Chỉ số giá vẫn trong tầm kiểm soát
Các Website khác - 11/08/2005

Lo ngại trước tốc độ tăng giá, Bộ Tài chính tiến hành thanh tra giá hàng hóa dịch vụ trên cả nước. Kết quả khảo sát được công bố sáng nay, giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu vẫn giữ ở mức ổn định cho phép các nhà hoạch định chính sách tin tưởng vào mục tiêu CPI 6,5% cho cả năm.

dfgfghgf
Ngành vận tải chịu tác động bởi giá xăng dầu.

Khi quyết định điều chỉnh giá xăng dầu hồi đầu tháng 3, một số ngành như vận tải, vật liệu xây dựng, một số hàng tiêu dùng, thực phẩm đã chịu tác động đáng kể. Chẳng hạn, trong tháng 7, chi phí sản xuất của ngành giấy bị đội lên khoảng 23,52 tỷ đồng, ngành than tăng 102,8 tỷ đồng, ngành điện 209,5 tỷ đồng (tăng giá thành 1,24%), ngành thép tăng 0,6% giá thành, ngành xi măng 61,4 tỷ đồng, vận tải đường sông 3,5%, ôtô 5,7% và đường sắt tăng khoảng 3,89%.

Tuy nhiên, theo Cục quản lý giá Bộ Tài chính, đến thời điểm này các ngành chỉ giảm lãi chứ không tăng giá bán. Bên cạnh đó, các loại hàng hóa dịch vụ khác vẫn tương đối bình ổn, không có hiện tượng tăng giá dây chuyền mạnh như những lần điều chỉnh trước đây. "Riêng vận tải, ngành chịu tác động nhiều bởi giá xăng dầu, đến nay mới chỉ có phương tiện taxi TP HCM là tăng khoảng 500 đồng/km, cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý. Còn các phương tiện khác đang trong giai đoạn tính toán tác động để có biện pháp xử lý phù hợp, chứ chưa tăng giá", Phó cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết.

7 tháng đầu năm nay, chỉ số giá cả tăng 5,6%. So với mục tiêu 6,5% mà Quốc hội đề ra cho mức tăng giá cả năm, chỉ còn 0,9% cho 5 tháng còn lại. Nhiều ý kiến cho rằng, với khoảng cách hẹp này, dường như cột mốc 6,5% như rất khó đứng vững. Ngay cả những chuyên gia kinh tế thận trọng cũng nhận định rằng giữ được mục tiêu chỉ số giá là một công việc vô cùng khó khăn. Lý do, theo họ, càng gần đến Tết Dương lịch, giá các loại hàng hóa càng tăng, đặc biệt lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Thỏa cho rằng giá cả chịu tác động nhiều bởi cân đối cung cầu, và với những biện pháp quyết liệt như hiện nay thì khả năng thiếu nguồn cung ứng khó có thể xảy ra. Theo báo cáo từ trên 20 địa phương vừa gửi về, những ngày đầu tháng 8, hầu hết giá các mặt hàng thiết yếu vẫn giữ ở mức ổn định. Tại các tỉnh phía Bắc, giá các loại lương thực, thực phẩm như gạo, thịt lợn, tôm, cua, cá... nhìn chung vẫn ổn định, thậm chí có nơi giảm. Riêng tại TP HCM, cá thu tăng khoảng 5.000 đồng/kg, ngoài ra, các loại tôm tăng nhẹ do tình hình xuất khẩu đã khả quan hơn.

Chỉ số giá cả chịu tác động rất lớn bởi các nhân tố khách quan bên ngoài như giá xăng dầu, sắt thép, phân bón, hạt nhựa… Hiện nay, giá dầu đang ở mức trên 64 USD/thùng, và cho dù Chính phủ đang nỗ lực bù đắp cho xăng dầu bán lẻ, điều chỉnh thuế suất nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào, không chấp nhận tăng giá điện, vé máy bay… thì chỉ số giá cả vẫn là một cuộc rượt đuổi đối với những người làm công tác "nhốt giá".

Bản thân Phó Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa cũng thừa nhận, giữ chỉ số giá trong bối cảnh hiện nay không phải chuyện đơn giản. "Song khó cũng phải làm. Bằng những biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, cắt giảm chi phí... tôi tin khả năng đạt được CPI 6,5% mà Quốc hội đề ra là hoàn toàn có thể được", ông nói.

Nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá, Bộ Tài chính đang thực hiện các biện pháp quyết liệt như cắt giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu các địa phương bằng mọi cách phải có các biện pháp khẩn cấp bình ổn giá, loại bỏ các chi phí không cần thiết... nhằm đảm bảo các tháng còn lại của năm không xảy ra biến động giá.

Mới đây nhất, Nhà nước cho nhập khẩu đường để ổn định giá đường trong nước. Đây được xem như một động thái nhằm giảm bớt tác động đến chỉ số giá cả. Sáng nay, đoàn thanh tra Bộ Tài chính bắt đầu lên đường kiểm tra hoạt động của ngành đánh bắt xa bờ tại 2 địa bàn Quảng Ninh và Hải Phòng sau đó là các tỉnh thuộc khu vực phía Nam. Kết quả kiểm tra sẽ được công bố trong 1 vài ngày tới.

Minh Khuyên