Nhiều công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 4-2008 với con số âm khá lớn, và đã có 11 cổ phiếu niêm yết bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện kiểm soát do thua lỗ càng bồi thêm “đòn” kéo giá chứng khoán giảm sâu.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định cần phải tìm hiểu nguyên nhân thua lỗ vì ở nhiều trường hợp, cơ hội phục hồi là rất lớn.
|
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất đã bị lỗ nặng do giá giảm khoảng 50% so với giữa năm 2008. Trong ảnh: phôi thép được nhập về ở cảng Bến Nghé, TP.HCM - Ảnh: N.C.T. |
“Trái đắng” từ đầu tư tài chính
Không như trước, thời gian gần đây cổ phiếu của những công ty có danh mục đầu tư tài chính lớn đã giảm giá mạnh. “Dính đòn” nặng nhất là các công ty ở lĩnh vực tài chính, chứng khoán như Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVS) và Kim Long (KLS) đều báo lỗ năm 2008 lần lượt 453 tỉ và 347 tỉ đồng.
Ngoài ra, các công ty trước đây tích cực đầu tư tài chính cũng bị lỗ không nhỏ khi phải trích lập dự phòng tài chính. Như Công ty CP Cơ điện lạnh (REE), một blue-chip tại HoSE dù lãi 9 tỉ đồng trong quý cuối năm và đạt tổng doanh thu hơn 1.100 tỉ đồng nhưng lại lỗ 139,34 tỉ đồng trong năm 2008 sau khi trích lập dự phòng 467 tỉ đồng cho đầu tư tài chính. Báo cáo tài chính quý 4-2008 của cổ phiếu SAM của Công ty CP Cáp và vật liệu viễn thông cho thấy lợi nhuận quý 4-2008 là 57,895 tỉ đồng nhưng do trích lập các khoản dự phòng 212,744 tỉ đồng, trong đó trích dự phòng tổn thất đầu tư tài chính là 205,087 tỉ đồng, nên khoản lợi nhuận quý 4 là âm 154,848 tỉ đồng...
Trước tình hình này, nhiều nhà đầu tư lo lắng và dự đoán thiệt hại do đầu tư tài chính sẽ không dừng lại ở đây khi các khoản đầu tư được cho là dài hạn có thể lại xuống giá và gây lỗ trong năm tới. Lý do là khi đầu tư dài hạn, chênh lệch giá sẽ không được tính đến, vì thế trên sổ sách gần như các công ty không có thiệt hại trong khoản mục này. Chưa kể nếu các công ty vẫn nắm giữ cổ phiếu thì các khoản dự phòng giảm giá có thể tiếp tục xuất hiện và ảnh hưởng tới lợi nhuận trong năm 2009.
“Ngấm đòn” từ biến động thị trường
Hàng tồn kho, tiêu thụ sụt giảm, biến động giá nguyên vật liệu, tỉ giá, doanh số teo tóp lại... cũng là những lý do khiến lợi nhuận quý 4-2008 của nhiều doanh nghiệp (DN) bị âm. Đặc biệt là các DN xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, như lợi nhuận trước thuế quý 4 của Công ty CP Thủy sản Bến Tre (mã ABT) giảm 42,62% so với quý 3, Thủy sản số 1 (mã SJ1) giảm 34%, trong khi Công ty CP Nam Việt (ANV) lỗ hẳn 46,4 tỉ đồng.
Các công ty cao su cũng trải qua kỳ làm ăn thất bát khi sức tiêu thụ cùng giá dầu thế giới sụt giảm. Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) giảm 75,34% về lợi nhuận so với quý 3 (gần 5,9 tỉ đồng), Cao su Tây Ninh giảm 31,5%, trong khi Cao su Thống Nhất (TNC) lỗ gần 11,1 tỉ đồng. Công ty CP bóng đèn - phích nước Rạng Đông (RAL) có kế hoạch dự trữ nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Cuối năm kinh tế suy thoái, giá nguyên vật liệu giảm cộng với khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã khiến lợi nhuận sau thuế quý 4 âm gần 8,2 tỉ đồng.
Chưa hết, nhiều công ty có chi phí tài chính cao do biến động tỉ giá và lãi suất giữa năm 2008. Như Công ty CP Vận tải xăng dầu VIPCO (VIP), Tổng công ty CP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD), Công ty CP công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR). Đặc biệt, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) do biến động tỉ giá đồng yen khiến quý 4-2008 công ty lỗ đến hơn 1.000 tỉ đồng.
Có đáng lo?
Ngoài một số DN kinh doanh kém hiệu quả thì tình trạng lỗ là kết quả tất yếu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến DN. Các công ty chịu rủi ro do mua hàng giá cao nay giá giảm hoặc bán không được. Ở một số DN, dù hàng hóa tốt nhưng do sức cầu suy yếu cũng dẫn đến hàng tồn kho.
Giải thích về khoản lỗ tới 335 tỉ đồng trong quý 4-2008 của Công ty CP phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC - con số giảm trừ doanh thu năm 2008 tới 573 tỉ đồng), ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch hội đồng quản trị KBC, cho biết do suy thoái kinh tế toàn cầu, tại VN từ lạm phát đảo chiều, nhiều DN ngừng sản xuất dẫn đến các hợp đồng phải thanh lý. Do chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư nên công ty cho khách hàng thanh lý hợp đồng, giúp họ vượt qua khó khăn, đến khi điều kiện thuận lợi lại đón họ vào. Nguyên nhân lỗ trong quý 4-2008 chủ yếu là do khoản giảm trừ doanh thu.
Ngoài ra còn có nguyên nhân từ việc hạch toán kế toán của công ty. Hầu hết các công ty niêm yết không trích lập dự phòng hàng tồn kho, dự phòng tài chính và hạch toán các khoản chi phí đầy đủ từ các quý trong năm mà lại dồn vào cuối năm nên quý 4 mới báo cáo lỗ, trong khi hết tháng 9 nhiều công ty vẫn báo cáo lãi.
Đừng quá hốt hoảng Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ nguyên nhân công ty lỗ phát sinh từ đâu, khả năng khôi phục khoản lỗ như thế nào. Như trường hợp REE lỗ chủ yếu là do đầu tư tài chính, còn hoạt động sản xuất kinh doanh chính vẫn tốt. Tháng 1-2009 REE đạt lợi nhuận trước thuế 20,07 tỉ đồng, bằng 114,41% so với cùng kỳ năm 2008, đạt 8,03% kế hoạch dự kiến năm. Vì vậy, nhà đầu tư không nên hốt hoảng, cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân trước khi đưa ra các quyết định và cập nhật thường xuyên những thông tin về công ty. Vì khi đầu tư vào một cổ phiếu, ngoài lợi nhuận của DN trong ngắn hạn, nhà đầu tư còn quan tâm đến tiềm năng của DN trong tương lai. Vấn đề nhà đầu tư quan tâm đó là sự minh bạch của các khoản trích lập dự phòng rủi ro và DN cần phải có trách nhiệm với phần vốn góp của nhà đầu tư. |
Theo Tuoi Tre Online
▪ Chứng khoán cả 2 sàn như diều… đứt dây (18/02/2009)
▪ Chưa tăng giá xăng (18/02/2009)
▪ Ồ ạt mua sữa vì sợ tăng giá (18/02/2009)
▪ Khóc như nông dân… được mùa rau (18/02/2009)
▪ Hàng Việt Nam chất lượng cao Đã đáp ứng nhu cầu người thu nhập cao (18/02/2009)
▪ Cải cách quản lý hệ thống ngân hàng :Hai đề xuất chính (18/02/2009)
▪ Nhà thầu Hàn Quốc kêu oan vì bị cắt hợp đồng (18/02/2009)
▪ Cá tra sẽ tái xuất vào thị trường Nga (18/02/2009)
▪ Đại hạ giá căn hộ cao cấp (18/02/2009)
▪ “Được mùa” cho vay tiêu dùng (18/02/2009)