Cuộc gặp thú vị giữa các kỷ lục gia
Các Website khác - 16/08/2005
Cuộc gặp thú vị giữa các kỷ lục gia

Giới thiệu 150 kỷ lục Viêt Nam trong đó có 67 kỷ lục mới được đề xuất năm nay, chương trình "Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam" (do Viet books tổ chức ngày 14.8 tại khu du lịch Suối Tiên) thực sự là một cuộc gặp gỡ thú vị của các kỷ lục gia. Có những kỷ lục ngộ nghĩnh độc đáo như: cây nem dài và nặng nhất, chiếc bánh cưới to nhất, chiếc áo cưới dài nhất, công trình hoa đăng lớn nhất, chiếc võng xếp to nhất, quyển sách nặng nhất... Cũng có những kỷ lục mà qua đó người ta thấy được sự sáng tạo của người làm ra chúng.

Mê hoa, chị Lê Thị Lương, chủ shop Ly Ly quyết định làm chiếc áo cưới bằng hoa thật đầu tiên tại Việt Nam. Chiếc áo có kích thước như thật, được kết từ 6 loại hoa trên nền vải tạo thành 6 mảng màu: Kem, hồng, đỏ, trắng, xanh, tím. Chủ nhân đã sử dụng 20.000 hoa tươi và hàng trăm chiếc lá, dùng keo gắn từng bông lên nền vải.Chiếc áo cưới bằng hoa được 7 người thợ thực hiện liên tục trong 2 ngày. Điều làm mọi người thán phục là cách phối màu táo bạo của những người tạo nên chiếc áo cưới này.

Không chỉ quan tâm đến chiếc áo cưới, tại buổi giao lưu, nhiều người đến xem bức tranh thêu tay "Khúc hát nguồn cội" của công ty XQ - Đà Lạt. Đây là bức tranh thêu tay lớn nhất Việt Nam (chiều dài 330 cm, rộng 280 cm). Tác phẩm được vẽ bởi nhóm họa sỹ gồm 5 người, được 9 nghệ nhân thêu liên tục trong 235 ngày. "Khúc hát nguồn cội" xuất phát từ cảm hứng vượt thời gian trở về với nguồn cội, với cây cỏ, nơi thiên nhiên và con người giao hòa cùng nhau. Nghệ nhân Kim Thanh, trường nhóm thêu tâm sự: "Trong suốt thời gian thêu bức tranh, tôi rất phấn khích vì được thay mặt cho hơn trăm nghệ nhân thực hiện bức tranh bằng nghệ thuật thêu tay truyền thống của dân tộc."

Ông Đỗ Văn Toàn (Bảo Lộc) được nhiều người gọi là "người giữ hồn núi Nam Tây Nguyên", bởi ông là người sở hữu bộ sưu tập hiện vật của đồng bào dân tộc nhiều nhất Việt Nam: 1.300 hiện vật gồm chiêng, trống, gùi, khố, váy, dao pir, khèn sừng trâu, đàn môi, đàn gió, cung tên, ná nỏ, lao, xà gạt... Đây là bộ sưu tập văn hóa vật thể của cộng đồng các dân tộc Nam tây Nguyên. Trong bộ sưu tập có chiếc nón gần trăm tuổi, bộ trống đục khoét, bưng bằng da nai, gùi có nắp rất xưa, được chế tạo khéo léo, tinh xảo.

Trong danh sách đề xuất kỷ lục lần này có cả những gương mặt đã rất quen với công chúng. MC Thanh Bạch là người dẫn nhiều chương trình truyền hình nhất Việt Nam (5 chương trình: "Nốt nhạc vui", "Chuyện nhỏ", "Siêu thị may mắn", "Đi tìm ẩn số", "Giai điệu tình yêu"). Khi giao lưu với các bạn trẻ yêu thích nghề dẫn chương trình, anh chia sẻ: "Để làm một người dẫn chương trình không đơn giản chút nào. Những thành công tôi đạt được hôm nay là cả một quá trình phấn đấu và rèn luyện miệt mài và gian khổ."Trong khi đó, nghệ sỹ Mạc Can là người tham gia nhiều lĩnh vực nghệ thuật nhất: ảo thuật, điện ảnh, sân khấu, biên kịch, nhiếp ảnh, làm báo, viết văn. Nghệ sỹ cho biết: " Kỷ lục hay không không quan trọng, tôi hoạt động trong nhiều lĩnh vực vì tôi đam mê." Nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn là người có bộ sưu tập kèn saxo nhiều nhất Việt Nam. Bắt đầu sưu tập kèn cách đây 30 năm, đến nay Trần Mạnh Tuấn đã có 15 chiếc kèn, có những chiếc rất cổ tồn tại cả trăm năm như chiếc Mart VI, chiếc kèn "mới" nhất cũng 60-70 năm.

Ngoài những kỷ lục đặc sắc như trên, người xem còn được biết đến một kỷ lục của Nguyễn Công Hùng, người khuyết tật đầu tiên làm giám đốc. Sinh năm 1982, không thể đi học và sinh hoạt bình thường như bao đứa trẻ khác bị chứng bệnh còi xương, suy hô hấp nặng, dù rất buồn nhưng Hùng không đầu hàng số phận. Tự mày mò đọc sách, tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, sau 2 năm anh trở thành thầy dạy vi tính cho nhiều bạn trẻ vùng Nghi Diên, Nghi Lộc (Nghệ An). Không dừng lại ở đó, anh còn thành lập cơ sở tin học nhân đạo Công Hùng, giải quyết việc làm, chắt chiu nuôi dưỡng ước mơ cho những người khuyết tật. Phương Anh