Dệt may kêu khó vì hết visa tự động
Các Website khác - 30/03/2006

Theo Hiệp hội dệt may và Thêu đan TP HCM (Agtek), hiện nhiều khách hàng đã chuyển nguyên phụ liệu sang Indonesia, Philippines để ký đơn hàng, do doanh nghiệp VN hết quota kể từ khi Bộ Thương mại ngưng cấp visa tự động.

Phó chủ tịch Agtek Phạm Xuân Hồng cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành may trong quý 1 tăng 45% so với cùng kỳ năm trước chưa hẳn là điềm mừng. Thực tế trong những tháng đầu năm, Bộ Thương mại cho xuất tự động nên việc xuất hàng thuận tiện và nhanh hơn.

Đến nay, khi liên bộ tạm ngưng cấp visa tự động, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khốn đốn. Hầu hết các doanh nghiệp thành viên trong hội đã lên kế hoạch cho đơn hàng từ cuối năm ngoái, khi chủ trương cấp visa tự động được công bố. Nguyên phụ liệu đã về tới nhà máy, nhưng khi chuẩn bị sản xuất thì buộc tạm ngưng, vì Bộ Thương mại ngưng cấp visa tự động. Một số doanh nghiệp không đủ thành tích nên cũng khó lòng được phân thêm quota.

Không quota dệt may tăng tốc tìm kiếm các đơn hàng phi hạn ngạch. Ảnh: T.V.

Công ty cổ phần xuất nhập khẩu dệt may Long An đang có hợp đồng làm hơn 50.000 sản phẩm với khách hàng Mỹ. Nguyên phụ liệu sản xuất đã về đến cảng Việt Nam. Thậm chí một vài lô đã nằm trong kho công ty. Tuy nhiên, mã hàng mà công ty đang làm không được xuất khẩu tự động nữa, khách hàng biết tin đã vội vã yêu cầu tái xuất nguyên phụ liệu sang Indonesia và Philippines. Bà Nguyễn Thị Phương Quang, Tổng giám đốc công ty cho biết: "Do năm 2005 công ty không có nhiều thành tích để ký đơn hàng vào Mỹ nên chủ yếu là hàng xuất sang thị trường phi quota. Đầu năm nay, Bộ Thương mại cho tự động công ty tranh thủ đám phán, ký được một vài hợp đồng vào Mỹ. Những tưởng kế hoạch xuất khẩu sẽ đầu xuôi đuôi lọt, nào ngờ cơ hội đến tay cũng bị vuột mất", bà than thở.

Theo bà Quang, trước khi khách hàng yêu cầu tái xuất nguyên phụ liệu sang thị trường khác, công ty có thương lượng sẽ cố gắng xin thêm Bộ Thương mại hạn ngạch đủ để xuất lô hàng đã có nguyên phụ liệu sẵn. Tuy nhiên, đối tác đã từ chối, vì e ngại việc xin thêm hạn ngạch khó có thể thành công. Bà Quang tâm sự: "Hiện đơn hàng của công ty chỉ đủ để 2.000 lao động làm đến hết tháng 4. Chúng tôi đang tăng tốc khai thác thêm các thị trường phi hạ ngạch, nhưng để làm được việc này cũng rất khó khăn. Đến hết tháng 4 mà vẫn chưa tìm được đơn hàng không biết phải tính sao với người lao động".

Đại diện một doanh nghiệp dệt may ở TP HCM cũng cho hay, nếu xét theo thành tích năm trước thì một doanh nghiệp quy mô, xuất khẩu nhiều cũng chỉ có hạn ngạch đủ để ký đơn hàng sản xuất đến hết tháng 7. Như vậy, nếu không tranh thủ tìm đơn hàng ngoài thị trường Mỹ chắc chắn thời gian còn lại của năm nhiều lao động ngành may sẽ thất nghiệp. Hiện nay, một số doanh nghiệp trong ngành đã tăng tốc tìm kiếm thêm thị trường mới không quota và đẩy mạnh xúc tiến thương hiệu trên thị trường nội địa. Nhật, Đông Âu... là những thị trường được các nhà sản xuất đánh giá tiềm năng nhất.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, với thị trường Nhật, trước đây đối tác chỉ thích đặt những lô hàng giá trị lớn, không chú trọng đến mẫu mã nhiều. Còn nay, xu hướng đã thay đổi, khách hàng Nhật thường đặt những đơn hàng giá trị vừa phải, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp ngành may VN. Tuy nhiên, đối tác lại chú ý nhiều hơn đến kiểu mẫu.

Nguyễn Thùy