Các doanh nghiệp ngành đường đang xôn xao trước tin Chính phủ đã cho phép nhập khẩu đường thô gia công thành đường tinh luyện cho nước ngoài được bán số đường này ra thị trường nội địa thay vì phải tái xuất như đã quy định.
![]() |
Giá đường trong nước có xu hướng giảm. |
Quyết định này đã đảo ngược lại chủ trương được đưa ra từ đầu tháng 7 là “không cho phép nhập khẩu đường tinh luyện để tiêu dùng nội địa”, với mục đích giữ giá đường trong nước ở mức hợp lý để hỗ trợ các nhà máy đường nhằm đẩy nhanh tiến trình sắp xếp lại các đơn vị này. Do chênh lệch giữa giá đường trong nước và thế giới khá cao, có lúc lên đến 2.000 đồng/kg, nên thời gian qua dù không cho nhưng nhiều đơn vị vẫn nộp đơn xin nhập đường thô để sản xuất đường tinh luyện tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, tất cả đều bị Bộ Thương mại từ chối.
Một vài đơn vị đã tìm cách chuyển sang xin nhập đường thô để gia công cho nước ngoài và… tái xuất. Đã có ba đơn vị được cho nhập để gia công, gồm một công ty thương mại và hai nhà máy đường, nhưng cả 2 đều đã trả lại hạn ngạch lên đến trên 30.000 tấn vì giá gia công quá “bèo”. Chỉ có công ty thương mại ở phía Bắc nhập về 5.000 tấn và hợp đồng với nhà máy đường ở phía Nam gia công, theo quy định phải tái xuất trước ngày 30/9. Nay với quyết định mới, thay vì tái xuất, đơn vị này sẽ được bán đường ra thị trường nội địa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã lo ngại khả năng một lượng đường nhập khẩu sẽ bị “rò rỉ” ra thị trường nội địa, nên trong ngày 4/8 đã có văn bản đề nghị Bộ Thương mại “tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp được phép nhập khẩu đường để gia công và sản xuất hàng xuất khẩu. Nếu phát hiện vi phạm phải uốn nắn, nếu sai quy chế thì phải truy tố trước pháp luật.
Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị Bộ Thương mại báo cáo Chính phủ không cho nhập thêm đường để tiêu dùng trong nước vì cuối tháng 8 các nhà máy đường ở ĐBSCL đã chạy máy. Thế nhưng, một tuần sau đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quyết định cho bán đường nhập khẩu ra thị trường được đưa ra trên cơ sở đề nghị của Bộ Thương mại, UBND tỉnh Bình Dương và UBND TP Hải Phòng.
Nhiều nhà máy đường nêu vấn đề, cho nhập đường để bổ sung thiếu hụt trong nước là hợp lý nhưng thời điểm phải phù hợp. Vì sao ban đầu kiên quyết không cho nhập đường tiêu thụ nội địa nhưng đến phút chót lại cho bán? Một khi các nhà máy đường vẫn chưa được “khỏe” thì chuyện bảo hộ còn kéo dài và những ưu tư, bức xúc nảy sinh từ chính sách bảo hộ (cấm nhập, cho nhập, ai được cấp hạn ngạch…) vẫn chưa dứt.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Xuất khẩu chè giảm mạnh (11/08/2005)
▪ Việt Nam kết thúc đàm phán WTO với Iceland (12/08/2005)
▪ Thành lập thêm 13 KCN trên cả nước (12/08/2005)
▪ Các nhà máy của Vinashin quá tải (12/08/2005)
▪ Xây dựng khu thương mại VN tại Quảng Tây (12/08/2005)
▪ Triển lãm quốc tế về chăn nuôi và chế biến sữa 2006 (12/08/2005)
▪ Tôm rớt giá, không chỉ người nuôi điêu đứng... (12/08/2005)
▪ EU đề nghị tăng nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc (17/08/2005)
▪ Tin kinh tế (17/08/2005)
▪ Bất ổn hệ thống điện miền Bắc! (17/08/2005)