Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản USD thêm 0,25 điểm phần trăm, doanh nghiệp trong nước có xu hướng ngại vay vốn bằng USD do lo ngại rủi ro. Tuy nhiên, hiện giao dịch ngoại tệ ở các ngân hàng vẫn chưa có nhiều biến động.
Ngày 9/8, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản USD lên 3,5%/năm. Đây là lần thứ 10 liên tiếp lãi suất USD được kéo lên kể từ khi Mỹ theo đuổi chính sách thắt chặt tín dụng hơn 1 năm trước.
Lãi suất USD của Mỹ lên cao đã khiến các ngân hàng trong nước phải tăng lãi suất USD leo theo. Ngày 11/8, ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập Khẩu VN (Eximbank) công bố tiếp tục tăng lãi suất huy động USD ở hầu hết các kỳ hạn, mức tăng cao nhất là 20 điểm cơ bản. Trước đó một tuần, Ngân hàng Ngoại thương VN cũng chính thức áp dụng lãi suất huy động tiết kiệm mới đối với đồng USD. Mức lãi suất mới tăng từ 0,05% đến 0,40%/năm cao hơn so với Eximbank. Trong đó, đáng chú ý nhất là kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, nếu số tiền gửi của khách hàng từ 20.000 USD trở lên thì lãi suất tăng 0,55%/năm. Ngay sau đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) - Chi nhánh TP HCM cũng nhảy vào cuộc đua tăng lãi suất USD, với mức tăng từ 0,3 đến 0,4%/năm. Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng rục rịch tính chuyện tăng lãi suất trước các áp lực của thị trường và nhu cầu vốn cuối năm của các doanh nghiệp.
Theo Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh TP HCM Nguyễn Phước Thanh, việc tăng lãi suất huy động ngoại tệ của FED và một số ngân hàng trong nước đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều doanh nghiệp khi vay vốn. Bởi một khi lãi suất huy động được điều chỉnh theo chiều hướng tăng thì bắt buộc lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng từ đó tăng theo.
Bà Phạm Tuyết Lan, Giám đốc Công ty xuất khẩu hàng mây tre Thanh An, cho rằng, lãi suất USD vẫn trong xu thế tăng trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong nước cũng tăng cao nên sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá của VND và ngoại tệ. Như thế, doanh nghiệp phải tính lại bài toán vay vốn kinh doanh. Mặt khác, nếu đồng VN trượt giá (lãi suất giảm) vẫn có thể bù được, trong khi đó đối với USD hoàn toàn không. Lúc này, các doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang vay VND thay vì USD để hạn chế rủi ro.
Tuy nhiên, đến thời điểm này tình hình giao dịch đối với đồng USD tại các ngân hàng vẫn chưa có biến động đáng kể. Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh VN (VP Bank) ông Lê Đắc Sơn cho biết, tình hình vay USD của các doanh nghiệp tại VPBank vẫn ổn định và không có cơ sở để khẳng định các doanh nghiệp không vay vốn bằng USD mà chuyển sang VND. Thứ nhất theo ông Sơn, hiện nay chênh lệch lãi suất USD và VND còn cao. Hiện tại, lãi suất USD tại hầu hết các ngân hàng đang dao động trong mức 6-6,5%, trong khi đó lãi suất VND lại ở trong khoảng 9%. Ông Sơn cho rằng, ngay cả khi FED nâng lãi suất cơ bản USD lên 4-4,5%, sự chênh lệch trên vẫn rất cao. Do đó, từ nay đến cuối năm nếu doanh nghiệp vay vốn bằng USD vẫn có lợi hơn là vay bằng VND. Thêm vào đó, mức độ trượt giá của VND so với USD vẫn chỉ dao động trong khoảng trên dưới 1%.
Theo ông Sơn, việc FED liên tục nâng lãi suất USD như thời gian vừa qua khiến chi phí cho đầu vào của doanh nghiệp bị đẩy lên, đồng thời hạn chế khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Song, ngược lại nó cũng góp phần làm cho thị trường trở nên chặt chẽ và thực tế hơn. Ông lý giải, do công việc kinh doanh đối với một số ngành nghề bắt buộc phải sử dụng ngoại tệ để nhập hàng (thiết bị, máy móc và một số mặt hàng khác), doanh nghiệp vẫn phải vay USD để chi trả tiền hàng. Những doanh nghiệp đã có phương án mở rộng kinh doanh, để đảm bảo tiến độ họ cũng sẽ phải vay USD. Còn những doanh nghiệp làm ăn không có kế hoạch rõ ràng thì có thể sẽ tỏ ra "chùn bước" khi lãi suất USD lên cao.
Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải cũng khẳng định, nhu cầu vay USD của một số doanh nghiệp không thể thiếu. Vì thế, lãi suất cho vay đối với USD của các ngân hàng trong thời gian tới có tăng thêm cũng chưa phải là rào cản đối với doanh nghiệp. Hiện ACB phải cân nhắc tính toán vấn đề lãi suất dù đã tăng lãi suất huy động USD vào giữa tháng 7 vừa qua.
Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP HCM, việc điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trong những ngày vừa qua là biến động bình thường của thị trường lãi suất nói chung, không gây ra hiện tượng đột biến. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa tính đến chuyện phải can thiệp bằng bất cứ một biện pháp mạnh nào. "Nếu các ngân hàng tăng lãi suất huy động thì đương nhiên họ sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo chiều tăng. Điều này sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó lại giúp doanh nghiệp cân nhắc kỹ lượng khi vay USD nếu không có nhu cầu thực sự", ông Hạnh nói.
Ông Hạnh cho rằng, việc FED tăng lãi suất vẫn chưa ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ trong nước. Khách hàng không thể rút toàn bộ VND để mua USD gửi vào. Lý do, lượng USD ở các ngân hàng và ngoài thị trường tự do cũng có hạn. Nếu khách hàng muốn vay nhiều hơn định mức của ngân hàng hoặc không chứng minh được nhu cầu vay vốn thì ngân hàng khó có thể đáp ứng. Vì thế, việc lãi suất USD tăng là biến động bình thường của thị trường. Điều đáng chú ý hơn là nguồn USD của các ngân hàng còn nhiều hay ít để đáp ứng cho doanh nghiệp.
Nguyễn Thuỳ - Hà Vy
▪ Xuất khẩu chè giảm mạnh (11/08/2005)
▪ Việt Nam kết thúc đàm phán WTO với Iceland (12/08/2005)
▪ Thành lập thêm 13 KCN trên cả nước (12/08/2005)
▪ Các nhà máy của Vinashin quá tải (12/08/2005)
▪ Xây dựng khu thương mại VN tại Quảng Tây (12/08/2005)
▪ Triển lãm quốc tế về chăn nuôi và chế biến sữa 2006 (12/08/2005)
▪ Tôm rớt giá, không chỉ người nuôi điêu đứng... (12/08/2005)
▪ Một phiên đấu giá không đáng ồn ào (13/08/2005)
▪ Việt Nam kết thúc đàm phán song phương WTO với Ấn Độ (13/08/2005)
▪ Ngân hàng nước ngoài đầu tiên cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân (13/08/2005)