Kinh tế Việt Nam đi đúng hướng
Các Website khác - 02/12/2005

Trước thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ sắp diễn ra tại Hà Nội, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN Klaus Rohland đánh giá cải cách đang đạt được những bước tiến rất đáng kể. Giá nguyên liệu biến động, dịch cúm hoành hành, song cân bằng vĩ mô vẫn kiểm soát được.

Nhà tài trợ đánh giá cao chính sách kinh tế vĩ mô của VN. Ảnh: A.T.

Báo cáo kinh doanh mới nhất của WB cho thấy, trong 10 tháng qua, khu vực dịch vụ hoạt động mạnh, trong đó tổng mức bán lẻ và du lịch tăng khá cao, đạt 8,2%, cao hơn GDP. Bất chấp thời tiết xấu và dịch cúm gia cầm, tăng trưởng nông nghiệp cũng đạt tới 4,1%.

Một điểm đáng chú ý là tốc độ nhập khẩu giảm xuống trong 6 tháng cuối năm, trong đó tỷ trọng máy móc thiết bị chỉ tăng dưới 2%. Hiện dự trữ ngoại hối của VN vào khoảng 8,3 tỷ USD, tương đương 12 tuần nhập khẩu.

Thành công của đợt phát hành trái phiếu quốc tế được các chuyên gia kinh tế của WB đánh giá rất cao. Theo ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng, mức chênh lệch lãi suất trái phiếu VN so với trái phiếu của kho bạc Mỹ thấp hơn nhiều so với một số nước đang phát triển như Phillippines, Argentina và Brazil.

Duy có một vấn đề khiến tổ chức tài chính lớn nhất thế giới này quan ngại là tăng trưởng và chất lượng tín dụng. Số liệu của WB tính toán, nợ xấu của các ngân hàng VN đang ở mức 13-18%, tuy nhiên báo cáo của bản thân các ngân hàng lại chỉ vỏn vẹn 4%, Ngân hàng Nhà nước VN thì đưa ra con số 10%. Ông Martin Rama khuyến cáo, tình hình này có thể xử lý được chứ không gây sụp đổ ngân hàng, nhưng VN nên xử lý sớm.

Nhận xét về ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của 2 luật Doanh nghiệp và Đầu tư vừa được thông qua, ông Klaus Rohland nói: "Đã có một bước tiến dài trong công tác làm luật. Đóng góp của hiệp hội doanh nghiệp đã được ghi nhận và phản ánh vào luật. Cách giải quyết và xử lý của Quốc hội cũng như ban soạn thảo luật khiến cộng đồng doanh nghiệp yên tâm hơn. WB không xem luật mới cản trở sự phát triển như trước đây".

WB nhận định kinh tế VN đi đúng hướng sẽ được phản ánh vào cam kết của các nhà tài trợ trong 2 ngày 6-7/12 tới. Tuy tốc độ tăng trưởng GDP của VN cao, song chưa phải lúc thích hợp để giảm cam kết tài trợ vì thu nhập bình quân đầu người vẫn ở ngưỡng thấp. Hiệu quả sử dụng ODA theo đánh giá của WB là khá tốt, song họ tỏ ra lo ngại về tiến độ các dự án. Ông Klaus Rohland cho hay, thời gian trung bình để thực hiện một dự án trên thế giới là 5 năm thì ở VN là 6 năm, thời gian chuẩn bị cho dự án là 17-18 tháng thì ở VN là 26 tháng.

Đề cập đến hỗ trợ của cộng đồng quốc tế khi VN tham gia sân chơi WTO, ông Klaus Rohland tuyên bố các nhà tài trợ sẵn sàng giúp chính phủ có những điều chỉnh trong sân chơi mới. Gia nhập WTO, có những ngành được và mất, vì vậy Chính phủ cần phân tích hệ quả của việc gia nhập để điều chỉnh chính sách an sinh xã hội thích hợp cho những lĩnh vực dự kiến bị thiệt hại nặng nề nhất.

Phong Lan