Các điểm mua sắm chật như nêm
Quầy thu ngân chật kín người. Ảnh: MH |
Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng GĐ Siêu thị BigC, hai ngày nay sức mua đã tăng 40% so với hai ngày trước đó. Các quầy tính tiền của BigC đều rơi vào tình trạng quá tải. Đặc biệt dịch vụ gói quà hoạt động hết công suất, hàng ngàn giỏ quà được giao mỗi ngày.
Tại siêu thị Metro Thăng Long, nơi gửi xe, quầy tính tiền, dịch vụ gói quà và dịch vụ vận chuyển luôn trong tình trạng quá tải.
Bà Nguyễn Thanh Thuỷ, đại diện siêu thị Metro cho biết: “Không khí mua sắm Tết đến trễ hơn mọi năm, nhưng đã bắt đầu thấy những tín hiệu lạc quan khi lượng người mua sắm trong mấy ngày gần đây tăng cao hơn vào lúc cao điểm của Tết năm 2008. Metro đã giãn rộng bãi gửi xe, tăng thêm quầy tính tiền, tăng thêm người gói quà nhưng những dịch vụ này vẫn luôn trong tình trạng quá tải”.
Tại các chợ Hà Nội, không khí sắm Tết cũng náo nhiệt không kém. Thu hút được lượng khách đông đảo nhất là chợ gần các trường đại học như Chợ Xanh, chợ Đêm sinh viên gần Trường đại học Sư phạm 1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Quốc gia Hà Nội lúc nào cũng nườm nượp kẻ mua, người bán. Các phương tiện đi lại bị chặn lối vào và phải gửi đúng nơi quy định để tránh ùn tắc.
Ở đây, quần áo, giầy dép là những mặt hàng bán chạy nhất. Chợ Nghĩa Tân (gần trường Đại học Du lịch Hà Nội, Trường Cao đẳng sư phạm) cũng đông như trảy hội. Khu vực nhiều người ghé chân nhất là dãy quần áo đổ đống, chủ yếu là khách sinh viên. Ai cũng cố chọn cho mình một bộ quần áo ưng ý để diện Tết.
Các tuyến phố Lương Văn Can, Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào tấp nập từ sáng sớm đến tận tối khuya do khách đổ về đây mải miết chọn quần áo, giầy dép, khăn mũ...
Giá chỉ tăng 5- 10%
Khác với lệ những năm trước, giá hàng hoá tăng bất thường khi nhu cầu sắm Tết lên cao, nhưng năm nay ngay cả khi lượng khách đã lên đến đỉnh điểm giá hàng hoá ở siêu thị và ngoài thị trường tự do chỉ tăng nhẹ từ 5- 10%. Tuy nhiên theo thông tin từ các siêu thị, sẽ không có chuyện tăng giá một cách đột biến vào những ngày giáp Tết.
Hiện 1 kg hạt bí được chào bán với giá 130.000 đồng, tăng 20.000 đồng so với năm ngoái; hạt dẻ 230.000 đồng/kg; hạt dưa 50.000 đồng/kg; các loại mứt gừng, mứt bí, mứt dừa dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg; Các loại đồ uống như bia, nước tăng lực, trà xanh... cũng được tiêu thụ với số lượng lớn. Giá phổ biến cho mỗi két bia Halida, bia Hà Nội... từ 117.000 đồng đến 181.000 đồng. Các giỏ quà gói sẵn có mức giá khá phong phú, từ 150.000 đồng/giỏ cho đến 2 triệu đồng/giỏ.
Các bà nội trợ giảm chi
Mặc dù đang ở lúc cao điểm của mua sắm Tết nhưng hầu hết các bà nội trợ đều có xu hướng mua sắm với số lượng hàng ít hơn Tết trước.
Chị Nguyễn Thuý Loan số 32 ngõ Đa Lộc, đường Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội, làm kế toán cho một Cty TNHH cho biết: “Những năm trước đến Tết là tôi mua đũa, bát mới nhưng năm nay cắt bỏ. Cây quất, đào mọi năm mua cả hai nhưng giờ chỉ chọn một. Mạnh tay chi Tết sẽ thâm hụt tiền vì thưởng Tết cả hai vợ chồng mới được hơn 4 triệu đồng”.
Chị Trần Thị Bích Liên, phố Vũ Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội, nhân viên marketing một Cty Du lịch cũng chủ trương mua sắm ít đi. Đặc biệt là các loại thịt sẽ giảm bớt số lượng. Tôm, cua biển là món cả gia đình ưa thích nhưng năm nay chị loại ra khỏi thực đơn.
Theo Giadinh.net
▪ Giá không rẻ như cam kết (16/01/2009)
▪ Vàng lên giá, USD nhấp nhổm (16/01/2009)
▪ Dân tính toán, siêu thị trông chờ cận tết (16/01/2009)
▪ Vn-Index khởi sắc, HaSTC-Index trọn tuần lao dốc (16/01/2009)
▪ Giá dầu xuống thấp nhất trong 3 tuần qua (16/01/2009)
▪ Ngân hàng lạnh nhạt với xe siêu sang, điện thoại xịn nhập khẩu (16/01/2009)
▪ Cần niềm tin thương hiệu hỗ trợ kênh phân phối (16/01/2009)
▪ Giá vé từ Huế đi phía Bắc tăng 40% (16/01/2009)
▪ Khách VIP mới được đổi tiền lẻ tại ngân hàng? (15/01/2009)
▪ Hàng Tết trong siêu thị: Bày nhiều hơn bán (15/01/2009)