Tôm rớt giá, không chỉ người nuôi điêu đứng...
Các Website khác - 12/08/2005
Đồng bằng sông Cửu Long:
Tôm rớt giá, không chỉ người nuôi điêu đứng...
Thanh Nguyên - Cao Long

Người nuôi tôm ĐBSCL
lao đao vì tôm sú rớt giá
thảm hại.

Hai tuần qua, giá con tôm sú lên xuống thất thường khiến nhà nông đau đầu. Đầu tuần trước, giá tôm xuống mức 85.000 đến 90.000đ/kg cho tôm loại 30 con/kg. Đến cuối tuần, nhiều chủ vuông tôm ở Sóc Trăng chỉ bán được có 81.000 đồng/kg cho tôm sú loại 1. Còn tôm sú loại 31 đến 33 con/kg chỉ ở mức 68.000 đồng. Trung bình 1kg tôm sú đã sụt từ 20.000 đến 25.000 đồng so với đầu vụ. Không chỉ riêng người nuôi tôm điêu đứng, trước diễn biến bất thường này, cả doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, hệ thống tín dụng, các hiệp hội, chính quyền địa phương,... cũng đứng ngồi không yên.

Thảm kịch rớt giá
Thành viên trong Hiệp hội Nuôi tôm sú Mỹ Thanh cũng đã chạy nhiều mối nhưng đều lắc đầu: "Giá tôm sú xuống đều trời... bán ở đâu cũng vậy". Với năng suất trung bình 2 tấn/ha cho các ao tôm công nghiệp nuôi thâm canh của các hội viên hiệp hội, chí ít, một ao tôm tiêu chuẩn 4.000m2, người nuôi cũng đã "mất đứt" từ 30 đến 40 triệu đồng.

Những nơi nuôi công nghiệp quy mô lớn, năng suất cao còn kéo được phần nào trước tình hình rớt giá, còn phần lớn những người nuôi tôm sú quảng canh, hoặc quảng canh cải tiến ở vùng duyên hải Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... kiểu rớt giá thảm hại như hiện nay là đại hoạ, bởi năng suất thực tế chỉ dừng lại ở mức trên dưới 500kg/ha và cỡ tôm chỉ ở mức loại 2, loại 3...

Anh Thạch Phone - một công chức có 3 ao tôm ở ấp Tổng Cáng, xã Trung Bình, huyện Long Phú - cả tuần nay như người mất hồn vì chết 2 ao tôm nuôi đã được 4 tháng, rồi cộng thêm vụ giá cả rớt. Ao tôm còn lại dù đạt về số đầu con, nhưng lại "rớt cỡ" chủ yếu 34-40 con/kg hoặc 40-100 con/kg. Nếu tính theo các mẫu tôm chài thử thì số tôm loại này chiếm đến trên 75% số tôm trong ao.

Anh than thở: "Cho dù có thu được 1 tấn tôm sú cũng không đủ chi phí cải tạo 3 ao tôm cho vụ nuôi tới, đó là chưa tính tiền thức ăn và thuốc cho tôm cho vụ này mất trắng".

Ông Huỳnh Tín Nhiệm - Bí thư xã Hoà Tú 1, một xã nổi tiếng trong nghề nuôi tôm sú ở huyện Mỹ Xuyên - thở dài: "Tổng số tiền mà người nuôi tôm sú ở Hoà Tú 1 này nợ ngân hàng nông nghiệp để đầu tư cho con tôm sú là trên 35 tỉ đồng. Cho dù có trúng mùa thì cũng chỉ đủ chi phí cải tạo ao nuôi và... trả nợ lãi cho ngân hàng".

"Dư chấn" của vụ kiện tôm
Theo giới am hiểu, xảy ra sự cố rớt giá này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là từ "dư chấn" của vụ kiện phá giá tôm từ phía Mỹ. Sau khi có quyết định về mức áp thuế đối với con tôm Việt Nam, các lô hàng tôm xuất qua thị trường Mỹ đối với những doanh nghiệp nằm trong vụ kiện đều phải tuân thủ quy định đặt cọc một khoản tiền tương ứng với mức thuế ban đầu trong lúc chờ xem xét vụ kiện. Đây là khoản tiền không nhỏ nên các doanh nghiệp ngán ngại.

Ông Nguyễn Văn Kịch - Chủ tịch Uỷ ban Tôm Việt Nam - cho biết, nếu so với cùng kỳ, sản lượng tôm xuất qua thị trường Mỹ sụt giảm 30%. Mặc dù các doanh nghiệp cũng đã mở rộng, nâng mức xuất khẩu tôm qua thị trường Châu Âu cao hơn, nhưng trong thời gian ngắn, không thể bù đắp nổi khoản thiếu hụt từ thị trường Mỹ. Riêng thị trường Nhật Bản, cũng là thị trường lớn của con tôm Việt Nam, nhưng ngay thời điểm thắt ngặt này, các đại gia bên xứ sở mặt trời ấy cũng muốn treo lơ lửng để chờ hưởng lợi từ cơn lốc tụt giá ở Việt Nam.

Thị trường bên ngoài đã vậy, bên trong gặp phải sự cố thu hoạch dồn muộn màng đã dẫn đến tình trạng tập trung dư thừa với số lượng tôm quá cao. Trước đây, thu hoạch rải đều từ tháng 6, nhưng do đầu vụ xảy ra nạn tôm chết, nông dân phải nuôi bù khiến thời vụ kéo dài, dẫn đến tình trạng thu hoạch dồn vào tháng 8 và có thể leo qua hết tháng 9.

Tôm nguyên liệu ứ thừa, thị trường bên ngoài không suôn sẻ... các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm hoạt động cầm chừng. Có nơi, mỗi ngày chỉ mua vào bằng 10% sản lượng trước đây. Không bán được tôm, nông dân sốt ruột lại đẩy giá xuống...

Ngay tại thời điểm này, vẫn chưa có thể đưa ra một dự báo cụ thể và chính xác về điểm dừng của thảm kịch tụt giá tôm. Nhưng điều có thể xảy ra: Nông dân sẽ phải làm cật lực đến hết năm tới mới có thể bù đủ phần thua lỗ của năm nay. Và chắc chắn rằng, việc thu nợ đầu tư nuôi tôm của hệ thống tín dụng sẽ gặp nhiều khó khăn.