Hệ thống thuỷ lợi Tây Nguyên: Đầu tư cao, hiệu quả thấp
Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư rất lớn cho hệ thống thuỷ lợi Tây Nguyên (TN). Tuy vậy, chu kỳ hạn hán vẫn lặp lại hằng năm... Vì sao có tình trạng này? Làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại do nắng hạn? Chiến lược đầu tư bền vững cho thuỷ lợi ở TN có mâu thuẫn với tài nguyên nước đang ngày càng cạn kiệt?  | Ruộng khô nẻ vì thiếu nước. | Hiệu quả chưa cao Năm 2006, thuỷ lợi TN được "tái đầu tư" mạnh với hàng loạt những công trình trị giá hàng trăm đến cả ngàn tỉ đồng. Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án thuỷ lợi 413 (thuộc Bộ NNPTNT; ban A của tất cả các công trình thuộc nguồn vốn trung ương tại TN), trong năm này, ở Gia Lai, công trình thuỷ lợi (CTTL) Ia Mlá được cấp 70 tỉ đồng, hồ Ia Ring được cấp 50 tỉ đồng, ở Đắc Lắc, hồ Krông Buk Hạ được cấp 100 tỉ đồng, hồ Ea Sup 80 tỉ đồng, ở Kon Tum, CTTL Đắc Yên được cấp 15 tỉ đồng v.v...
Cũng trong năm 2006, nhiều công trình đại thuỷ nông khác cũng lần lượt được khởi công, như công trình hồ Ia Mơ (Gia Lai), Đắc Lông Thượng (Lâm Đồng). Như vậy, nhiều năm qua đã có ngót cả chục nghìn tỉ đồng đầu tư vào thuỷ lợi TN.
Song hiệu quả của những công trình này chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Theo ban quản lý nói trên, trừ công trình Ayun Hạ (có tổng vốn thực tế ngót 1.000 tỉ đồng, bàn giao khai thác tư năm 2000) đã đảm bảo tưới cho trên 8.000ha (so với thiết kế là 13.500ha) với năng suất lúa bình quân cao nhất cả nước - trên 20 tấn/ha/năm (lúa hai vụ) và một số công trình bắt đầu khai thác như Ea Sup (Đắc Lắc), Chư Prông (Gia Lai) với hiệu suất sử dụng còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố... còn lại, nhiều công trình đạt hiệu quả thấp, thậm chí rất thấp. "Tiêu biểu" về tai tiếng là CTTL Đắc Cấm (Kon Tum) với công suất thiết kế tưới cho 500ha, nhưng từ thời điểm bàn giao (2000) đến nay chỉ tưới được vài chục hécta/năm; hoặc hệ thống CTTL Hà Ra (Gia Lai) bàn giao từ năm 2002, nhưng đến nay cũng chỉ tưới được vài mươi hécta/năm so với năng lực thiết kế lên tới 600ha... Trên thực tế, còn nhiều công trình cấp trung ương khác tại TN mà khoảng cách giữa năng lực tưới thực tế so với thiết kế có thể tính bằng vài chục phần trăm trở lên.
Tận dụng tài nguyên - yếu tố sống còn Tại các tỉnh TN hiện nay, tài nguyên nước đang ngày càng cạn kiệt, các khu vực địa lý khả dĩ cho phép xây dựng các công trình đại thuỷ nông không còn nhiều và trong bối cảnh hạn hán vẫn khốc liệt hằng năm, thì vấn đề đặt ra khá thúc bách là làm sao để tận dụng tối đa hiệu quả từ các công trình đã, đang và sẽ xây dựng tại TN? Ayun Hạ có thể là một câu trả lời thuyết phục, nhưng chưa được nhiều người chú ý: Sau thời điểm bàn giao (2000), ý tưởng về công trình thuỷ điện sau đập đầu mối được biến thành hiện thực với một nhà máy có công suất 3MW, riêng việc hưởng sái nguồn nước từ thuỷ lợi Ayun Hạ, hằng năm nhà máy này đã thu được trên 12 tỉ đồng (so với 5-6 tỉ đồng thuỷ lợi phí từ thuỷ lợi Ayun Hạ); chưa kể nguồn thu từ nuôi trồng thuỷ sản trên bề mặt gần 4.000ha, nguồn thu từ hoạt động du lịch và hiệu ứng sinh thái rõ rệt cùng những cụm dân cư trù mật... Rõ ràng, bài toán tổng hợp với yếu tố thuỷ lợi là trung tâm đang phát huy hiệu quả.
Song, Ayun Hạ hầu như chỉ là điển hình duy nhất. Thấy rõ lợi ích này, gần đây, đơn vị quản lý - Cty khai thác công trình thuỷ lợi Gia Lai - mới đệ trình thêm phương án xây dựng nhà máy thuỷ điện công suất 1MW ở kênh Bắc Ayun Hạ, "nguồn lợi thứ phát" này buộc phải trả giá với chi phí đầu tư quá cao. Một vài công trình lớn đã và đang chuẩn bị khởi công hiện nay như Ia Mlá, Ia Mơ... xét về khả năng khai thác tổng hợp (chủ yếu thêm phần thuỷ điện) cũng chỉ được "trình đâu ký đó". Trong khi, rõ ràng nguồn nước TN không hề phong phú như mong đợi. Mà chống hạn, xét về chiều sâu TN, không chỉ đơn thuần là việc "dẫn thuỷ nhập điền", tăng năng suất lúa..., mà mục tiêu kinh tế, yên dân bằng những khu vực dân cư - sinh thái trù phú ở vùng hưởng lợi mới là lợi ích lâu dài của công tác thuỷ lợi bền vững.
Nguyễn Thịnh
- Một số công trình thuỷ lợi chủ yếu ở Tây Nguyên xây dựng bằng nguồn vốn trung ương; đã hoàn thành nhưng hiệu quả không đồng bộ: TL Ayun Hạ: Bàn giao năm 2000, tưới 8.000ha trên 13.500ha thiết kế; tổng vốn 1.000 tỉ đồng. Đập dâng Ia Lâu: Bàn giao năm 2000, tưới 500ha/975ha thiết kế; tổng vốn 20 tỉ đồng. Hệ thống thuỷ lợi Hà Ra: Hoàn thành năm 2002, tưới không đáng kể trên 600ha thiết kế; tổng vốn 33 tỉ đồng. Hồ Chư Prông: Hoàn thành năm 2005, mới khai thác 20% diện tích thiết kế là 700ha; tổng vốn ngót 40 tỉ đồng. Thuỷ lợi Đắc Cấm: Hoàn thành năm 2000, tưới không đáng kể trên diện tích thiết kế là 500ha; tổng vốn trên 20 tỉ đồng. Thuỷ lợi Đắc Lóh, thuỷ lợi Ia Bang Thượng: Bàn giao năm 2000, tưới 70% diện tích thiết kế là 360ha; vốn 14,5 tỉ đồng.
- Một số công trình đang thi công và hoàn thành vào năm 2010, với nhiệm vụ tưới cho trên 68.000ha; tổng vốn gần 6.000 tỉ đồng (phần lớn từ nguồn trái phiếu chính phủ), gồm: Hồ Buôn Jương, Hồ Krông Buk Hạ, Ka La, Đắc Yên, Ia Mlá, Ia Ring, Ia Mơ, Đắc Lông Thượng... |
|