24 triệu USD đổi lấy những bất cập
Các Website khác - 14/10/2005
Dự án tăng cường năng lực giao thông giai đoạn 1 tại Hà Nội:
24 triệu USD đổi lấy những bất cập

Những dải phân cách cứng mà Ban quản lý dự án giao thông đô thị (GTĐT) Hà Nội dựng lên tại nhiều tuyến phố nhằm cưỡng bức người tham gia giao thông đã bộc lộ rõ sự bất cập. Vậy mà, những thiết kế ấy lại phải sử dụng khoản vốn vay của Ngân hàng Thế giới tới hàng chục triệu USD.

Xe môtô CS "tí hon".
Mất tiền tỉ cho sự bất cập

Năm 2003, tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông, người tham gia giao thông bất ngờ phải chấp hành việc cưỡng bức đi lại của Sở GTCC Hà Nội khi chia nhỏ ngã năm này thành những... "vườn hoa". Điều này dẫn tới hàng loạt vụ TNGT.

Tiếp đến, tuyến đường Cát Linh vốn khá thông thoáng lại được Sở GTCC HN xây dựng dải phân cách hình giọt nước tại đầu đường Cát Linh - Tôn Đức Thắng. Ngay sau đó, Báo Lao Động đã có bài viết về vấn đề này (đoạt giải C do UBATGT quốc gia tổ chức).

Sự tuỳ tiện, thiếu khoa học này đã dẫn đến những vụ TNGT nghiêm trọng. Tại nút Tây Sơn - Thái Hà và Tây Sơn - Thái Thịnh, ngay sau khi dự án triển khai, Sở GTCC cũng đã dựng lên khá nhiều dải phân cách (đặt nhiều chậu hoa) tại đầu đường Thái Thịnh, Tây Sơn, nhưng chỉ vài tuần sử dụng lại bộc lộ bất cập và đều được "xoá sạch" chỉ sau một đêm...

Dự án còn có hạng mục thảm bêtông đỏ 2 bên đường nhiều phố như Quang Trung, Tràng Thi, Trần Nhân Tông...

Theo chủ đầu tư là BQL dự án GTĐT HN, thảm bêtông màu phục vụ xe thô sơ. Tuy nhiên, mỗi mét vuông bêtông màu có giá đắt gấp 2 - 3 lần so với nhựa asphalt bình thường. Sau vài trận mưa thì hai màu bêtông đen, đỏ đã gần giống nhau...

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản gửi Sở GTCC HN và chủ đầu tư, nêu rõ: "Vì là đường nội đô nên đồng nhất kết cấu làn xe cơ giới và thô sơ, với kết cấu làn thô sơ làm mới dày 3cm và lớp bêtông đỏ rải trực tiếp trên lớp cấp phối đá dăm rất dễ bị bong, bật". Bộ GTVT cũng khuyên: Nên chọn thảm bêtông asphalt dày 5 hoặc 7cm.

Đèn, xe môtô cảnh sát không đúng chủng loại
Vừa qua, Sở GTCC Hà Nội đã có cuộc họp khẩn kiểm điểm tiến độ thi công gói thầu đèn tín hiệu giao thông của dự án này. Giám đốc Sở GTCC đã có kết luận: BQL dự án GTĐT đã không báo cáo UBND TP và Sở GTCC HN về việc nhà thầu ngừng thi công hệ thống đèn. Việc không báo cáo này chắc chắn là có nguyên nhân và càng thể hiện sự không minh bạch của chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà thầu Tyco ngừng không thi công hệ thống đèn tín hiệu giao thông vì BQL dự án GTĐT thanh toán chậm các thủ tục hành chính cần trợ giúp. Ngoài ra, hệ thống đèn này sau khi đưa vào sử dụng cũng lại bộc lộ những bất cập, như treo quá cao khiến người tham gia giao thông phải ngửa cổ mới thấy...

Về 20 xe môtô CS đặc chủng lại càng "có vấn đề". Sau thời gian khá dài nằm "đắp chiếu" tại đội CSGT số 8, thì từ 1.10 những chiếc xe Rebel 250 này đã... ra đường. Những chiếc xe này có giá thành hơn 7.000USD/chiếc, nhưng không hiểu sao BQL dự án GTĐT vẫn tham mưu cho UBND TP duyệt nhập.

Sau gần nửa tháng đưa số xe này vào sử dụng, nhiều CSGT đều có chung nhận xét, xe quá thấp gây đau lưng cho người sử dụng và không đúng chủng loại xe cảnh sát.

Ngày 13.10, chúng tôi đã thị sát những chiếc xe này và thấy toàn bộ xe đã bị thay đổi màu sơn (từ đen sang trắng), gắn thêm các dụng cụ như còi ủ, hộp sườn nhưng những chiếc còi ủ đều không thể hoạt động. Đặc biệt tại bình xăng, những đường viền, thậm chí cả chữ Rebel 250 cũng dán bằng đềcan. Và ai đảm bảo dung tích những chiếc xe "tí hon" này đúng là 250cm3?

Theo nguồn tin riêng của Lao Động, 20 xe môtô trên được sản xuất tại Nhật Bản nhưng lại nhập qua Mỹ, dung tích xilanh xe là 234m3.

Với kiểu vay tiền sử dụng không khoa học, gây lãng phí này thì giao thông HN rồi sẽ đi về đâu? Số tiền quá lớn sử dụng không hiệu quả này, ai phải chịu trách nhiệm? Rất cần Thanh tra Chính phủ, UBND TPHN kiểm tra. Nhóm PV ban Bạn đọc