Chưa phát hiện thấy hoạt động rửa tiền ở Việt Nam
Các Website khác - 26/07/2008

 

 

Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định trong hơn 20 giao dịch đáng ngờ mà trung tâm tiếp nhận từ khi thành lập (tháng 3/2007) đến nay, chưa có giao dịch nào bị kết luận là hoạt động rửa tiền.

Tại hội thảo về phòng chống rửa tiền diễn ra sáng 25/7 ở Hà Nội, bà Phạm Mai Phương, đại diện Trung tâm cho biết Nghị định về phòng chống rửa tiền được Chính phủ ban hành tháng 6/2005 quy định rõ các định chế tài chính phải báo cáo với trung tâm những giao dịch đáng ngờ và giao dịch bằng tiền mặt hoặc bằng ngoại tệ, vàng có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, hay các giao dịch gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên.

Sau khi phân tích, những giao dịch có dấu hiệu rửa tiền sẽ được chuyển cho cơ quan điều tra xác minh, làm rõ.

Bà Mai Phương cũng nhận định, dù đến thời điểm này chưa có vụ việc nào bị kết luận là rửa tiền, song hoạt động này có khả năng diễn ra tinh vi và phức tạp hơn nhiều trong bối cảnh Việt nam đã gia nhập WTO.

Ghi nhận sự tham gia tích cực của Việt Nam vào hoạt động phòng chống rửa tiền quốc tế và những bước tiến của Việt Nam trong vấn đề này, ông Ric Power, cố vấn Văn phòng cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam cũng nhìn nhận việc thành lập Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền làm một trong nhiều sáng kiến mà Việt Nam đang triển khai trong lĩnh vực này.

Vấn đề phòng chống rửa tiền hiện được quy định trong nhiều văn bản pháp lý của Việt Nam như điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 1999, điều 19 của Luật các tổ chức tín dụng năm 1997, Nghị định của Chính phủ về phòng chống rửa tiền năm 2005.

Tuy nhiên, theo ông Ric Power, các quy định này chưa rõ ràng, nhiều quy định chưa được cụ thể hóa trong hoạt động của các cơ quan pháp luật nên chưa phát huy được năng lực và thẩm quyển của các cơ quan thi hành luật.

Chia sẻ nhận xét này, đại diện Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền cho biết Bộ Tư pháp đang nghiên cứu chỉnh sửa Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó tội rửa tiền sẽ được quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống rửa tiền, ông Ric Power khuyến cáo Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng chống rửa tiền theo tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng hệ thống phòng chống rửa tiền hiệu quả, góp phần ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, tội phạm, bảo đảm sự an toàn cho hoạt động của các định chế tài chính và tăng thêm niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thời gian qua Văn phòng UNODC tại Việt Nam cũng đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các cơ quan Việt Nam cải thiện năng lực hoạt động, xây dựng hệ thống phòng chống rửa tiền hiệu quả.

Vì Việt Nam là thành viên của nhóm các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (APG), nên vào tháng 11 tới, một đoàn chuyên gia của APG sẽ đến Việt Nam để điều tra và đánh giá về hoạt động phòng chống rửa tiền.

VNA