Kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý 4 và cả năm 2008 đang được nhiều công ty niêm yết liên tiếp công bố khiến thị trường chứng khoán càng ảm đạm
TRI – thương hiệu lừng lẫy một thời nay bị đưa vào diện kiểm soát vì thua lỗ. Ảnh: H.T
Công ty cổ phần Cơ điện lạnh, mã chứng khoán REE đầu tuần này vừa bị sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện kiểm soát cùng với ba cổ phiếu VTA, BHS và VHG vì kinh doanh thua lỗ năm 2008.
Hậu quả đầu tư tài chính
Kể từ ngày mà bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc REE trong tay không một miếng đất thế chấp mà vẫn đến ngân hàng vay tiền thời công ty còn chập chững những năm 90, thì năm 2008 là một năm đầy sóng gió và bất ngờ nhất.
REE kinh doanh trên bốn lĩnh vực: dịch vụ cơ điện M&E, bất động sản, đầu tư chiến lược và hạ tầng điện, nước, khoáng sản, đã thua lỗ 139,34 tỉ đồng luỹ kế cả năm. Do thua lỗ vì trích lập dự phòng đầu tư tài chính cho các khoản đầu tư giảm giá, REE trở thành trường hợp điển hình của việc đổ tiền vào đầu tư tài chính và hứng chịu hậu quả khi giá chứng khoán đổ dốc.
Chung số phận thua lỗ một phần do đầu tư tài chính dẫn đến bị kiểm soát là TRI của công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn với lợi nhuận cả năm 2008 âm 145 tỉ đồng. Trong quý 4, TRI phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính gần 13,6 tỉ đồng với các khoản đầu tư vào Kinh Đô, Kido và Sabeco bị giảm giá. Chi phí tài chính khác trong quý 4 là 10,4 tỉ đồng.
Giá giảm bất ngờ
Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả lợi nhuận âm trong quý 4/2008, mà nguyên nhân chiếm nhiều nhất là chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh vượt ngoài kiểm soát. Cụ thể là giá bán hàng thấp hơn giá vốn trong quý 4 phủi sạch lợi nhuận cả năm. Ông Nguyễn Xuân Trình, tổng giám đốc công ty mía đường Biên Hoà, mã BHS cũng bị đưa vô diện kiểm soát cùng lượt với REE nói rằng, không ai nghĩ giá nông sản giảm đến 2/3 như vậy. “... Trở tay không kịp”, ông nói.
Quý 4/2008, Hoà Phát Group (HPG) lợi nhuận sau thuế âm gần 232 tỉ đồng do giá thép và nguyên liệu sản xuất của ngành thép giảm giá kỷ lục 50%. Cùng chung số phận lỗ nặng còn có công ty CP XNK Petrolimex (PIT), công ty CP phát triển đô thị Kinh Bắc (KBG), công ty kinh doanh khí hoá lỏng Miền Bắc (PVG), cổ phần Hoa Sen (HSG) lỗ...
Lãi vay ngân hàng
Một nguyên nhân khiến doanh nghiệp lao đao là chi phí tài chính (lãi vay ngân hàng). Quý 4 công ty cổ phần đầu tư CMC lỗ 27,9 tỉ đồng, kéo cả năm lỗ 23 tỉ đồng. Nguyên nhân do chi phí tài chính vọt mạnh lên 30 tỉ đồng, trong đó dự phòng tài chính ngắn hạn là 23,5 tỉ đồng.
Một yếu tố không kém quan trọng khác: nghiệp vụ bút toán. Trong các kỳ báo cáo quý, các khoản nợ quá hạn, nợ khó đòi, hàng tồn kho, dự phòng đầu tư tài chính… thường được ước tính. Nhưng đến cuối kỳ thì kiểm toán yêu cầu tuân thủ các khoản trích lập, vì vậy quý 4 là quý đặc biệt hơn cả. Gỗ Trường Thành hoặc Bảo hiểm Viễn Đông đã không trích lập dự phòng đầu tư tài chính hồi giữa năm 2008 sẽ khó lòng “thoát” khỏi các khoản này trong báo cáo cuối năm.
Cơn bĩ cực chưa qua
Bốn lĩnh vực mà REE đang theo đuổi thì hai trong đó là bất động sản và đầu tư tài chính nằm trong “vùng xoáy” rủi ro hệ thống khiến suy giảm kinh tế trong năm qua. “Nếu đổ lỗi dự báo trong từng việc thì không hẳn. Năm qua tin tức đến quá nhanh, doanh nghiệp thu thập thông tin và phân tích còn yếu. Chúng tôi còn quá ít kinh nghiệm trong lĩnh vực tiền tệ”, bà Mai Thanh thẳng thắn.
Năm 2009, REE sẽ xác định những hoạt động đang sinh lãi và tập trung vào, mở rộng thị phần và qua đó tìm lợi nhuận.
“Thị trường có thông tin gì để kích thích tâm lý mua bán nữa đâu, ngoài việc nghe tin thua lỗ của doanh nghiệp và chờ đợi tác động của chính sách tiền tệ?”, nhà đầu tư Lý An nói. Lãnh đạo của một công ty chứng khoán vừa bán một phần cổ phần trong công ty và dự định chuyển sang đầu tư vàng. Chứng khoán không còn là lựa chọn ít nhất đến tháng 6, nhiều nhà đầu tư nhận định vậy.
Theo SGTT
▪ Khách du lịch đến Bắc Hà tăng 20% so với năm ngoái (12/02/2009)
▪ Chứng khoán giá rẻ: Cơ hội 10 năm có một? (12/02/2009)
▪ Người trồng xoài lo mất tiền tỉ vì mưa trái mùa (12/02/2009)
▪ Sữa tươi Vinamilk “không bình thường” do nhiễm khuẩn (12/02/2009)
▪ Dầu quay lại mức 35 USD (12/02/2009)
▪ Vàng lên 19,3 triệu đồng/lượng (12/02/2009)
▪ Địa ốc chớm tan băng (12/02/2009)
▪ Thủ tướng 'nhắc' Vinashin không đầu tư dàn trải (12/02/2009)
▪ Bán tư trang giúp công ty cầm cự (12/02/2009)
▪ Chứng khoán nhúc nhắc lên điểm (12/02/2009)