Theo chuyên gia tư vấn đầu tư cao cấp Nhật Bản - Kyoshiro Ichikawa, VN đang là đích ngắm của nhà đầu tư Nhật, vì rủi ro và chi phí đầu tư thấp. Ông cho biết, trong thời gian ngắn trở lại đây nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào VN có xu hướng tăng trưởng mạnh.
Nếu như năm 2003, số vốn đầu tư đến từ xứ sở hoa anh đào chỉ đạt 136,02 triệu USD thì đến 2005, con số này là 913,9 triệu USD. 1 tỷ USD đang là đích ngắm của hai bên.
Theo ông Kyoshiro, một trong những lý do khiến nhà đầu tư Nhật chọn VN là chi phí đầu tư và rủi ro thấp hơn so với một số nước trong khu vực, đồng thời nền kinh tế VN cũng luôn tăng trưởng ổn định. "Gần đây một số công ty lớn của Nhật không chỉ chọn Trung Quốc mà muốn đầu tư cả vào VN", ông nói thêm.
Ông Phạm Hồng Kỳ, Giám đốc Trung tâm đầu tư nước ngoài phía Nam (SFIC), kết quả hoạt động Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn một cho thấy, VN ngày càng thu hút nhiều hơn vốn đầu tư từ Nhật Bản. Hiện Nhật Bản đã đứng thứ 3 trong số các nước có vốn đầu tư cao nhất vào VN. Đây cũng là quốc gia dẫn đầu về vốn FDI thực hiện tại VN, có 591 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt trên 6,2 tỷ USD. Vì thế, trong thời gian tới SFIC sẽ đẩy mạnh việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với các ngành nghề sản xuất thu hút nhiều lao động như: dệt may, chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử, thủ công mỹ nghệ. Theo đó, SFIC sẽ xây dựng một chiến lược cụ thể, nhằm giúp nhà đầu tư Nhật hiểu rõ điểm mạnh, yếu của khu vực.
Riêng đối với TP HCM, giai đoạn năm 2006-2010, ông Lê Thành Đại, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư vào công nghệ cao, cơ khí chế tạo máy, hóa dược và công nghệ sinh học. "Thành phố sẽ duy trì các buổi gặp mặt giữa nhà đầu tư Nhật Bản và lãnh đạo thành phố để giải quyết kịp thời vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời cải cách, đơn giản thủ tục đầu tư, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp" ông khẳng định.
Nhân công rẻ không còn là lợi thế
Tuy nhiên, theo ông Kyoshiro, để thu hút được nhiều nhà đầu tư, VN cần cải thiện cơ sở hạ tầng (điện, giao thông, thiết bị cầu cảng...) và đơn giản thủ tục cấp phép, nâng cao tính thống nhất trong hệ thống luật. Đặc biệt, khâu xúc tiến đầu tư phải thực nhất quán, xuyên suốt quá trình thực hiện dự án và các cơ quan ban ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ.
Một trong những mối quan ngại lớn nhất với các nhà đầu tư Nhật Bản, theo ông Kyoshiro là VN vẫn thiếu trầm trọng đội ngũ lao động trình độ cao. Trước đây, nhà đầu tư Nhật chọn VN vì nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ. Nhưng nay, nhiều doanh nghiệp lại e ngại vấn đến này, bởi ít lao động trình độ cao nên rất khó khăn khi triển khai dự án. "Đơn cử như lĩnh vực công nghệ cao, trên thực tế đội ngũ lao động có khả năng thực sự trong ngành công nghệ thông tin cộng với sự hiểu biết thông thạo về tiếng Nhật của VN rất hiếm. Trong khi, đây là lĩnh vực luôn được VN ra sức mời gọi nguồn vốn", ông lý giải.
Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất thu hút nhiều lao động như dệt may ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: T.V. |
Một chuyên gia của Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP HCM (JETRO) cũng cho rằng, muốn thành công trong thu hút nguồn vốn từ Nhật, trước hết VN phải có kế hoạch kêu gọi đầu tư một cách rõ ràng và chi tiết. Sau đó, 2 bên sẽ cam kết thực hiện theo từng giai đoạn và cuối cùng là đánh giá kết quả. Từ đó, các bộ ngành mới nhận thấy những được mất qua quá trình triển khai dự án để rút kinh nghiệm cho những dự án kế tiếp. Mặt khác, trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư Nhật, VN phải thiết lập được mối quan hệ lâu dài dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. "Người Nhật luôn đặt sự thành thật, uy tín lên hàng đầu, dù lời hứa đó chỉ bằng miệng hay văn bản đều quan trọng như nhau. Tích cực hợp tác cũng là yếu tố quan trọng khi làm ăn với doanh nghiệp Nhật", vị chuyên gia trên nói.
Nguyễn Thùy
▪ Lấy ý kiến về điều chỉnh giá điện: Ngày càng có ít người tham gia (24/03/2006)
▪ Dự án điện Uông Bí sẽ phát điện đúng tiến độ (24/03/2006)
▪ Bảo hiểm nhân thọ Hàn Quốc lần đầu tiên có mặt tại VN (24/03/2006)
▪ VN xây dựng nhà máy kính nổi lớn nhất thế giới (24/03/2006)
▪ Cho phép xây dựng ba đường dây tải điện 500kV mới (24/03/2006)
▪ Việt - Mỹ hợp tác khai thác tour du lịch đường biển xuyên Việt (24/03/2006)
▪ Phong phú áo sơmi nam nữ (24/03/2006)
▪ Tivi plasma 60" của LG (24/03/2006)
▪ Sẽ áp thuế tuyệt đối cho tất cả ôtô cũ nhập khẩu (24/03/2006)
▪ Thanh tra Công ty bán hàng đa cấp Sinh Lợi (24/03/2006)