Cứ đến dịp Giáng sinh và cuối năm, các siêu thị, chợ ảo lại nhộn nhịp khai trương gian hàng mới và tung ra nhiều chương trình khyến mại. Song do thẻ tín dụng chưa phổ biến tại VN, các nhà phân phối buộc phải tiến hành nhiều công đoạn phức tạp, mất ý nghĩa tiện dụng của thương mại điện tử.
![]() |
Dạo chợ ảo kiếm hàng. |
Giáng sinh năm nay, hàng điện tử gia dụng, linh kiện máy tính, hóa mỹ phẩm, quà tặng, quần áo thời trang xuất hiện tràn ngập trên các chợ ảo. Hàng mới, độc đáo ít hơn. Với các chợ nổi tiếng của nước ngoài như Amazon hay Ebay, khách buộc phải có thẻ tín dụng mới mua được hàng. Chọn một món đồ, khai báo các thông số cá nhân và mã thẻ, khách hàng sẽ nhận được mail đề nghị xác nhận lại, thông báo mã pin và số tài khoản thẻ tín dụng. Ngay khi nhận được mail xác nhận, nhà bán lẻ thông qua cổng thanh toán (với ngân hàng) sẽ kiểm tra tình trạng tài khoản và khấu trừ luôn tiền. Tuỳ món đồ, khách sẽ nhận được hàng sau 3-7 ngày. Những mặt hàng ngoại ăn khách gồm máy ảnh, điện thoại di động, camera, đồng hồ... trong số đó có rất nhiều hàng được giảm giá tới 50%.
Hiện kiểu mua hàng không biên giới như vậy chỉ có những người từng ở nước ngoài, du học sinh về VN ăn Tết hay những tay săn hàng "độc" bán lại ưa dùng. Nguyên do là với người không sành sỏi, rủi ro mua hàng từ nước ngoài khá lớn. Huy, một du học sinh tại Anh kể: "Giáng sinh năm ngoái, mình đặt một chiếc máy chạy bộ của hãng Lucas Taiwan tặng mẹ, giá 156 USD. Hàng giao đúng giờ chính xác đến từng phút nhưng xem kỹ lại là đồ có xuất xứ từ Trung Quốc, biết mà phải chịu vì không được trả lại hàng".
Với các mạng bán hàng của VN như VDC, nhà sách Tiền Phong, Vneshop, khách chọn đồ vào bỏ vào giỏ rồi hoàn tất lệnh đặt hàng. Nếu trả tiền trước, các mạng cũng chỉ chấp nhận thẻ thanh toán quốc tế như Visa, Master, American Express, chuyển khoản hay chuyển tiền qua bưu điện, còn các loại thẻ nội địa không có trong phương thức thanh toán. Nếu giao hàng rồi nhận tiền, khách phải báo chi tiết tên và địa chỉ người gửi, người nhận, điện thoại, email. Đây chính là rắc rối lớn nhất và làm mất ý nghĩa nhanh chóng tiện dụng của bán hàng qua mạng. Do phiếu mua hàng ảo không được coi là đơn đặt hàng có giá trị pháp lý, nên không ít trường hợp nhân viên siêu thị dở khóc dở cười khi hàng chuyển đến mà khách không nhận. Để tránh những trường hợp tương tự, các siêu thị phải liên lạc, xác nhận lại với khách hàng rất kỹ. Nhân viên bán hàng còn được huấn luyện kỹ càng việc phán đoán thái độ nghiêm túc của khách khi đặt hàng, và không phải đơn hàng nào siêu thị cũng xử lý. VDC chỉ nhận đơn đặt hàng từ 100.000 đồng trở lên, Vneshop chủ yếu bán cho khách nước ngoài thanh toán bằng thẻ.
Tuy khó khăn như vậy song mùa mua sắm cuối năm nay các chợ ảo khá đông khách, đặc biệt là mạng bán điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ mẹ và em bé, mỹ phẩm. Đơn cử như Duy Linh mobile, ban ngày luôn có hơn 200 khách truy cập mạng mua hàng. Ngoài bán đồ đã có, các chợ còn nhận "Đặt hàng theo yêu cầu". Với dịch vụ này, khách có thể yêu cầu họ tìm kiếm thông tin hoặc đặt mua những loại hàng hiếm có hoặc chưa được nhập khẩu vào Việt Nam và làm trung gian thanh toán.
Lợi thế của chợ ảo là giá bán các sản phẩm rẻ hơn hoặc bằng với giá bán của sản phẩm cùng loại ở cửa hàng thật. Đại diện siêu thị VDC cho hay "nhằm mục đích phát triển của thương mại điện tử, chúng tôi chủ trương giá bán các sản phẩm này sẽ có xu hướng rẻ hơn giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường". Mua tại VN, nếu hàng không đảm bảo chất lượng hoặc sai với các mô tả trên cửa hàng ảo, khách hàng đều có thể trả lại. Các cửa hàng cũng khuyến cáo khi nhận, khách nên mở gói hàng và kiểm tra ngay, nếu có sự cố, yêu cầu nhân viên chuyển hàng lập biên bản và không tiến hành nhận hàng, cửa hàng sẽ đổi hoặc hoàn trả lại tiền mua hàng trong thời gian ngắn nhất.
Bà Kim Anh, chủ siêu thị Vneshop cho hay, ngoài bán hàng qua mạng, công ty của bà còn xây dựng các chợ ảo cho các cá nhân doanh nghiệp. So với năm ngoái, năm nay khách hàng tăng gấp đôi. Rất nhiều người lập trang web bán hàng qua mạng như một nghề tay trái.
Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp VN Nguyễn Văn Thảo nhận định trong năm tới phương thức kinh doanh này có nhiều thuận lợi hơn vì Quốc hội vừa thông qua 2 luật Công nghệ thông tin và Giao dịch điện tử. Cơ sở hạ tầng mạng và nhận thức của người dân đang được cải tiến rõ rệt. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang thâm nhập thị trường thẻ tín dụng. Đặc biệt, trong khi chờ các cổng thanh toán tự động được kết nối, khá nhiều công ty tin học đang đầu tư viết chương trình cổng thanh toán bằng thẻ trả trước hoặc thông qua điện thoại di động.
Kinh nghiệm mua hàng qua mạng: - Mua hàng tại các site có uy tín - Đọc và hỏi kỹ các chính sách liên quan đến việc mua, trả lại hàng, thanh toán, vận chuyển. Có quyển sách giá 40.000, giá vận chuyển 45.000 đồng. - Cẩn trọng khi khai báo các thông tin liên quan đến thẻ thanh toán Một số địa chỉ bán hàng qua mạng. Một số website bán hàng qua mạng: |
Phong Lan
▪ Tin kinh tế ngày 12.12 (12/12/2005)
▪ TPHCM sắp có 13,6km tuyến đường sắt nội đô 1 đường ray (12/12/2005)
▪ Chuyển vé tàu hoả nằm thành ngồi, tăng thêm 2.000 vé/tàu (12/12/2005)
▪ Viettel giảm cước gọi điện thoại quốc tế (12/12/2005)
▪ Bắc Giang: 319 triệu đồng giúp nông dân xoá đói giảm nghèo (12/12/2005)
▪ Hải Phòng: Khởi công khu tái định cư và nhà ở cho người nghèo (12/12/2005)
▪ Bạc Liêu: Trên 87 tỉ đồng nợ vốn 985 không thu hồi được (12/12/2005)
▪ Hạ giá thu mua nguyên liệu: Hàng trăm nông dân điêu đứng (12/12/2005)
▪ Ngoài tầm với! (12/12/2005)
▪ Năm 2006 có thể thiếu 200.000 tấn đường (12/12/2005)