Hình thành các tập đoàn đa sở hữu
Các Website khác - 22/11/2005
Với việc nắm giữ 35,4% cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tribeco theo phương thức thỏa thuận, Công ty TNHH Kinh Đô đang thực hiện chiến lược mở rộng và phát triển Kinh Đô theo hướng đa ngành nghề.

Tại buổi họp công bố chính thức việc “ thâu tóm” Tribeco, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kinh Đô, không giấu giếm ý định sẽ tiếp tục đầu tư vào một số công ty khác , để trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh mang tầm cỡ khu vực trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và phân phối.

Công ty May Việt Tiến cũng vừa liên doanh với một hãng sản xuất mỹ phẩm cao cấp nước ngoài để “khép kín” vòng sản phẩm thời trang, từ sơ mi, quần tây, quần áo thời trang cho đến nón, cà vạt, nịt, ví da, đồ lót và... mỹ phẩm. Với hàng chục công ty “con”, công ty “mẹ” Việt Tiến vẫn chưa muốn dừng lại trên con đường đa sở hữu, để trở thành một doanh nghiệp (DN) đầu tàu lớn không chỉ của Vinatex, mà của cả nền kinh tế. Công ty Cổ phần Sữa VN (Vinamilk) đã chuyển đổi thành công ty cổ phần hóa DN, tăng thêm vốn cho Nhà nước 720 tỉ đồng, bán đấu giá cổ phiếu hai đợt làm lợi cho Nhà nước 459 tỉ đồng. Đặc biệt, 10 năm liên tục, công ty đã đầu tư gần 1.170 tỉ đồng phát triển quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị, xây dựng 5 nhà máy chế biến sữa trên 5 vùng trọng điểm của cả nước, nâng tổng số nhà máy hiện có lên 8. Để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập, từ năm 2005 trở đi, công ty chuẩn bị triển khai xây dựng thêm 5 nhà máy mới, trong đó có nhà máy bia, sữa và nhà máy chế biến cà phê. Tổng Công ty Thuốc lá VN (Vinataba) cũng đang chuyển đổi theo hướng trở thành một tập đoàn đa sở hữu, đa ngành nghề, không chỉ sản xuất thuốc lá điếu, sợi; mà còn sản xuất bánh kẹo, rượu và... kinh doanh bất động sản. Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang tập trung khai thác hệ thống phân phối và thương hiệu mạnh (tất cả sản phẩm của các công ty con đều cùng một kênh phân phối và thương hiệu của công ty mẹ) để xây dựng một tập đoàn mạnh. Hiện Sabeco đang tiến hành hợp tác với 3 hãng nổi tiếng quốc tế để mở rộng thị trường, đa dạng hoá sản phẩm ; thực hiện “chiến lược vàng”- cổ phần hóa 36 chi nhánh, sắp xếp lại công ty dịch vụ thương mại thành công ty TNHH một thành viên- phát huy tối đa năng lực điều hành thị trường ...

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc hình thành các DN lớn, các tập đoàn kinh tế lớn đa sở hữu mà nòng cốt là sở hữu Nhà nước và có quyền đầy đủ hơn trên thị trường là điều cần thiết trong hội nhập. Nhưng không phải hình thành theo mệnh lệnh hành chính, mà theo thực lực của DN và nguyên tắc của thị trường. Không nên sáp nhập những DN đang thua lỗ, đang trong tình trạng phá sản vào những DN mạnh, tạo gánh nặng cho những DN này. Tín hiệu từ Chính phủ cũng cho thấy, sắp tới, Chính phủ sẽ kiên quyết sắp xếp lại DN Nhà nước để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Theo dự kiến, đến cuối năm 2006, cả nước sẽ chỉ còn khoảng 100 tổng công ty với 1.800 DN trực thuộc.

Minh Hà