Vẫn dựa dẫm Nhà nước kiếm chác
Các Website khác - 14/10/2005
Cổ phần hoá Doanh nghiệp nhà nước tại Nam Định:
Bài 1: Vẫn dựa dẫm Nhà nước kiếm chác
Đỗ Văn


Những bức xúc về quyền lợi của người LĐ và khách hàng của Cty kinh doanh và phát triển nhà ở (KDPTN) Nam Định đã hé lộ nguyên nhân, tại sao phương án CPH Cty đã bị ông Trần Đức Nam - GĐ, Uỷ viên Ban chỉ đạo CPH Cty xé bỏ vào phút chót (xem "Chuyện kỳ lạ ở Nam Định: "Bão" đánh tan cổ phần hoá" - số 278/2005 ra ngày 8.10.2005).

Nếu chậm CPH...
Trong cuộc họp CBCNV chiều 4.10 tại trụ sở Cty KDPTN Nam Định, do Giám đốc Trần Đức Nam tổ chức, về việc thay đổi phương án CPH, nhiều người LĐ đã cảnh báo: Nghị định 41/CP về chính sách đối với người LĐ dôi dư chỉ còn hiệu lực đến ngày 31.12.2005.

Lo lắng của người LĐ trong Cty không chỉ dừng lại ở đó; trong tổng số nợ thực tế phải trả trên 33,4 tỉ đồng của Cty KDPTN Nam Định, có đến trên 1 tỉ đồng tiền lương, hao mòn phương tiện, cơm công nhân; tiền chia quỹ phúc lợi 234 triệu đồng - để người LĐ mua cổ phần ưu đãi - cũng bị chiếm dụng nốt. Và như vậy, người LĐ chỉ có thể mua cổ phần "treo" kiểu ghi sổ, còn giám đốc hứa sẽ tìm nguồn trả sau.

Tuy lo lắng như vậy, nhưng khi Giám đốc Trần Đức Nam yêu cầu biểu quyết lấy ý kiến đề nghị tỉnh cho phép giữ lại 30% vốn nhà nước (thay vì bán 100% như phương án đã duyệt) và nâng vốn điều lệ từ 3,079 tỉ lên 5 tỉ đồng, thì có đến 39 người giơ tay đồng ý, trên tổng số 41 CBCNV dự họp.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, đến giờ lãnh đạo tỉnh Nam Định vẫn khẳng định chưa hề có quyết định thay đổi phương án CPH của Cty KDPTN Nam Định. Vậy câu hỏi của các nhà đầu tư: "Bao giờ Cty sẽ tổ chức bán đấu giá như đã thông báo?" vẫn chưa có câu trả lời (!?).

Khách hàng lên tiếng
Sau khi nắm được thông tin Cty KDPTN Nam Định CPH, các ông Phạm Trường và Phạm Hồng Thanh - ở khu Sau La (Cửa Bắc, TP. Nam Định) đã gửi đơn đến Toà soạn Báo LĐ, đề nghị được bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng.

Đơn của các ông Trường và Thanh viết: "Ông Trần Đức Nam được Cty KDPTN Nam Định giao cho xây dựng cụm nhà ở Sau La để bán cho dân. Là những người có nhu cầu cấp thiết về nhà ở và tin tưởng vào Cty, chúng tôi đã giao tiền mặt cho ông Nam (chỉ viết giấy biên nhận), với lời hứa sẽ nhanh chóng xây dựng nhà cho chúng tôi theo thiết kế đã được duyệt.

Thế nhưng sau khi nhận tiền, ông Nam chỉ thi công lấy lệ, kéo dài thời gian và tiếp tục thúc ép nộp thêm tiền. Quá bức xúc về nhà ở và thấy sự không minh bạch, nên chúng tôi yêu cầu phải có hợp đồng hợp pháp của Cty cho chúng tôi".

Theo những chứng cứ mà ông Trường và ông Thanh cung cấp, ông Trần Đức Nam - khi đó là đội trưởng xây dựng - đã nhận tiền của khách hàng chỉ bằng biên nhận viết tay. Có giấy biên nhận tiền của khách hàng từ ngày 27.12.2003, nhưng mãi gần nửa năm sau mới có phiếu thu và hợp đồng mua bán nhà ở của Cty.

Trao đổi với PV chiều 11.10, ông Thanh cho biết: "Ông Nam chỉ nộp tiền lấy lệ về Cty, số tiền còn lại hàng trăm triệu đồng, ông Nam vẫn không hề có chứng từ hợp pháp cho chúng tôi. Đến nay cũng không biết đến bao giờ, chúng tôi mới được quyền sở hữu ngôi nhà của mình".

Ngay cả số tiền sử dụng đất khu Sau La mà Cty KDPTN Nam Định phải trả cho Kho bạc Nhà nước là trên 3,963 tỉ đồng cũng bị chiếm dụng (tính đến thời điểm 31.12.2004). Chính với kiểu làm ăn khuất tất như vậy, việc Giám đốc Trần Đức Nam mượn "bão" để thay đổi phương án CPH khi thấy rằng quyền lãnh đạo Cty của mình bị đe doạ là một điều dễ hiểu.

Bài 2: Con tàu đang chìm!