Aseantex 2005 - cầu nối với lục địa đen
Các Website khác - 12/08/2005
Hàng thủ công mỹ nghệ là thị trường lớn của Nam Phi.

Lần đầu tiên hội chợ Aseantex 2005 được tổ chức tại Nam Phi như một sáng kiến tự giới thiệu và tìm kiếm thị trường tiềm năng của 10 nước ASEAN. Hội chợ diễn ra tại Trung tâm hội chợ và hội nghị quốc tế (NASREC), thành phố Johannesburg từ ngày 10 đến 13/11.

Hội chợ Aseantex 2005 có sự bảo trợ của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các ban ngành khác của Nam Phi. Ông Zane Dawood, Tổng giám đốc Công ty Global Exhibitions (Nam Phi), đơn vị tổ chức hội chợ nói: "Đây là hội chợ dành riêng cho 10 nước Đông Nam Á, giới thiệu tiềm năng kinh tế thương mại, văn hóa và du lịch của các nước khu vực Asean; cũng như dịp tìm hiểu thị trường đối với doanh nghiệp Châu Phi". Cũng theo ông Zane Dawood, hiện đã có khoảng 100 doanh nghiệp các nước Philippin, Malaysia, Singapore, Thái Lan đăng ký tham gia Aseantex 2005, bao gồm các lĩnh vực: dệt may, nông sản thực phẩm, thủy sản, gia vị, đồ hộp, dược phẩm, thiết bị y tế, hàng gia dụng, thiết bị điện, phần mềm máy tính...

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia sự kiện này. VCCI đang làm tờ trình xin phép Chính phủ tổ chức Ngày Việt Nam trong khuôn khổ Aseantex 2005 nhằm giới thiệu những hình ảnh về đất nước, con người văn hóa ẩm thực và du lịch Việt Nam tại Nam Phi. Song song đó, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nam Phi cũng được tổ chức để giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và mở cửa Cổng thương mại điện tử Việt Nam - châu Phi ngay tại hội chợ.

Theo đánh giá của VCCI, châu Phi trong đó có Nam Phi là thị trường có sức mua lớn và không khắt khe về chất lượng, mẫu mã như các thị trường EU, Mỹ, Nhật. Có thể nói đây là thị trường khá lý tưởng cho các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như dệt may, gạo, lương thực, thủy sản, cà phê, cao su, dược phẩm, xe máy...

Năm 2004, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nam Phi đạt 41,97 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu 39,42 tỷ USD, chủ yếu là nhập máy móc thiết bị, hóa chất và sản phẩm dầu mỏ, thiết bị khoa học, thực phẩm. Số liệu do ông Calvin Tshidavhu, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam cung cấp. Ông Bí thư cũng cho biết, các lĩnh vực mà Nam Phi đang cần hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam là nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, chế tạo cơ khí và nhập khẩu các sản phẩm dệt may, giày dép, cơ khí điện và điện tử.

Trong khi đó, thống kê của VCCI cho thấy, Nam Phi đang là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở châu Phi. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Nam Phi tăng nhanh từ 1,2 triệu USD năm 1992 lên tới 55,5 triệu USD năm 2004. Hiện gạo là mặt hàng thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn nhất, đến 50-60% giá trị xuất khẩu vào Nam Phi. Về nhập khẩu từ Nam Phi, trong 3 năm 2002-2004, kim ngạch tăng đột biến, chủ yếu do tăng kim ngạch nhập khẩu hai mặt hàng thép và sản phẩm thép (chiếm hơn 90% kim ngạch nhập khẩu).

Phan Anh