỡ đần và…
Lời ông nghẹn trong nước mắt, tôi đáp nhanh:
- Con lớn rồi. Ba mươi tuổi phải tự lập thôi Bố à.
Tôi kịp dừng lại khi vừa định thốt câu ca dao: “Đi một đàng học một sàn khôn”. Nhưng tôi vẫn sợ ông. Dĩ nhiên sợ ông buồn chứ không phải ông đánh như khi còn bé.
Thế thì đổi mới cái lề lối suy nghĩ giáo dục tam tự kinh này là gì? Là “Đừng làm cháu bé sợ”. Nền giáo dục mới phải tạo môi trường và điều kiên tốt nhất để mọi người nhất là các cháu bé biết ngạc nhiên trong cái hồn nhiên của chúng, cho phép nghi vấn những tư tưởng không thực hoặc tư tưởng mà chúng ta chưa định chứng giá trị của nó một cách khoa học, biết và dám phủ nhận những khuôn sáo dù là truyền thống để đừng ngộ nhận và phải nhất là luôn luôn khuyến khích cái đa dạng trong suy nghĩ của con người.
Chẳng phải dễ đâu, vì nếp suy nghĩ giáo dục tam tự kinh nó sống với chúng ta đã quá lâu, lâu đến ăn sâu vào nếp suy nghĩ của mình như là quán tính phản xạ vậy. Phải can đảm và kiên trì cái tinh thần làm sáng tỏ vấn đề như Nicolas Copernisus và Galieo Galilei về trái đất vuông hay tròn đế bỏ đi cái kết luận phản khoa học trái đất là trung tâm của vũ trụ của ngày nào. Chân lý không có chân đi tìm chúng ta. Ngược lại chúng ta là người cầu tiến phải kiếm tìm tiếp cận chân lý. Có được tinh thần này thì nền móng mới vững được.
Ý tôi có bấy nhiêu và đã tỏ rõ. Cuối cùng xin trích câu nói của Lương Khải Siêu để kết thúc - Ta có tai, mắt ta nghe, ta trông: ta có tâm tư, ta suy, ta nghĩ: Ta đối với người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu. Ta theo lý, nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.
Nguyễn Nam (Melbourne, Australia - Người Viễn Xứ)
Ý kiến của bạn:
▪ Hà Nội: 488,5 tỉ đồng cho cơ sở vật chất năm học mới (08/09/2005)
▪ ĐBSCL: Thầy sai chính tả, lớp trống bốn bề (08/09/2005)
▪ Hà Nội: Trường THPT dân lập đầu tiên đạt chuẩn quốc gia (08/09/2005)
▪ Bỉ dành 75 học bổng cho SV Việt Nam (08/09/2005)
▪ ĐH Monash, Úc cấp học bổng ngành giáo dục (07/09/2005)
▪ Học bổng 25-50% Trường Abbey Colleges (Anh) (07/09/2005)
▪ Gia Lai - Kontum: xét tuyển 150 chỉ tiêu vào ĐH Nông lâm TP.HCM (08/09/2005)
▪ Ninh Thuận: Tuyển dụng giáo viên cũng có chỉ tiêu… "ngầm" !? (08/09/2005)
▪ T.HCM: học sinh tiểu học không còn phải dự các kỳ thi cấp thành phố (08/09/2005)
▪ Các trường đại học, cao đẳng dân lập: Đìu hiu nguyện vọng 2! (08/09/2005)