Doanh nghiệp ma bán hoá đơn thật
Các Website khác - 23/03/2006
Doanh nghiệp ma bán hoá đơn thật
Trần Quang - Phùng Bắc


Ngay từ năm 1990 đến 1995, khi vụ án Minh Phụng - Epco bị đổ bể, các cơ quan chức năng phát hiện có 16 đối tượng hành nghề xe ôm, bán cá, bán rau... được thuê làm giám đốc "hờ" các Cty Huê Phong, Tân Tân, Hải Phụng... Trong đó có người một chữ bẻ đôi cũng không biết, thế nhưng trong hồ sơ họ ký hàng trăm tỉ đồng trong các chứng từ (!?). Khi xuất hiện tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thì thành lập Cty "ma" đã thực sự trở thành công nghệ.

Mỗi ngày có 600 lượt người đến làm
việc với Phòng Đăng ký kinh doanh
- Sở KHĐT TPHCM.

Đầu năm 2000, việc lập Cty ma bán hoá đơn đã trở thành công nghệ và thu hút nhiều loại đối tượng khác nhau. Ngay cả những người có trình độ, từng là công chức cũng thành lập Cty và đã làm hồ sơ không có thực trong việc xuất khẩu các loại hàng hoá ra nước ngoài.

Chẳng hạn vụ Nguyễn Văn Khoa - nguyên công an TP.Hồ Chí Minh - bị bắt đi tù 4 năm về tội "lạm dụng chức vụ quyền hạn cưỡng đoạt tài sản công dân". Sau khi ra tù, năm 2001, Khoa thành lập Cty TNHH SX-TM Hoàng Thắng. Ngay sau đó, Cty Hoàng Thắng đã hoàn thiện hàng loạt hồ sơ khống xuất khẩu hàng may mặc ra nước ngoài để xin hoàn thuế, chiếm đoạt gần 1 tỉ đồng của Nhà nước.

Để được hoàn thuế, Khoa chỉ đạo Nguyễn Văn Hoà (là em ruột của Khoa) và đồng bọn mạo danh đại diện các Cty Nga và Ba Lan ký các hợp đồng ngoại với... Khoa!

Ngoài ra, Khoa còn câu kết với hàng loạt các giám đốc các Cty "ma" khác để tạo dựng hồ sơ đầu vào. Như, Cty TNHH Nhật Hoàng có nêu địa chỉ là số 41/1 đường Nguyễn Văn Tráng, Q.1, do Trịnh Văn Dũng làm giám đốc; Nguyễn Xuân Nhiễm - Giám đốc Cty TNHH Nam Thái... Khi bị bắt, Nguyễn Xuân Nhiễm khai: Anh ta chỉ đứng tên làm giám đốc "hờ" để hưởng lương với nhiệm vụ... mua bán hoá đơn.

Một vụ án nổi cộm khác trong thủ đoạn thành lập Cty "ma" để mua bán hoá đơn GTGT để lập hồ sơ khống đi "lừa đảo chiếm đoạt tiền vay vốn của Ngân hàng Công thương - Chi nhánh 5 - TPHCM".

Nguyễn Trọng Quý (SN 1965, tại Thanh Hoá, tham gia Đoàn luật sư Bắc Ninh) chỉ đạo Đỗ Xuân Thái (SN 1975, là em họ của Quý, đang lao động tự do ở TPHCM) viết thư về bố mẹ đẻ gửi sổ hộ khẩu vào để Quý thành lập Cty và cho Thái làm giám đốc.

Theo báo cáo phối hợp giữa ngành công an và thuế về phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực Cty "ma" mua bán hoá đơn lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế, trên cả nước đã khám phá 1.259 vụ với 1.579 đối tượng vi phạm. Trong đó, đã kết thúc điều tra 1.013 vụ với 1.338 đối tượng; truy thu lại hơn 110 tỉ đồng.
Ngày 6.3.2001, Cty TNHH xây dựng, thương mại dịch vụ Thái Phong được thành lập, Thái làm giám đốc và Trần Thanh (SN 1974, ngụ số 5B đường Nguyễn Bá Tòng, P.12, Q.Tân Bình) là thành viên. Nhưng khi vụ án được khám phá, thì tên Trần Thanh với địa chỉ trên là không có thực.

Tháng 2.2002, Quý chỉ đạo Thái ký hợp đồng mua bán khống 10 máy phát điện, 10 thùng lạnh với một Cty "ma" khác nhằm mục đích hợp thức hoá hồ sơ xin vay vốn để lừa đảo chiếm đoạt 5 tỉ đồng của ngân hàng.

Chưa dừng lại, tháng 5.2002, Quý giao cho Thái ký tiếp hợp đồng mua bán khống 10 xe ôtô tải với một Cty "ma" khác rồi cùng đồng bọn hợp thức hoá hồ sơ vay, để tiếp tục chiếm đoạt 3,5 tỉ đồng của ngân hàng chi nhánh 5 này.

Và hiện Cơ quan điều tra Công an TPHCM đang thụ lý một vụ mua bán hoá đơn lòng vòng đã lần lượt đưa vào trại giam 10 giám đốc tham gia mua bán hoá đơn khống có giá trị trên hoá đơn là gần 200 tỉ đồng. Nhưng chỉ một tuần sau đó, điều tra viên cho biết danh sách "cần bắt" đã lên đến con số gần 50 người!

Hiện chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra thống kê chính xác có bao nhiêu vụ chiếm đoạt tiền hoàn thuế và tồn tại những Cty "ma" nổi cộm khác ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành. Một trong những nguyên nhân có quá nhiều Cty "ma" như hiện nay là do việc thành lập doanh nghiệp vẫn còn quá dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Hữu Hoà - Phó Giám đốc Sở KHĐT TPHCM:
Cơ quan đăng ký KD không chịu trách nhiệm

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Hữu Hoà cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, TPHCM có hơn 64 ngàn DN được đăng ký thành lập, đồng thời có gần 1.000 trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD)với các ly do: Không gửi báo cáo theo quy định; không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận ĐKKD, có nội dung kê khai trong hồ sơ ĐKKD giả mạo, KD các ngành nghề cấm...

Về việc phát hiện các DN biến mất, bà Hoà cho rằng, có thể là do các nguyên nhân: DN chuyển đổi trụ sở, nhưng không thông báo đến cơ quan ĐKKD; DN giải thể, nhưng không tiến hành thủ tục giải thể theo quy định; DN cố tình không thực hiện nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế.

Vấn đề là, đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của trung ương về công tác kiểm tra doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận ĐKKD. Riêng tại TPHCM, do yêu cầu của công tác quản lý nên ngày 14.9.2000 UBND TPHCM đã ban hành chỉ thị triển khai công tác quản lý nhà nước sau ĐKKD đối với các DN và hộ kinh doanh cá thể.

Theo đó, thành phố phân cấp cho quận, huyện phối hợp với các sở, ngành chức năng kiểm tra tính xác thực của địa chỉ trụ sở; kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm quy định về trụ sở, viết, đặt biển hiệu; kinh doanh không đúng ngành nghề đã đăng ký; điều kiện kinh doanh; phát hiện các DN không hoạt động tại trụ sở hoặc không thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Về trách nhiệm của cơ quan cấp phép với những DN được thành lập để rồi... chỉ mua bán hoá đơn, bà Hoà nói, căn cứ Luật DN, người thành lập DN phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ. Cơ quan ĐKKD chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ ĐKKD. Ngoài ra, Nghị định 109 cũng đã quy định rõ phòng ĐKKD không chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm pháp luật của DN xảy ra sau ĐKKD.

Trần Quang - Ngọc Huân