Đất treo, dân nhịn
Các Website khác - 25/03/2006
Đất treo, dân nhịn

Trần Đăng
Trong hai năm 1996-1997, lúc cả tỉnh rộ lên phong trào trồng cây cao su, Nông trường 24.3 ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã triển khai trồng loại cây này cùng lúc ở hai địa phương là Phổ Nhơn và Phổ Cường. Sau 8 năm, số mủ của diện tích cao su này đủ để... vá xăm xe đạp! Oái oăm là, dân không dám phá số cao su ít ỏi này trong lúc họ thiếu đất sản xuất.

Sau nhiều lần kiểm tra rồi kiến nghị của đủ các đoàn thể, hàng trăm hecta cao su ở Phổ Nhơn đến nay đã được giải quyết, dù rất khó khăn. Cây cao su ở đây đã được chặt phá, trả lại đất cho dân để họ trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Số nợ mà dân vay mượn ngân hàng đã được khoanh lại. Tuy nhiên, 45 hecta cao su ở vùng kinh tế mới Huân Phong thuộc thôn Thanh Sơn xã Phổ Cường thì vẫn chưa được giải quyết.

Cũng giống như ở Phổ Nhơn, số diện tích đất trồng cây cao su ở Huân Phong xã Phổ Cường là do dân nhận đất của Nhà nước rồi vay vốn của ngân hàng để trồng và chăm sóc. Sau 3-4 năm triển khai dự án, toàn bộ số diện tích 45 hecta của Huân Phong đã được phủ kín bằng loại cây được mệnh danh là "vàng trắng" này. Thế nhưng, vàng trắng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy "vàng mắt" những người trồng và chăm sóc nó. Hiện tại ở Huân Phong, mỗi sào đất còn lại chừng 3-5 cây cao su! Chẳng ai dám chặt phá cây này vì người ta đã bỏ ra hàng trăm triệu xuống đó để "nuôi" nó gần chục năm qua, dù là nuôi một... vạt đất trống.

Ông Võ Ngọc Ký, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Cường nói: "Cái khó cho chúng tôi hiện nay là không biết chỉ đạo thế nào để dân đỡ phải thiệt. Vì rằng, cả một vùng đất trống, giàu tiềm năng cho nhiều loại cây trồng nhưng chẳng một ai dám thò cây cuốc xuống đó để canh tác. Bởi đó là đất cao su của nông trường". Theo phản ảnh của lãnh đạo xã Phổ Cường, nếu trả lại đất cho dân thì ai là người đứng ra trả số nợ vay để chăm sóc cây cao su mấy năm qua đây? Nông trường 24.3 là cơ quan chủ quản số diện tích cao su cũng như theo dõi số hộ vay tiền của ngân hàng nhưng hiện nay họ đã bị tê liệt hoàn toàn rồi. Ông Nguyễn Tấn Mỹ, Giám đốc Nông trường 24.3 sau nhiều lần lên xuống Phổ Cường nhưng vẫn không giải quyết được bài toán "đất thì treo mà dân thì nhịn" này.

Giờ thì ông Mỹ đã về hưu, dân Huân Phong đành bó tay vì không biết kêu đến cấp nào để có thể giải quyết số nợ nần, đặc biệt là số diện tích đất rất cần thiết cho việc trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những người tham gia trồng cây cao su ở Huân Phong và có vay tiền ngân hàng đều nhất trí rằng, Nhà nước cứ khoanh nợ lại, họ sẽ trả sau, nhưng đất thì phải trả cho họ để họ trồng loại cây khác. Sẽ không khó khăn việc trả nợ ngân hàng nếu Nhà nước cho phép người dân phá bỏ cây cao su để trồng mì hoặc mía hay keo lai. Vì số cây này sẽ gánh nợ cho cây cao su.

Bài toán không khó nhưng ai sẽ là người đứng ra giải đây?