Cần xác định đúng mục tiêu thoát nguy cơ tụt hậu
Các Website khác - 27/02/2006

Theo tôi, việc Đảng xác định thách thức lớn nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về trình độ phát triển kinh tế có lẽ chỉ mới là đúng nhưng chưa cụ thể, chưa phản ánh sát thực trong tương quan so sánh với mặt bằng trình độ phát triển chung của khu vực và thế giới đương đại mà trước hết ta phải phấn đấu vươn tới.

Ở phần III, mục 1 dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng ta đã nêu rõ: Những kết quả, thành tựu phát triển khả quan mà Việt Nam đã đạt được trong 20 năm đổi mới vừa qua (1986-2006) khiến cho thế và lực nước ta lớn mạnh hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã nhấn mạnh: Nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, không thể coi thường bất cứ thách thức nào.

Đó là các thách thức lớn sau: Kinh tế vẫn còn trong tình trạng kém phát triển, nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại; Trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp; Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống gắn liền với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang rất nghiêm trọng; Những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH vẫn chưa được khắc phục; Các thế lực thù địch âm mưu “diễn biến hòa bình” gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ” “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta; An ninh trật tự và an toàn xã hội ở một số vùng và địa phương chưa bảo đảm vững chắc.

Tôi hoàn toàn nhất trí với việc Đảng ta đã nhận định là nước ta vẫn đang đứng trước các thách thức lớn trên đây. Tuy dự thảo báo cáo chính trị không nêu rõ thách thức nào là lớn nhất, song từ cách sắp đặt trình tự các vấn đề như vậy có thể hiểu rằng thách thức lớn nhất cho đến nay vẫn là nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều nước về trình độ phát triển kinh tế. Có vượt qua được thách thức lớn nhất này mới có thể từ đó tạo ra sức mạnh vật chất cần thiết, tiền đề cho sự vượt qua các thách thức lớn khác, bởi vì suy đến cùng kinh tế vẫn luôn là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của chính trị, xã hội...

Tuy nhiên, theo tôi, việc xác định thách thức lớn nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về trình độ phát triển kinh tế như vậy có lẽ chỉ mới là đúng nhưng chưa cụ thể, chưa phản ánh sát thực trong tương quan so sánh với mặt bằng trình độ phát triển chung của khu vực và thế giới đương đại mà trước hết ta phải phấn đấu vươn tới. Như đã biết, “khu vực” và “thế giới” là hai khái niệm chung, trừu tượng, quá rộng. Chẳng hạn riêng về các “khu vực” hàm chứa Việt Nam, ta có thể hiểu đó là Đông Nam Á, Đông Á, châu Á, hay châu Á - Thái Bình Dương... Vì thế, nếu so sánh trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam với nhiều nước trong khu vực và thế giới một cách chung chung như dự thảo đã nêu thì rất khó xác định được mục tiêu cụ thể có tính khả thi để phấn đấu đạt bằng được dẫn đến có thể sự so sánh đó chỉ là hình thức chủ nghĩa, phi thực tế.

Vì thế, theo tôi ngoài sự diễn đạt chung như trên để đặt ra mục tiêu phấn đấu lâu dài, có lẽ cần có cả so sánh cụ thể đối với trực tiếp một số nước ASEAN có nhiều tương đồng về vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... mà hiện nay tuy ta vẫn thua kém họ nhưng xét về tương lai gần ta có thể đuổi kịp và vượt họ một cách khả thi hơn.

So sánh như vậy để coi đó là mục tiêu phấn đấu trước mắt sẽ tạo ra động lực phấn đấu thực tế hơn và tránh bị rơi vào “không tưởng” ít nhất từ nay đến năm 2050 nếu như ai đó vẫn có “kỳ vọng” phấn đấu thoát khỏi nguy cơ tụt hậu so với một số cường quốc như: Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức... đã nêu trên.

Từ đó theo tôi, dự thảo Báo cáo chính trị nên có sửa đổi, bổ sung thêm một số từ cụ thể như sau:

- Nguyên văn trong dự thảo: “Kinh tế vẫn trong tình trạng kém phát triển, nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại”.

Đề nghị sửa là: “Kinh tế vẫn trong tình trạng kém phát triển, nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực, trên thế giới vẫn tồn tại, mà trước hết là so với một số nước ASEAN”.

Nếu sửa lại như vậy sẽ giúp cho ta sau khi xác định được mục tiêu trước mắt là cần phấn đấu thoát nhanh khỏi nguy cơ tụt hậu so với một số nước ASEAN (như Thái Lan, Malaysia, Singapore... Qua đó, có thể đề ra được các giải pháp khả thi để thực hiện được mục tiêu đó, tạo đà đưa nước ta sớm thoát khỏi nguy cơ tụt hậu so với mặt bằng trình độ phát triển chung của khu vực Đông Á và thế giới, trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 như Dự thảo Báo cáo chính trị đã đề ra. Riêng với mục tiêu phấn đấu lâu dài, để thoát hẳn khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn so với một số cường quốc công nghiệp như đã nêu trên theo tôi cần phải tính toán kỹ hơn trong một chiến lược phát triển lâu dài của đất nước từ nay đến chí ít là năm 2050.

Nếu so với Thái Lan, xin được trích dẫn một đoạn văn của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Tôi muốn minh họa bằng một ví dụ: Thu nhập bình quân đầu người của nước ta khoảng 450 USD, với mức tăng trưởng GDP năm 2002 là 7,2% chia đều cho mỗi người, mỗi người sẽ được thêm 32 USD. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan là 2.200 USD, với mức tăng trưởng của Thái Lan năm 2002 là 4,8%, mỗi người dân Thái Lan sẽ được thêm 132 USD. Như vậy dù tốc độ tăng trưởng của ta hơn Thái Lan đến khoảng gần 50% năm 2002, bình quân người dân Thái Lan vẫn “giàu” thêm hơn ta gấp 3 lần”.

Rõ ràng là ta thấy hệ số so sánh có xu thế tăng lên, cũng có nghĩa là mức tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với Thái Lan cũng ngày càng nặng nề hơn và mức tụt hậu của Việt Nam so với Thái Lan còn xa hơn so với Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề nguy cơ tụt hậu trên đây cũng cần phải kể đến một yếu kém của Việt Nam hiện nay, đó là năng lực cạnh tranh của chúng ta còn thấp, chậm được cải thiện. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xét về các chỉ số cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam là nước có sức cạnh tranh yếu xếp thứ 48/53 nước được xem xét năm 1999, 60/75 nước năm 2001 và 65/80 năm 2002.

Chúng ta đang mong muốn vào WTO vì vào được tổ chức thương mại tự do lớn nhất thế giới đó sẽ có nhiều thuận lợi trong liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt là về thương mại và đầu tư, nhưng nếu chúng ta không nỗ lực phấn đấu nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, của nền kinh tế Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, phải trả giá đắt cho sự yếu kém, thua thiệt.

Tóm lại, rõ ràng là nếu chúng ta không nhanh chóng có các giải pháp nỗ lực khắc phục thì chắc chắn nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực Đông Á, trên thế giới, mà trước hết là với một số nước ASEAN vẫn còn nguyên đó. Chính vì thế, việc xác định đúng mục tiêu phấn đấu thoát khỏi nguy cơ tụt hậu càng là một việc làm đòi hỏi có suy nghĩ, tính toán hết sức khoa học, phải căn cứ vào thực lực của Việt Nam kết hợp với phát huy có hiệu quả cao nhất những yếu tố tác động tích cực của khách quan môi trường quốc tế, và kể cả không quên lường trước để đề phòng những diễn biến tiêu cực có thể xảy ra trên đường phát triển.

TS Kinh tế học Trần Anh Phương (Theo Hà Nội Mới)

Độc giả gửi góp ý cho Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội X của Đảng tại đây.