Nhiều mã đồng loạt giảm giá tại thị trường chứng khoán châu Á cũng như ngay tại Phố Wall sau khi gói kích thích kinh tế được Thượng viện Mỹ thông qua. Giới đầu tư vẫn dè dặt về sức mạnh thực sự của kế hoạch tài chính này.
Hầu hết các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Mỹ đều bày tỏ mối quan ngại đối với tính khả thi của kế hoạch giải cứu ngành ngân hàng trị giá 838 tỷ USD vừa được Thượng viện thông qua. Họ cho rằng kế hoạch này thiếu tính cụ thể trong việc phân bổ số tiền hỗ trợ chung cho nềnn kinh tế và từng doanh nghiệp.
Ông James Cox, thành viên Ban Giám đốc của Harris Financial Group cho rằng: “Tin tốt là chính phủ sẽ sử dụng khoảng 1.000 tỷ USD để cứu nền kinh tế, còn tin xấu là họ không biết dùng nó như thế nào. Quá nhiều hy vọng được đặt lên gói giải pháp này và chúng ta cần phải thực tế.”
Hầu hết các cổ phiếu giảm giá mạnh tại Mỹ đều thuộc nhóm tài chính. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bầu không khí u ám của thị trường khi các nhà đầu tư cố gắng bán ra càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, nhu cầu ở các kênh đầu tư an toàn như vàng hoặc bất động sản lại tăng cao.
Cổ phiếu của Bank of America giảm 1,33 USD (19%), Wells Fargo & Co giảm 2,71 USD (14%). Cổ phiếu các ngân hàng khu vực cũng có mức giảm tương tự. Fifth Third Bancorp giảm 0,7 USD (24%), Huntington Bancshares giảm 0,65 USD (19%) trong khi con số này của General Electric là 1,02 USD tức 8,1%.
Hệ quả của tình trạng này là chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 381,99 điểm vào thời điểm đóng cửa ngày hôm qua (10/2) tức 4,62%, xuống 7.888,88 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 1/12 năm ngoái. Chỉ số công nghệ cao Nasdaq cũng giảm 66,83 điểm (4,2%) xuống 1.524,73 điểm.
Standard & Poors 500 (S&P 500) giảm 42,73 điểm (4,91%) xuống còn 827,16 điểm, cũng là kỷ lục kể từ khi Tổng thống Obama lên nắm quyền. Trong khi đó, chỉ số Russell 2000 dành cho các công ty vừa và nhỏ cũng giảm 22,17 điểm (4.74%) xuống còn 445,77 điểm.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã “kịp” giảm 0,29% vào cuối ngày hôm qua trước khi thị trường chứng khoán lớn thứ 2 thế giới này đóng cửa vào ngày hôm nay để nghỉ lễ. Các thị trường khác cũng có dấu hiệu đi xuống, dẫn đầu là Hàn Quốc khi chỉ số Kospi giảm 1,3%. Chỉ số S&P/ASX cũng mất đi 0,8% giá trị. Chỉ số MSCI Asia Pacific (không bao gồm Nhật Bản) giảm 2% xuống mức 232,2 điểm vào lúc mở cửa thị trường Singapore hôm nay.
Các chỉ số chứng khoán giảm cũng đồng nghĩa với giá cổ phiếu của các công ty cũng rơi vào tình thế nguy hiểm. Giá cổ phiếu của Ngân hàng quốc gia Australia giảm 1.3%. Cổ phiếu của BHP Billiton, hãng khai mỏ lớn nhất thế giới, giảm 2,8% tại Sydney do nhu cầu thị trường giảm mạnh. Trong khi đó, cổ phiếu của của hãng vận tải lớn nhất Đông Nam Á Neptune Orient Lines cũng mất đi 3,2% giá trị.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,19%, chỉ số DAX của Đức giảm 3,46% trong khi ở Pháp, chỉ số CAC-40 cũng có mức giảm 3,64%.
Theo VnExpress
▪ Thị trường Hà Nội sau Tết: Nhiều cửa hàng đóng cửa trở lại (11/02/2009)
▪ Giá vàng tiến gần 19 triệu đồng mỗi lượng (11/02/2009)
▪ Khủng hoảng tại Mỹ chưa phải là tồi tệ nhất (11/02/2009)
▪ Lỗ nặng vì đầu tư tài chính (11/02/2009)
▪ Cổ phiếu của CEO nữ hấp dẫn hơn của nam (11/02/2009)
▪ Blue-chips mất giá đồng loạt (11/02/2009)
▪ Giá thực phẩm đã giảm nhưng sức mua vẫn chậm (11/02/2009)
▪ Dầu giảm còn 10.500 đồng/lít: Giá xăng vẫn “neo” cao (11/02/2009)
▪ Doanh nghiệp vốn dưới 80 tỷ đồng chuyển khỏi sàn TP HCM (11/02/2009)
▪ Nhà đầu tư sẽ được hoàn trả thuế thu nhập chứng khoán (11/02/2009)