Bỏ phố về đồng làm giàu
Thanh Niên - 07/11/2016
Đang có một cơ sở in tại trung tâm TP.Cần Thơ, ông Võ Văn Trưng bỏ về quê ở ấp Tân Long B, xã Bình Thành (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) đầu tư tiền tỉ xây nhà kính trồng dưa, khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Đến trang trại dưa của ông Trưng, ai cũng giật mình vì sự “chịu chơi” của chủ nhân khi dám bỏ ra 1,5 tỉ đồng đầu tư 2 nhà kính rộng gần 5.000 m2 giữa bốn bề ruộng lúa bạt ngàn. Bước vào bên trong, khách càng ngỡ ngàng hơn trước khung cảnh những trái dưa lưới, dưa lê to tròn treo lủng lẳng trên dây. Ông Trưng kể ông có cơ sở in gia công ở Cần Thơ, chuyên nhận đặt in thiệp, làm khung tranh... “Giàu thì không giàu nhưng cũng đủ đảm bảo cho gia đình có cuộc sống tiện nghi, nhàn hạ. Vậy mà không hiểu sao, mỗi khi đọc báo, xem ti vi thấy giới thiệu các mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao là tôi lại... mê mẩn. Lúc đầu tôi rất mê mô hình trồng cà chua, dưa leo... nhưng cuối cùng lại chọn trồng dưa lưới, dưa lê trong nhà kính, bởi nhu cầu thị trường đối với 2 mặt hàng này rất lớn, giá bán cao”, ông Trưng nói.
Tháng 6.2015, ông Trưng quyết định thuê người bơm cát vào khu đất của gia đình và tiến hành lắp ráp nhà kính đầu tiên rộng hơn 2.000 m2, với chi phí 700 triệu đồng. Chỉ mấy tháng sau, dưa ra trái đẹp, bán giá cao. Đến nay, ông Trưng thu hoạch 3 vụ dưa, bình quân mỗi vụ lãi 140 - 150 triệu đồng. Dưa trồng ra được các đầu mối từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai thu mua toàn bộ với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg. Từ thành công bước đầu, ông Trưng quyết định tiếp tục đầu tư khoảng 800 triệu đồng làm thêm một khu nhà kính thứ hai rộng khoảng 2.700 m2.
Trang trại công nghệ cao
Bây giờ, có thể nói khu nhà kính trồng dưa của ông Trưng là mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao bề thế đầu tiên ở Hậu Giang.
Để chuẩn bị “hành trang” về quê trồng dưa theo mô hình công nghệ cao, ông Trưng kể phải mất khá nhiều thời gian học hỏi, cả lên mạng internet tìm hiểu. Cuối cùng ông cũng biết cách xây dựng nhà kính, cách tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel do Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM chuyển giao. Kỹ thuật tưới này giúp quản lý chặt chẽ lượng nước tưới cho cây, quy trình được lập trình sẵn với chu kỳ 10 lần/ngày và mỗi lần tưới 2 phút. Mô hình tiết kiệm tới 80% lượng nước so với cách tưới thông thường.
Sau khi có công nghệ phù hợp, việc lựa chọn giống cũng không phải dễ, bởi nó quyết định đến việc thành, bại của quá trình trồng trọt. Để có nguồn đảm bảo, ông Trưng liên hệ với các đơn vị có uy tín mua giống nhập về từ Nhật Bản, Hà Lan. “Khi trồng trong nhà kính thì tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu. Dây dưa được trồng trong bọc ni lông chứa mụn dừa, tro trấu trộn theo tỷ lệ thích hợp. Đây là những thứ có sẵn ngoài thị trường, giá cũng khá rẻ. Còn dinh dưỡng cho cây thì pha luôn vô nước theo công thức thích hợp nên không tốn công chăm sóc nhiều. Trong quá trình làm phải rút kinh nghiệm để chăm sóc cho dây dưa phát triển tốt, đặc biệt là đến giai đoạn nào thì treo lên”, ông Trưng nói.
Theo ông Trưng, trồng dưa trong nhà kính vừa giúp che mưa, ngăn côn trùng, giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dư thừa phân bón trong trái, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao. “Tuy nhiên, cần đảm bảo khâu vệ sinh trong quá trình cắt tỉa để tránh nấm bệnh lây lan. Đồng thời phải cắt tỉa theo định kỳ để dây dưa to khỏe, cho trái nặng từ 1,6 - 2 kg”, ông Trưng nói. Tuy dưa lưới là loại cây trồng còn mới tại địa phương nhưng dưa trồng ở đây có chất lượng tốt, trên 90% trái đạt loại 1, tỷ lệ hao hụt chưa tới 3%. Mặt khác, do thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn nên có thể trồng được 3 - 4 vụ/năm. Ông Trưng đánh giá, nhu cầu thị trường sẽ ổn định khoảng 10 năm nữa, nhất là trồng dưa sạch theo công nghệ cao nên ai có nhu cầu, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.