Doanh nhân Hoàng Khải: '5-10 năm nữa tôi cổ phần Khai Silk'
Zing News - 05/07/2016
"5 hay 10 năm nữa, khi nào không kham nổi tôi sẽ cho cổ phần Khai Silk. Tôi luôn mong muốn có 1 CEO vừa có tâm vừa có tầm để điều hành và phát triển tập đoàn", ông Hoàng Khải nói.

Thời điểm này, khi chia sẻ chuyện kinh doanh của mình, ông Hoàng Khải bắt đầu nhắc đến chuyện cổ phần hóa Khai Silk. Ông bảo chuyện điều hành, phát triển tập đoàn, quản lý khối tài sản là vấn đề thường trực ông luôn trăn trở.

Tôi muốn tài sản sinh sôi để tạo ra giá trị cho xã hội

- Liên tục nghe ông nói về những dự án mới, kế hoạch phát triển tập đoàn nhưng chưa bao giờ ông nói chuyện thừa kế, nối nghiệp ở Khai Silk. Đến thời điểm này, ông đã có thể chia sẻ về chuyện chọn người nối nghiệp chưa?

- Câu chuyện nối nghiệp, hay thừa kế, tôi nghĩ là chúng ta hãy nhìn thoáng một chút, đừng mang nặng cách nghĩ của người Á Đông là phải duy trì nòi giống để giữ công ty gia đình. Bạn thấy các doanh nhân nổi tiếng như Bill Gates hay Warren Buffett họ có nghĩ đến chuyện đưa con hay người nhà vào gánh vác để giữ doanh nghiệp họ đâu.

Ở Việt Nam, lâu nay tư duy của chúng ta là phải duy trì nòi giống, cha mẹ gây dựng doanh nghiêp, để lại cho con cháu giữ. Nhưng bây giờ xã hội mình phát triển rồi. Những năm gần đây, con cái nhiều chủ doanh nghiệp lớn cũng ra nước ngoài học, tự kiếm tiền nuôi thân, lập nghiệp chứ không phải chăm chăm về giữ nghiệp gia đình… Tôi nghĩ chúng ta cũng đừng nặng nề chuyện nối nghiệp, giữ doanh nghiệp kiểu gia đình như ngày xưa.

Với tôi, người nối nghiệp, đưa Khai Silk phát triển không nhất thiết phải là người thân, là con cháu tôi. Đó phải là người thật giỏi, có tâm và đủ tầm để lèo lái cho doanh nghiệp phát triển hơn. Tôi không ép con cháu mình phải gánh vác trách nhiệm nếu công việc này không phù hợp với khả năng của họ.

- Tức là ông đã tính cách khác để phát triển Khai Silk?

- Hiện giờ thì tôi vẫn đang làm rất ổn. Nhưng tôi tính rồi, trong tương lai, có khả năng là 5-10 năm nữa tôi sẽ cổ phần hóa Khai Silk. Mục đích không phải vì tiền mà là để tìm một CEO thật giỏi để đưa tập đoàn phát triển tốt nhất.

Mấy năm nay, tôi lúc nào cũng nghĩ và chuẩn bị cho điều này. Mình quyết tâm làm thì trong 1 năm sẽ cổ phần xong thôi. Việc này có thể sẽ được thực hiện sau khi tôi xây 2 tòa nhà mới. Tôi chọn mốc này vì tôi thấy cũng phù hợp. Hơn nữa sau khi 2 cao ốc hoàn thiện thì giá trị tài sản của tập đoàn cũng lớn hơn rất nhiều rồi, đúng thời điểm có thể gặp những nhà đầu tư tốt.

- Có thông tin ông dự định hiến phần lớn tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện, điều này có đúng không?

- Tôi làm từ thiện rất nhiều và thông qua nhiều kênh, nhiều cách, nhưng tôi không quan niệm hiến hết tài sản của mình, mang hết tài sản của mình đi làm từ thiện đâu. Tôi muốn tài sản của tôi được sinh sôi, để còn có cơ hội làm cần câu cho người khó.

Nói ra thì người ta bảo là mình lý thuyết, nhưng bạn nghĩ đi, mình cứ mang cá đi cho mãi sẽ không ý nghĩa gì đâu. Rồi đến khi hết tiền, hết cá có chắc những hoàn cảnh mình giúp họ có giàu lên không. Cái quan trọng là phải sử dụng số tiền mình đang có để tạo ra một số tiền mới, để dòng tiền mới đó vừa tạo ra lợi ích cho xã hội, vừa giúp được xã hội.

Doanh nhan Hoang Khai: '5-10 nam nua toi co phan Khai Silk' hinh anh 1
" Đừng ép con cháu mình giữ trọng trách phát triển doanh nghiệp nếu không phù hợp với khả năng của chúng".

Hãy nhớ là đừng để mất vốn. Ví dụ mình có 10 tỷ, đừng lấy hết cả 10 tỷ đi cho. Hãy dùng 10 tỷ này tạo ra lợi nhuận và dùng lợi nhuận đó làm từ thiện.

Mong muốn của tôi là sẽ trích một phần tài sản của mình lập ra quỹ từ thiện và giao cho một tổ chức uy tín quản lý. Họ sẽ đầu tư cho tài sản sinh lợi, có tiền giúp ích những địa chỉ còn khó khăn. Tôi muốn vậy và sẽ cố gắng thực hiện. Tôi cũng muốn khi làm được rồi thì quỹ này sẽ tồn tại mãi.

Đừng tiết kiệm bằng cách ăn uống kham khổ để làm từ thiện

- Có phải “tính kỹ” như vậy mà gần đây ông thường đi vé máy bay giá rẻ để tiết kiệm chi phí làm từ thiện?

- Đừng gọi là tính kỹ, mà phải gọi là làm đúng và đó là điều tôi thấy mình cần làm. Mỗi lần đi vé giá rẻ là tôi tiết kiệm 5-7 triệu đồng. Chừng 15 chuyến như thế là tôi đủ tiền để mang niềm vui đến cho 2-3 lớp học ở một xã khó khăn rồi.

Nhưng tôi không khuyến khích mọi người ăn uống kham khổ, đi xe xấu hơn để tiết kiệm làm từ thiện đâu. Hãy sống đúng với tiêu chí cuộc sống của mình. Làm thế nào hợp lý, đảm bảo sức khỏe, hình ảnh của mình nhưng phải đảm bảo các điều kiện cho phép mình làm được nữa.

Ví dụ, tôi đi công tác xa, để ký kết những hợp đồng lớn thì tôi sẽ không đi vé giá rẻ. Tôi phải đảm bảo sức khỏe và giữ được hình ảnh khi xuất hiện trước đối tác chứ.

Nhưng nếu trong đoạn đường 1-2 giờ bay thì tôi đi vé giá rẻ, di chuyển bằng xe buýt. Tôi không ngại xếp hàng dài chờ làm thủ tục bay giá rẻ, lên máy bay được xếp ngồi gần toa-lét, với tôi không vấn đề gì hết.

Khi đi làm từ thiện tôi cũng chọn cách gần gũi nhất. Thật kỳ cục nếu anh đến với người nghèo ở một vùng khó khăn mà đi trên một chiếc xe siêu sang.

- Ông có đặt tiêu chí mỗi năm sẽ thực hiện bao nhiêu chuyến từ thiện, hay có kế hoạch tập đoàn của ông mỗi năm sẽ trích chi phí bao nhiêu để làm từ thiện không?

- Tôi không đặt ra bất cứ tiêu chí nào cho chuyện làm từ thiện, mà đó là xuất phát từ tâm. Tiêu chí của tôi là sau một khoảng thời gian làm việc, tôi giật mình ồ lên: Sao lâu rồi mình chưa tặng gì cho người khó khăn xung quanh mình. Thế là tôi lên đường thôi.

Năm nay tôi làm 3-4 chuyến rồi, đến cuối năm thì 3-4 chuyến nữa. Tôi làm như vậy lâu rồi, đều đặn và thấy bình thường.

Doanh nhan Hoang Khai: '5-10 nam nua toi co phan Khai Silk' hinh anh 2
Hình ảnh xếp hàng đi máy bay bằng vé giá rẻ, di chuyển bằng xe buýt để tiết kiệm tiền làm từ thiện đã không còn lạ với doanh nhân Hoàng Khải.

Gần đây, tôi thỉnh thoảng có thêm nguồn thu nhập bằng “nghề tay trái”, đó là làm đại diện cho một số sản phẩm, cũng kiếm được kha khá thù lao. Toàn bộ số tiền đó tôi để dành hết làm từ thiện. Tôi dự định sẽ xây 3-5 trường học cho các vùng khó khăn.

Mấy chục năm với ẩm thực, tơ lụa tôi thấy mình cũ rồi!

- Đang làm tốt mảng âm thực, du lịch, gần đây ông lại đầu tư mạnh vào bất động sản (BĐS)? Có phải ông thấy thời điểm này rất phù hợp để đổ tiền vào BĐS, hay vì nhà hàng, khách sạn không còn hấp dẫn?

- Không phải tôi chán nhà hàng, khách sạn. 10 năm là một chu kỳ. Trong lĩnh vực ẩm thực nhà hàng, tôi thấy mình nên dừng lại để làm mới mình và nhường đường cho những nhân tố mới. Thời điểm này, tôi thấy cần làm những công trình khác để đời hơn.

Bạn biết đó, để mở một nhà hàng thì dễ, nhưng để đầu tư cho một tòa building với thiết kế độc đáo không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn lòng.

Tôi cũng muốn dành tư duy mới cho những đầu tư mới. Mấy chục năm rồi loanh quanh với nhà hàng, khách sạn, tơ lụa làm tôi thấy mình cũ. Tôi muốn có một làn gió mới, tạo hứng khởi mới mẻ hơn.

Còn thời điểm tốt hay không tốt là tùy năng lực và quyết tâm đầu tư của doanh nghiệp. Thị trường lúc nào cũng cạnh tranh, lúc nào cũng có khó khăn song hành với cơ hội. Nhưng với GDP mỗi năm tăng 5-7% như hiện nay thì BĐS trong 5-7 năm nữa tiếp tục phát triển. Thị trường căn hộ, văn phòng đang khá ổn.

- Vậy tại sao ông không đầu tư căn hộ bán như các doanh nghiệp trên thị trường?

- Thế mới là Hoàng Khải. Tôi luôn đi bằng lối đi riêng. Nhưng nói đúng hơn bây giờ tôi muốn việc kinh doanh của mình phải có giá trị đặc biệt để lại cho đời sau.

Tôi muốn tập trung vào những công trình kiến trúc mang lại những nét độc đáo khác biệt cho TP HCM. Có điều kiện đi nhiều thành phố lớn trên thế giới, tôi thấy mỗi thành phố cần có những công trình tuyệt tác. TP HCM xứng đáng phải có những công trình như vậy.

Tôi nổi tiếng sống với ước mơ

- Nhiều người đang nói ông chơi ngông khi đầu tư đến 40 triệu USD vào 2 cao ốc hạng sang, trong khi văn phòng hạng sang đang liên tục mọc lên ở TP HCM?

- Với tất cả các sản phẩm BĐS mà mình đầu tư, tôi đều muốn đạt đến sự hoàn mỹ, thăng hoa trong từng chi tiết thiết kế. Nói cách khác là tôi muốn biến các toà nhà của mình có hồn hơn, trở thành các kiến trúc đặc biệt có thể mang lại giá trị tiềm ẩn trong tương lai. Từ vẻ đẹp này sẽ "định" ra một mức giá mà mỗi khách đến đầy đều vui vẻ chấp nhận bỏ tiền để mua.

Cái ngông của tôi trong kinh doanh không hẳn là ngông, mà chỉ là sự lầm lẫn giữa cách nhìn mà thôi.

Khi tôi xây văn phòng cho thuê và đón đầu dòng chảy tài chính, tôi tự tin để nói rằng, mình sẽ mang những “tuyệt phẩm kiến trúc” làm cho thành phố đẹp hơn, có dấu ấn hơn, chứ xây chỉ như những khối bê tông “lạnh lùng” thì còn gì là đẹp.  

- Ông từng chia sẻ về dự án nhà hát của mình, đến nay thì dự án này ra sao, ông còn có ý định đầu tư?

- Dự án này không khả thi nên tôi không đầu tư nữa. Có nhiều thứ khác cần hơn, để ưu tiên hơn trong lúc này. Nhà hát là giấc mơ đẹp của tôi. Gác lại tôi tiếc lắm, nhưng cuộc đời phải có nhiều ước mơ, chúng ta có quyền mơ những điều tốt đẹp để sống tốt đẹp hơn chứ.

Bây giờ giấc mơ nhà hát tôi gác lại, nhưng tôi lại đang tập trung vào 2 công trình kiến trúc đặc biệt. Có thể sau 2 tòa nhà này, tôi lại có những giấc mơ khác và tập trung hiện thực nó nếu tôi còn sức khỏe. Tôi nổi tiếng sống với ước mơ, và tôi nghĩ ai cũng cần có những ước mơ đẹp như vậy.

- Ông nói gì khi có người đặt câu hỏi về tiềm lực tài chính của Khai Silk, tiền đâu Hoàng Khải liên tục đầu tư những công trình đồ sộ như thế?

- Tiền ngân hàng đó. Đừng than đi vay khó nhé. Tôi đã nói là làm ăn thì lúc nào cũng khó và lúc nào cũng dễ. Việc thuyết phục được ngân hàng cho vay là cái giỏi của doanh nghiệp, tất nhiên mình phải có vốn đối ứng.

Một doanh nghiệp phát triển mà nói không dựa vào ngân hàng là tôi không tin. Doanh nghiệp không đi vay thì không còn là doanh nghiệp thịnh vượng nữa.

Tất nhiên, bản thân mình phải có uy tín, dự án mình tốt thì mới thuyết phục ngân hàng. Nói như vậy để thấy rằng, trong làm ăn uy tín rất quan trọng. Anh mang uy tín, dự án tốt đi "thế chấp" với ngân hàng thì họ cho anh vay thôi.

Chuyện đồn đại, nghi ngờ tiền ở đâu ra nhiều thế để họ làm cái này, đầu tư cái kia hãy dành cho những người suy nghĩ thiển cận, họ chưa biết rõ như thế nào là một doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp phát triển họ vay hàng nghìn tỷ để làm ăn chứ. Tất nhiên vay và trả nợ thì phải đảm bảo.

Người Việt mình hay lo xa, họ thấy doanh nghiệp nhiều tiền lại nghĩ làm bậy, là rửa tiền. Tôi thấy thú vị với chuyện đồn đại trong cuộc sống như thế. Lúc nào cũng đường đường chính chính một hướng thì tẻ nhạt lắm. (cười to).