Diễn biến giá cả: Không quá "nóng", nhưng khó lường
Các Website khác - 22/06/2006
Nhìn lại kinh tế 6 tháng đầu năm
Bài 1: Diễn biến giá cả: Không quá "nóng", nhưng khó lường

Nửa đầu năm 2006, mặt bằng giá cả thị trường trong nước có tăng nhưng không quá nóng ở hầu hết các loại hàng hoá, dịch vụ, ngoại trừ giá xăng dầu tăng kéo theo giá vàng diễn biến phức tạp và tăng cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, diễn biến khá phức tạp của nhiều loại hàng hoá lại khiến ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng lúng túng khi đưa ra những dự báo dài hơi.

Vàng - một trong những mặt hàng
tăng giá mạnh nhất trong 6 tháng
đầu năm.

Độ nóng tăng giá giảm dần
Ông Nguyễn Khánh Long - Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính nhận định, chỉ số tăng giá các tháng đầu năm nay được tác động bởi 2 yếu tố chính: Giá cả thị trường tăng theo quy luật cung - cầu và việc Nhà nước chủ động cho phép các DN nhập khẩu xăng dầu đầu mối mở rộng biên độ giá.

Tuy nhiên, do Chính phủ vẫn chủ trương giữ vững các cân đối vĩ mô như ổn định giá một số vật tư cơ bản là đầu vào của nền kinh tế như điện, than, cước bưu chính viễn thông...; điều hành sát sao các bộ, ngành, địa phương trong việc khống chế dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng ở gia súc và điều hành xuất nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng (gạo, đường, phân bón...) một cách hợp lý... nên đã khống chế được tốc độ tăng giá "phi mã".

Trong tháng 6, những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng theo ông Long đã bớt nóng so với tháng 5 do trên bình diện thế giới, sức ép về giá xăng dầu đã hạ nhiệt, bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran bước đầu được tháo gỡ, dự trữ dầu của Mỹ tăng. Trong nước, nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn trong lộ trình tăng giá đã có dấu hiệu chững lại nên đã tiêu thụ tăng trở lại, giá cả nhìn chung ổn định hoặc giảm nhẹ.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 sẽ tăng chưa đến 0,6% như tháng 5 và 6 tháng đầu năm chỉ tăng trên dưới 4%.

Chỉ số giá tiêu dùng chưa thuyết phục?
Đó là nhận xét và cũng là câu hỏi của bà Phạm Chi Lan - chuyên viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng - khi nói về sự khác biệt giữa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Tổng cục Thống kê công bố so với tình hình thực tế biến động giá cả trên thị trường nội địa thời gian vừa qua.

Theo bà Chi Lan, vấn đề này đã được Ban Nghiên cứu đặt vấn đề với Tổng cục Thống kê và dường như phía cơ quan này có phần lúng túng về cách tính CPI. Lập luận của Tổng cục Thống kê đã cho rằng: Ở VN, chỉ số giá tiêu dùng bị phụ thuộc nhiều nhất vào giá lương thực thực phẩm, bởi người dân VN chi tiêu nhiều nhất là vào việc ăn, nên giá lương thực, thực phẩm vẫn là giá quyết định nhất.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng đều cho rằng cách giải thích như thế chưa thật ổn. Mức tiêu dùng cao nhất như những nghiên cứu gần đây của các nơi đánh giá về thị trường tiêu dùng ở VN đều cho thấy thị trường đang tăng lên rất nhanh, trong khoản tăng lên đó có yếu tố về tăng giá cả đã làm "đội" lên rất nhiều. Tuy nhiên, đến nay chưa có những nghiên cứu thấu đáo về vấn đề này.

Kể từ tháng 5, Tổng cục Thống kê đã áp dụng tính chỉ số giá tiêu dùng với một số cải tiến: Danh mục hàng hoá dịch vụ điều tra giá tăng thêm 100 mặt hàng lên 497 mặt hàng; chỉ số đã được cập nhật trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát mức sống dân cư năm 2004 và điều tra bổ sung tại 10 tỉnh, thành năm 2005 (theo đó quyền số nhóm lương thực, thực phẩm từ 47,85% xuống còn 42,8%...), năm gốc so sánh là năm 2005 (thay cho gốc so sánh năm 2000)... H.Q

Hồng Quân - Công Thắng